Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời (tháng 8/1945), Đảng ta đã khẳng định, nhiệm vụ lịch sử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiến quốc gia trên nền tảng dân chủ”; Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đổi mới đã đặt ra những cơ sở quan trọng cho việc đổi mới tư duy, quan điểm về xây dựng nhà nước trong các điều kiện tiến hành cải cách kinh tế: “Nhà nước ta là công cụ của chế độ làm chủ tập thể XHCN, do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức thành cơ quan quyền lực chính trị…”; Đại hội VII (1994), thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được Đảng ta sử dụng đầu tiên và đưa ra những nhận thức khá cụ thể, toàn diện: “tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN…”.
Tổng kết 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãnh phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”. Sau đó, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định mục tiêu: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả…”.
Như vậy, từ khi ra đời cho đến nay, trong đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn quán triệt tư tưởng xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật - phương tiện quan trọng trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại thường chống phá, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước ta. Trong đó, nổi lên một số luận điệu đáng chú ý như:
Một là, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền đã không ngừng bôi nhọ, bóp méo, xuyên tạc việc thực hiện dân chủ ở nước ta. Họ cho rằng “Việt Nam không có dân chủ”, “không có pháp quyền” bởi chế độ một đảng cầm quyền. Từ đó kích động tư tưởng hoài nghi về nền dân chủ Việt Nam… Đáng nói hơn, lợi dụng các đợt bầu cử bầu cử Quốc hội để vu cáo bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn; tổ chức lan truyền kịch bản “xếp ghế” cho nhân sự Quốc hội trên mạng xã hội, rêu rao rằng bầu cử chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các phe nhóm của Đảng “an bài”, “thoả hiệp”, “phân chia”… Đồng thời, các thế lực thù địch còn giở chiêu trò “tự ứng cử”, lợi dụng không gian mạng để hô hào các hội nhóm ủng hộ các “nhà dân chủ”; rêu rao Đảng Cộng sản Việt Nam cố tình “cản trở” người ngoài đảng tự ứng cử...
Từ lý luận, thực tiễn ta thấy rằng dân chủ không quyết định bởi một đảng hay nhiều đảng mà tùy thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, hướng đến mục đích gì. Việc tồn tại một đảng hay nhiều đảng còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng chính trị, bối cạnh lịch sử, truyền thống văn hóa, chính trị của mỗi quốc gia dân tộc. Thực tế cho thấy, không phải cứ “đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị” là tự do, dân chủ, bình đẳng. Cần khẳng định rằng, “đa nguyên, đa đảng” cũng có những yếu tố tích cực của nó, song thực chất “đa nguyên, đa đảng” không hề đồng nhất với “dân chủ thật sự”. Bởi lẽ “dân chủ” là một giá trị xã hội, được hình thành và bảo đảm bởi nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau. Trong bất kỳ xã hội nào, dù “nhất nguyên” hay “đa nguyên”, “một đảng lãnh đạo” hay “đa đảng đối lập”, nhưng chỉ khi đảng cầm quyền và nhà nước thực sự quan tâm đến thể chế bảo đảm quyền lực thực tế của nhân dân, chăm lo cho nhân dân, tôn trọng nhân dân… thì xã hội đó mới có “dân chủ thật sự”.
Trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ quan điểm “mọi quyền lực thuộc về Nhân dân”, “Nhân dân lao động là người chủ đất nước”... Nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, một nền dân chủ hướng về đông đảo quần chúng nhân dân, rất khác biệt so với nền dân chủ tư bản chủ nghĩa, vốn cơ bản chỉ hướng đến bảo vệ lợi ích cho giai cấp tư sản, vốn chỉ chiếm thiểu số trong xã hội. Những thành tựu về phát huy dân chủ của Việt Nam hiện nay được chính Nhân dân, những người trực tiếp thụ hưởng các giá trị dân chủ, thừa nhận. Chính vì vậy, không thể vì một vài hạn chế, một vài hiện tượng mất dân chủ ở một số nơi để cố tình phủ nhận bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Hai là, lợi dụng những điểm còn hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ và tung hô, cổ xúy cho tư tưởng “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự”.
Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền cho rằng “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự” chính là “phương thuốc vạn năng” để kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa tham nhũng, nhưng thực chất âm mưu phía sau của luận điệu này nhằm phá hoại thể chế chính trị của ta, phá hoại nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, tiến tới phá hoại vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng. Trên các kênh RFI, RFA, BBC… và hầu hết trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động thường xuyên đăng tải các bài viết ca ngợi cho rằng “tam quyền phân lập là một đặc trưng của quốc gia dân chủ”; kêu gọi “Việt Nam cần phải thực hiện “tam quyền phân lập” để tránh Nhà nước toàn trị”. Đồng thời đưa ra “lý sự” để quy kết rằng “Việt Nam không thể có tam quyền phân lập khi còn chế độ Cộng sản”; “quyền lực tập trung là nguy cơ của tham nhũng”… từ đó hô hào, kích động người dân chống lại quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, các thế lực thù địch cũng tiến hành “làm méo mó, biến tướng” vấn đề “xã hội dân sự” và ra sức cài cắm “xã hội dân sự” đã bị biến tướng, méo mó này vào Việt Nam, nhằm thực hiện âm mưu làm nền móng để tập hợp lực lượng, thai nghén, sản sinh ra các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong lòng đất nước.
