Sign In

Luận bàn về một số vấn đề tiếp cận thông tin trên không gian mạng

16:35 15/09/2023

Không gian mạng là không gian mới, không gian sống và hoạt động thứ tư của loài người: Con người ngày nay ngoài việc sống và hoạt động trên đất, trên không trung, trên biển thì không gian mạng cũng đang trở thành một không gian để loài người sống và hoạt động. Tất cả các hoạt động về đời sống, xã hội, tâm lý, tư tưởng, văn hóa nghệ thuật… trong đời thực đã và đang dịch chuyển mạnh mẽ trên không gian mạng.


Về bản chất thì không gian mạng chính là môi trường để con người kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin. Thế nhưng, việc tiếp cận thông tin trên không gian mạng hiện nay còn rất nhiều vấn đề phải đặt ra. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin đề cập đến một số vấn đề như sau:

1. Thông tin trên không gian mạng là một loại nguyên liệu hỗn tạp, có nhiều tạp chất

Trong bối cảnh hiện nay, hàng ngày thông qua hoạt động thực tiễn của mình con người phải tiếp nhận một lượng thông tin rất lớn từ không gian mạng. Những thông tin trên, về mặt tích cực, là một nguồn dữ liệu vô tận để con người khai thác, học tập, vận dụng vào trong các hoạt động thực tiễn, nhưng về tiêu cực lại là một trong những yếu tố làm cho nhận thức của con người trở nên lệch lạc, mất phương hướng từ đó dễ tin theo, nghe theo hoặc làm theo những quan điểm sai trái, thù địch.

Bàn về vấn đề này, một nhà nghiên cứu đã khẳng định: Không gian mạng luôn luôn tồn tại một lượng thông tin xấu, độc nhất định. Không gian mạng là một dạng của xã hội nên không thể đạt được tình trạng “tuyệt đối không có thông tin xấu độc” (Zero Fakenews). Nguồn “nguyên liệu – thông tin” mà chúng ta tiếp nhận hàng ngày bao giờ cũng lẫn trong đó “một số tạp chất” nhất định.

Làm thế nào để phân loại trong vô vàng thông tin trên, để tìm ra những thông tin có ích, hướng con người tới những suy nghĩ, hành động tích cực, đồng thời loại bỏ những thông tin sai trái, xấu độc làm ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của con người? Mỗi con người đều có một “bộ lọc thông tin” để gạn lọc, tiếp nhận những cái mà họ cho là có lợi. Điều đó tuỳ thuộc vào quan điểm, mục đích, thị hiếu của mỗi con người. Nhưng vấn đề là cùng một thông tin nhưng đối với người này thì là lợi, đối với người khác thì không và ngược lại. Cái tiêu chí để đánh giá “cái lợi” hay “cái hại”, “có ích” hay “vô ích”, “tích cực” hay “tiêu cực” ở đây là gì? Là chuẩn mực! chuẩn mực về quan điểm, đường lối, về pháp luật, về đạo đức, văn hoá, xã hội, thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục…

Làm sao để “bộ lọc thông tin” trong mỗi con người đủ khả năng để lọc bỏ những thông tin xấu độc, tiếp nhận những thông tin tích cực vào não bộ? Hay nói một cách khác, là làm thế nào để con người “đề kháng”, “miễn nhiễm” trước vô vàng thông tin xấu, độc, thông tin sai trái, thù địch? Để làm được điều này đòi hỏi người tiếp nhận thông tin phải có một sự am hiểu nhất định về mọi mặt. Sự am hiểu này giúp họ tự tìm hiểu, đối chiếu, rà soát, kiểm chứng từ các nguồn tin để biết được thông tin nào là đúng, thông tin nào là sai và bản chất thực sự của vấn đề là gì? Từ đó chủ động định hướng trong nhận thức và hành động, tích cực tham gia đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái.

Việc trang bị cho mình kỹ năng, kiến thức về các lĩnh vực trong đời sống chính trị, xã hội, dĩ nhiên không thể thực hiện trong một ngày, một buổi mà đòi hỏi phải trải qua một khoảng thời gian dài tích góp và quá trình đấu tranh, sàn lọc, loại bỏ, đổi mới và cập nhật liên tục để kiến thức luôn mới, phù hợp theo kịp với xu hướng phát triển chung của xã hội và của nhận thức.

2. Tình trạng thừa - thiếu khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng

Phải chăng công chúng hiện nay đang bị thiếu thông tin? Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thật sự xét một góc độ nào đó thì hiện nay thông tin đến với công chúng đang trong tình trạng “vừa thừa vừa thiếu”, mà thậm chí “thừa thì rất nhiều, nhưng thiếu thì cũng hết sức trầm trọng”. Quả thật thế, lang thang trên không gian mạng trong một thời gian ngắn con người đã tiếp cận được cơ hồ nào là thông tin từ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hoá, thể dục - thể thao, an ninh trật tự… cho đến tin tức thời sự trong nước, khu vực, thế giới… rồi các bài bình luận của các chuyên gia, nhà khoa học… lĩnh vực nào cũng có, mức độ nào cũng có, thể loại nào cũng có…

Vậy công chúng hiện nay thiếu thông tin gì? Thiếu thông tin chính thống! Chúng ta đang ở trong cái thời mà, bất cứ một sự việc nào diễn ra thì ngay lập tức trên không gian mạng liền xuất hiện hàng hà sa số các thông tin liên quan theo dạng “mỗi tin mỗi kiểu”, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. Công chúng rất khó, thậm chí không thể tiếp cận được thông tin chính thống, thế nên mới dẫn đến tình trạng cùng một sự vụ, sự việc nhưng mỗi người biết, hiểu mỗi cách khác nhau tuỳ thuộc vào những gì mà mình tiếp cận được, không ai giống ai, không có cái chuẩn chung nào để so sánh, đối chiếu.

