Sign In

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch – chặng đường xuyên suốt của Đảng ta

14:19 25/01/2024
Nền tảng tư tưởng của Đảng là hệ thống lý luận, là cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng Đảng, về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, về định hướng phát triển của Đảng, về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hai mặt có mối quan hệ mật thiết với nhau, thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa "xây" và "chống", thể hiện quy luật tồn tại và phát triển của hệ tư tưởng XHCN nước ta.


 

Trong hơn 9 thập niên năm xây dựng và phát triển, bên cạnh việc lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta còn có những chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Từ những năm 50 - 60 thế kỷ XX, trên thế giới nổi lên chủ nghĩa cơ hội, xét lại chống lại chủ nghĩa Mác cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác. Tháng 12/1963, Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa III “về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng” để đấu tranh chống lại nhận thức và hành động trái với quan điểm của Đảng. Với lập trường kiên định và rõ ràng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Hội nghị Trung ương 7 khóa VI (tháng 8/1989) của Đảng ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”. Trung ương Đảng đã nhận định sáu điểm về những sai lầm trong cải tổ, cải cách về thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng, dân chủ hóa không giới hạn, hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng

Cộng sản, phủ nhận thành tựu của lịch sử, của chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Đảng ta nhấn mạnh cần giáo dục trong Đảng và trong nhân dân kiên trì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở quán triệt năm nguyên tắc và những chính sách đổi mới của Đảng. 

Sau khi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được ban hành năm 1991, Đảng ta tiếp tục có những chỉ đạo quan trọng qua Nghị quyết số 01-NQ/TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (tháng 3/1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (tháng 02/1995); đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) về xây dựng Đảng.

Ngày 22/10/2018, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết số 35-NQ/TW mà Đảng ta đã và đang thực hiện là nghị quyết chuyên đề quan trọng, càng khẳng định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng là một nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách và lâu dài. Trong nội dung lãnh đạo đấu tranh tư tưởng cần tập trung đó là (1) lãnh đạo đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, (2) lãnh đạo phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh, (3) lãnh đạo phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; (4) lãnh đạo phản bác các luận điệu phủ nhận thành tựu to lơn và có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng, (5) lãnh đạo đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Về phương thức lãnh đạo đấu tranh tư tưởng, cấp ủy các cấp cần tiếp tục xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng; lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua tổ chức đảng và đảng viên, thông qua phát huy vai trò chính quyền nhân dân, các đoàn thể chính trị xã hội và thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết công tác đấu tranh tư tưởng.

Nghị quyết nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; là nhiệm vụ hàng đầu của toàn đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt, là công việc tự giác, thường xuyên xủa các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; từng địa phương, cơ quan đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Sự nhấn mạnh đó cho thấy sự kiên trì, kiên định trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong điều kiện tình hình hiện nay.  

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nhằm bảo vệ đường lối, Cương lĩnh lãnh đạo, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Huyền Ly

Tag:

File đính kèm