Theo các nhà nghiên cứu “tam quyền phân lập” là nguyên tắc tổ chức của Nhà nước tư bản để không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước vào một cơ quan nhất định bằng sự phân chia quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, do mỗi nước có truyền thống lịch sử, văn hoá, điều kiện đặc thù khác nhau nên không thể có một khuôn mẫu chung nào về “tam quyền phân lập” để áp dụng chung cho tất cả các nước mà mỗi nước có một mô hình tổ chức khác nhau.
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Điểm tạo nên tính ưu việt của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nước tư bản trên thế giới là pháp luật phục vụ Nhân dân, để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân; mục tiêu phát triển đất nước là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Như vậy, cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay đã khẳng định được tính hợp lý, tính khoa học đúng đắn của nó. Vấn đề cốt lõi giai đoạn hiện nay không phải là lựa chọn làm theo mô hình nào mà là chúng ta phải thực hiện mô hình mà chúng ta đã dày công, tâm huyết lựa chọn, xây dựng đó như thế nào để xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân. Việt Nam không kỳ thị, không ngăn cản người dân tham gia thành lập hội, tham gia các tổ chức nhưng tất cả các hội, nhóm, đoàn thể đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cái mà Việt Nam không thừa nhận và ngăn chặn là cái “xã hội dân sự” đã bị “bóp méo”, “làm biến tướng” nhằm làm tiền đề sản sinh ra các hội, nhóm chống đối Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, đưa ra nhiều luận điệu sai trái nhằm phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò, tính chất pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cho rằng Nhà nước pháp quyền là giá trị của các nước tư bản, việc Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thậm chí họ còn xuyên tạc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chỉ có “Đảng trị” chứ không có tính pháp quyền; chỉ có nhà nước pháp quyền tư bản, chứ không có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Chúng ta không phủ nhận giá trị to lớn về nhà nước pháp quyền của các nhà tư tưởng phương Tây như: Socrates (469-399 Tr.CN), Aristoteles (384-322 Tr.CN), Cicero (l06-43 Tr.CN), John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778), I.Kant (1724 - 1804), Hegel (1770 - 1831) v.v… những người đã đặt nền móng đầu tiên, sáng lập, phát triển như một thế giới quan pháp lý mới, phát triển các tư tưởng về nhà nước pháp quyền, làm cơ sở lý luận xây dựng nhà nước tư sản cho đến ngày nay. So với nhà nước phong kiến, đây là những tư tưởng tiến bộ của nhân loại trong hoàn cảnh lịch sử khi đó. Tuy nhiên, tư tưởng này bị hạn chế bởi thế giới quan, bản chất giai cấp nên nhà nước tư sản vẫn là công cụ thuộc về thiểu số là giai cấp tư sản, dân chủ tư sản chưa phải là nền dân chủ của đa số, quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Cần phải thừa nhận tư tưởng về nhà nước pháp quyền là tinh hoa của trí tuệ nhân loại, mang giá trị phổ quát chứ không phải là sản phẩm riêng, độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Không thể lập luận rằng “xây dựng nhà nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, càng không thể xuyên tạc ở Việt Nam chỉ có đảng trị, không pháp quyền”.
Có thể nói, đấu tranh bảo về Nhà nước pháp quyền xủa hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nội hàm quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hinh mới. Để thực hiện có hiue65 quả nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài này trước hết cần: đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tiếp tục lãnh đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển địa phương nhanh và bền vững; Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đổi mới xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Trong đấu tranh phản bác, cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, kịp thời tham mưu cấp ủy phương án đấu tranh, xử lý, ngăn chặn các tình huống có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, không để nảy sinh các sự vụ, sự việc phức tạp, nhạy cảm làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương; tiếp tục xây dựng, kiện toàn thành viên các tổ, nhóm đủ về số lượng, có bản lĩnh, trí tuệ, nhiệt huyết; rà soát, bổ sung quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng và kết nối chặt chẽ các lực lượng từ tỉnh, đến cơ sở; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, phương pháp đấu tranh trên không gian mạng cho các thành viên, cộng tác viên; kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận xã hội, tạo thế chủ động trong đấu tranh trên không gian mạng, không để “khoảng trống thông tin” để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá; chủ động xây dựng ngân hàng dữ liệu, tài liệu tuyên truyền, các bài viết, bình luận…
Bùi Vũ Quang Tấn