Giải pháp đặt ra để giải quyết vấn đề nay chính là cần tăng cường cung cấp thông tin chính thống, phải tạo được dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm trai trái, thù địch trên Internet, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân có thể nhận thức, nhận diện thông tin sai trái, thù địch. Một khi đã nhận thức được đúng sai của thông tin thì mỗi công dân mạng xã hội tự khắc sẽ điều chỉnh bản thân, tự giác phòng chống và chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

3. Chứng “bội thực” trước thông tin trên không gian mạng

Môi trường Internet, mạng xã hội đã tạo ra một trữ lượng thông tin khổng lồ chưa từng có trong lịch sử loài người. Không gian mạng là không gian mở, đa chiều có tính tương tác cao. Ở đó, thông tin được gia tăng hàng giây, hằng phút với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một không gian lưu trữ thông tin bất tận. 

Sống trong môi trường thông tin đó, dù có chủ động hay bị động thì thông tin cũng là nhân tố trực tiếp tác động vào nhận thức và hành động của họ theo quan điểm của thông tin mà họ tiếp nhận được. Bộ óc con người, trong một khoảng thời gian nhất định thì chỉ tiếp nhận và xử lý một lượng thông tin nhất định, nếu vượt quá cái giới hạn cho phép của nó thì sẽ dẫn đến tình trạng “bội thực thông tin”.

Chứng “bội thực thông tin” làm cho con người rơi vào tình trạng mất phương hướng, nhận thức không đến nơi đến chốn, thậm chí “mù mờ”, “lang mang”, không phân biệt rõ đúng, sai, tư tưởng và hành động dễ sa vào lệch lạc, tiêu cực. Bởi trong thế giới vô cùng vô tận của thông tin, bên cạnh những thông tin chính thống, toàn diện do các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đăng tải, có không ít tin giả, tin đồn, các phát ngôn thù địch, vu khống, bịa đặt, kỳ thị, thiếu căn cứ, lời lẽ kích động, xuyên tạc…

Như vậy làm thể nào để không bị “bội thực thông tin”? Hãy rèn luyện thói quen tiếp cận thông tin một cách chủ động, theo hệ thống, có mục đích rõ ràng, loại bỏ dần thói quen tiếp nhận thông tin qua những gì hiển thị trước mắt trên các thiết bị điện tử. Chủ động sàng lọc, loại bỏ những luồng thông tin vô bổ, không cần thiết, không đáng tin tưởng, thiếu các giá trị chuẩn mực xã hội…

4. Không gian mạng luôn là một mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch “ươm, gieo mầm chống phá”

Lợi dụng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các tiện ích của mạng xã hội và internet, các lực lượng thù địch đang thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Ngoài việc đánh phá trực tiếp vào Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng tư tưởng của Đảng các thế lực thù địch còn ra sức tuyên truyền những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch nhằm hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mất phương hướng về chính trị, tư tưởng để chúng dễ dàng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Chúng ta thấy rằng, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta là âm mưu thuộc về bản chất của các thế lực thù địch. Đấu tranh, ngăn chặn âm mưu này chính là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Với cán bộ, đảng viên, đây chính là nhiệm vụ sống còn, một mặt cần phải phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố vững chắc thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật trong nhận thức, phân tích, đánh giá và hoạt động thực tiễn, nhằm đấu tranh chống lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; thường xuyên cập nhật, nghiên cứu Cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực; nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động; chủ động tiến hành nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao; không tham gia đánh giá, nhận xét, bình luận trên các trang mạng xã hội với các nội dung chưa được kiểm chứng; phát huy những ưu điểm, lợi ích của Mạng xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và nhà nước, quảng bá các hình ảnh, tấm gương người tốt, việc tốt đến với cộng đồng xã hội…

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này đòi hỏi cán bộ, đảng viên một mặt cần vững vàng về lập trường, quan điểm, vững chắc về lý luận, am tường về thực tiễn, nhạy bén trong đánh giá, nhận định tình hình, đồng thời nhiệt huyết, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm của bản thân đối với Đảng, với đất nước, với chế độ và với cộng đồng, xã hội.

Có người nói rằng: tiếp cận thông tin trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay là một kỹ năng. Để tiếp cận thông tin một cách đúng đắn không những đòi hỏi người tiếp cận phải có một trình độ kiến thức nhất định; một quan điểm chuẩn mực, rõ ràng; một cái nhìn khách quan, toàn diện… mà còn đòi hỏi phải rèn luyện, trang bị cho mình tư duy phản biện, bản lĩnh vững vàng để sẵn sàng đấu tranh, phản bác lại những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.

Bùi Vũ Quang Tấn
 

Tag:

File đính kèm