Sign In

Đặc sắc lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số Bình Định

09:45 09/06/2024
Trong khuôn khổ các hoạt động tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII - năm 2024, sáng 6.6, các đơn vị tham gia Ngày hội tiếp tục trình diễn lễ hội dân gian truyền thống và thuyết trình trại đẹp.

Đơn vị chủ nhà Vân Canh để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với những thanh âm cồng chiêng hòa cùng trống kơ toang, xà reo tạo nên không khí vui nhộn tái hiện lễ cúng thần làng của đồng bào Chăm H’roi.

Tái hiện lễ cúng thần làng của đồng bào Chăm H’roi - đơn vị chủ nhà huyện Vân Canh. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Trong vai thầy cúng, nghệ nhân Nguyễn Chế Linh, đoàn VH-TT huyện Vân Canh, chia sẻ: “Phong tục, tập quán của đồng bào Chăm H’roi có nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Mỗi lễ hội có những sắc màu khác nhau, trong đó lễ cúng thần làng mang nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, thu hút đông đảo sự tham gia của toàn thể dân làng. Tùy vào mỗi làng quy định, nghi lễ cúng thần làng có thể diễn ra 2 - 3 năm cúng một lần hoặc cúng hằng năm, với nhiều nghi thức độc đáo, cầu xin Yang play ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng bình an, no ấm, hạnh phúc”.

Lễ tạ ơn giàng của người Bana huyện Tây Sơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Đoàn VH-TT huyện Vĩnh Thạnh tái hiện lễ trùng tên (lễ kết nghĩa) giúp người xem hiểu thêm về nét đẹp nhân văn của đồng bào Bana K’riêm. Lễ trùng tên là nghi lễ giữa hai người không quen biết, không phân biệt tuổi tác nhưng cùng tên thì sẽ kết nghĩa tình anh em, xem như ruột thịt (sau khi được gia đình hai bên đồng ý). Lễ trùng tên thường diễn ra trong quy mô gia đình, dòng họ, gồm các lễ cúng tổ tiên; cúng yang rong, người nuôi dưỡng, trông coi, sức khỏe và sinh tồn; cúng các vị thần linh để mời chứng kiến. Sau đó là nghi lễ trao vòng cườm giữa 2 người trùng tên kết nghĩa anh em, từ đây họ xem nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.

Lễ trùng tên (lễ kết nghĩa) giúp người xem hiểu thêm về nét đẹp nhân văn của đồng bào Bana K’riêm huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Em Đinh Thị Khuyên, Đoàn VH-TT huyện Vĩnh Thạnh, lần đầu tiên tham gia Ngày hội, trình diễn tại lễ trùng tên, tâm tình: “Em rất vinh dự khi tham gia Ngày hội cùng mọi người, được trình diễn giới thiệu nét độc đáo của lễ hội dân gian đồng bào dân tộc mình đến công chúng. Thế hệ trẻ như chúng em được hiểu hơn, trân quý hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông”.

Lễ cưới của đồng bào Bana huyện Hoài Ân. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Lễ cúng được mùa của đồng bào Bana huyện Phù Cát. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Trình diễn lễ cúng thần làng của đồng bào H’re huyện An Lão. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Bên cạnh việc tham quan các trại, xem phần trình diễn lễ hội dân gian truyền thống, gắn với hoạt động diễn xướng cồng chiêng, múa xoang, đến với không gian Ngày hội, người xem còn được thưởng thức phần trình diễn Lễ hội cúng thần làng của đồng bào H’re huyện An Lão; lễ cưới của đồng bào Bana huyện Hoài Ân, lễ tạ ơn giàng của đồng bào Bana huyện Tây Sơn, lễ cúng được mùa của đồng bào Bana huyện Phù Cát, để rồi lắng đọng nhiều cảm xúc đan xen…

NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định

Tag:

File đính kèm