|
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975) (Ảnh tư liệu) |
Lịch sử, hiểu theo nghĩa tổng quát, là toàn bộ những gì đã xảy ra trong quá khứ. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có quá trình lịch sử xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại và hướng tới tương lai. Lịch sử là khách quan, không ai có thể thay đổi được. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm quan trọng của lịch sử đó là, các sự kiện chỉ xảy ra duy nhất một lần và không bao giờ lặp lại. Con người chỉ có thể tìm hiểu, nhận thức về lịch sử một cách gián tiếp thông qua các sách vở ghi chép, phim ảnh, di tích, nhân chứng... Chính vì lẽ đó, nhận thức của con người về lịch sử không bao giờ trọn vẹn, mà chỉ có thể càng ngày càng tiệm cận tới những gì đã xảy ra mà thôi. Đây cũng chính là lý do để các thế lực thù địch lợi dụng hòng tìm cách xuyên tạc, phủ nhận các thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã giành được, trong đó có những luận điệu sai trái, phản khoa học về giá trị, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Nội dung luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch có thể khái quát như sau: Trước năm 1975, miền Nam đã có một nền tảng kinh tế vững mạnh. Sài Gòn lúc bấy giờ được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Hàn Quốc thời điểm bấy giờ không thể so sánh được với Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, hiện nay ai cũng có thể thấy, Việt Nam so với Hàn Quốc đang thua kém về nhiều mặt. Hàn Quốc vốn có nhiều đặc điểm tương đồng với Việt Nam Cộng hòa, vậy mà hiện nay có sự phát triển vượt bậc như vậy, đó là nhờ bán đảo Triều Tiên không thống nhất như ở Việt Nam. Nếu không có ngày 30/4, thì miền Nam hiện nay phải phát triển vượt xa Hàn Quốc.
Thực tế cho thấy, những luận điệu sai trái lạc lõng như vậy chỉ do một nhóm tàn dư của chế độ Việt Nam Cộng hòa, đa số đang sống lưu vong ở nước ngoài và một số kẻ cơ hội, bất mãn trong nước rêu rao. Còn lại hầu hết người dân Việt Nam yêu nước đều kiên quyết bác bỏ và lên án. Tuy nhiên, việc phản bác các luận điệu trên cũng cần có những lập luận khoa học và căn cứ thực tiễn vững chắc, mới có thể đập tan được những âm mưu, thủ đoạn chống phá một cách triệt để.
Có thể khẳng định, những luận điệu sai trái, thù địch, phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử về ngày 30/4 nêu trên chỉ là một sự ngụy biện trắng trợn, không hề có cơ sở khoa học, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, xét về tính chất ngẫu nhiên của lịch sử.
Lịch sử là một chuỗi các sự kiện xảy ra liên tục trong dòng thời gian theo một chiều nhất định từ quá khứ - hiện tại - tương lai. Các sự kiện đã và đang xảy ra là kết quả tác động tổng hòa của rất nhiều các yếu tố khách quan và chủ quan, với sự đan xen phức tạp của các yếu tố tất nhiên và ngẫu nhiên. Do đó, mọi sự phán đoán về xu hướng phát triển của lịch sử đều không thể có kết quả chắc chắn. Chính vì vậy, không thể khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Nếu không có ngày 30/4 thì miền Nam hiện nay sẽ phát triển hơn Hàn Quốc”, bởi lẽ cũng có thể lập luận rằng: “Nếu không có ngày 30/4 thì miền Nam hiện nay vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn, nội chiến, nghèo đói giống như trường hợp của Nam Sudan”. Mọi sự phân nhánh lịch sử điều là ngẫu nhiên. Do vậy, việc các thế lực thù địch chỉ đưa ra phán đoán mà không hề có căn cứ nào để chứng minh làm cho luận điểm đã nêu ra thiếu cơ sở khoa học, khó có thể thuyết phục người nghe.
Thứ hai, xét về tính đặc thù của lịch sử.
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, truyền thống, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội… Chính vì vậy, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc điều mang nét đặc thù, không quốc gia, dân tộc nào giống quốc gia dân tộc nào, dù cho giữa các quốc gia, dân tộc ấy có những điểm tương đồng nhất định đi chăng nữa. Và do vậy, không thể nào lấy kết quả phát triển của một quốc gia, dân tộc này để áp đặt, cho rằng quốc gia dân tộc kia cũng phải phát triển tương tự, chỉ vì giữa cả hai có một vài điểm tương đồng nhất định. Dân gian có câu ngạn ngữ “thời thế tạo anh hùng”. Một quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển nếu xuất hiện những cá nhân kiệt xuất, đôi khi có thể tác động làm thay đổi cả dòng chảy của lịch sử. Singapre sẽ không thể có được như ngày nay nếu không có một Lý Quang Diệu(1). Tương tự, Hàn Quốc không thể phát triển giống hiện tại nếu không có một Park Chung Hee(2). Tuy nhiên, chế độ Việt Nam Cộng hòa với những Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu không ai thể hiện được mình là một nguyên thủ quốc gia kiệt xuất, có thể đưa ra những quyết sách mang tính đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của miền Nam trong thời điểm đó.
Thực tế lịch sử cũng cho thấy, kinh tế của Việt Nam Cộng hòa bị lệ thuộc chặt chẽ vào Hoa Kỳ, chứ không có những nền tảng để tự phát triển. Trong 21 năm tham gia chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã viện trợ cho nền kinh tế Việt Nam cộng hòa hơn 10 tỷ USD theo thời giá thập niên năm 1960, tương đương 70 - 80 tỷ USD theo thời giá năm 2015. Ngoài khoản viện trợ kinh tế này, một khoản tiền lớn hơn rất nhiều là tiền lương của lính Mỹ có mặt ở Việt Nam. Trung bình mỗi lính Mỹ được trả 800 USD/tháng. Lúc cao điểm, Mỹ có hơn nửa triệu lính ở miền Nam. Như vậy, riêng lương của lính Mỹ tiêu xài ở miền Nam trong mỗi năm khoảng 5 tỷ USD lúc bấy giờ, tương đương khoảng 40 tỷ USD hiện nay(3).
Vào thời điểm năm 1954, xuất phát điểm của Hàn Quốc và Việt Nam Cộng hòa khá tương đồng. Khi đó Hàn Quốc vừa trải qua cuộc chiến ác liệt với Triều Tiên, còn miền Nam Việt Nam cũng vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả hai trong giai đoạn này cơ bản đều dựa vào viện trợ của Hoa Kỳ. Mỹ viện trợ cho Việt Nam cộng hòa lớn hơn rất nhiều so với Hàn Quốc. Thế nhưng, khác biệt giữa hai bên là ở chỗ, dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee, Hàn Quốc đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, dần gia tăng giá trị xuất khẩu, làm cho kinh tế phát triển ngày một khởi sắc hơn. Từ cuối thập niên 1960, kinh tế Hàn Quốc giảm dần sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Một mặt vì chính Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ, thứ hai là do bản thân Hàn Quốc đã tích cực tự phát triển nội lực cho nền kinh tế của họ. Đến thập niên 70, căn bản kinh tế Hàn Quốc đã vượt rất xa so với nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa. Do đó, ảo tưởng về một “Hòn ngọc Viễn Đông” chỉ là một sự “ăn mày quá khứ”; và luận điệu nếu không có ngày 30/4 thì miền Nam ngày nay sẽ phát triển hơn Hàn Quốc thực sự là một sự ảo tưởng của những kẻ không có hiểu biết gì về lịch sử.
Thứ ba, xét về cái giá của sự đánh đổi.
Trong thực tế cuộc sống, cái được và cái mất luôn luôn song hành. Được cái này thì phải mất cái kia, đó là quy luật luôn luôn đúng. Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc rất cao. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta với niềm tự hào “con Rồng, cháu Tiên” đã kiên cường, bất khuất đấu tranh với biết bao kẻ thù xâm lược, kiên quyết không chịu cúi đầu làm nô lệ, không chấp nhận để cho các thế lực ngoại xâm can thiệp, xâm lược. Chính lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc ấy là sức mạnh nội sinh mạnh mẽ, là động lực để đất nước ngày càng phát triển. Một dân tộc quật cường như dân tộc Việt Nam chắc chắn không thể chấp nhận Tổ quốc thân yêu của mình bị chia cắt làm 2 miền với 2 chế độ khác nhau; với một nửa đất nước bị kẻ thù ngoại xâm thao túng. Chính vì vậy, ở Việt Nam, phong trào đấu tranh thống nhất đất nước đã bùng lên mạnh mẽ, với khí thế hào hùng rất riêng của một dân tộc đã có truyền thống hàng ngàn năm chống ngoại xâm. Và ngày nay, khi non sông đã thu về một mối, đất nước liền một dải từ Bắc chí Nam, người dân Việt Nam có thể tận hưởng bầu không khí hòa bình, ổn định; có thể tự do di chuyển trên lãnh thổ của mình; Nhà nước có thế đứng vững chắc và ngày càng nâng cao uy tín trên trường quốc tế… Những thành quả ấy đã được đánh đổi bằng xương máu của cả một thế hệ cha anh, hết sức tự hào và đáng trân trọng. Còn về phía Hàn Quốc, tuy đất nước hiện nay có những phát triển nhất định về kinh tế, nhưng cái giá phải trả cũng không hề rẻ. Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể được thống nhất; nhiều gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 đến tận ngày nay vẫn không có điều kiện để đoàn tụ; căng thẳng giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn đang là nguy cơ lớn đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực này… Ở đây không có sự so bì, phán xét hay chê bai, mà thực sự đối với lịch sử mỗi quốc gia dân tộc, không có những thành tựu nào mà không phải đánh đổi bằng một cái giá nhất định. Do đó, thắng lợi vĩ đại của ngày 30/4 là sự lựa chọn của toàn thể dân tộc Việt Nam, và ngày nay thế hệ đi sau đang được tận hưởng thành quả từ sự hi sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Vì vậy, cần phải thể hiện lòng biết ơn và tự hào về điều ấy, còn bất cứ một sự hạ thấp, xem nhẹ ý nghĩa của sự kiện này đều là điều không thể chấp nhận đối với một người dân Việt Nam yêu nước.
Thứ tư, xét về xu hướng phát triển của lịch sử.
Hiện nay, Việt Nam được thế giới biết tới như một nền kinh tế đầy năng động. Vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được coi trọng trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong số 6 quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(4).
Với môi trường hòa bình, ổn định trên cơ sở độc lập dân tộc và thống nhất đất nước được củng cố vững chắc, với những nền tảng kinh tế phát triển bền vững, với sức mạnh nội sinh được khơi dậy từ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc từ mỗi một người dân yêu nước, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn toàn có cơ sở để chúng ta tin rằng trong một tương lai không xa, Việt Nam có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu như kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nền tảng để tạo nên sức bật mạnh mẽ ấy chính là sức mạnh to lớn từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở đất nước thống nhất hai miền, mà ngày 30/4/1975 là một cột mốc mang tầm lịch sử.
Tóm lại, Đại thắng mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là sự kiện ngày 30/4/1975 là mốc son chói lọi bằng vàng, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, được cả thế giới ngưỡng mộ và tôn vinh. Sự kiện này cũng đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử. Có thể khẳng định, mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch đều không thể làm phai nhạt giá trị, ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử vĩ đại này. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cần kiên quyết, chủ động tuyên truyền, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, kịp thời ngăn chặn, uốn nắn những nhận thức, quan điểm lệch lạc, không để những luận điểm xuyên tạc này có điều kiện lan tỏa, từ đó làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
-----------------------------------------
1- Cựu thủ tướng Singarore giai đoạn 1959 - 1990.
2- Cựu thủ tướng Hàn Quốc từ 1963 - 1979
3- Trần Phương (25/4/2019), Vọng tưởng “nếu không… thì sẽ như Hàn Quốc bây giờ” - Bài 1, Báo điện tử Bình Phước, https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/2927/vong-tuong-neu-khong-thi-se-nhu-han-quoc-bay-gio---bai-1, ngày truy cập (25/4/2024).
4- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 103 -104
ThS. Trần Ngọc Sáng - Trường Chính trị tỉnh