Nhiều cơ sở nhà, đất trong vụ án Phan Văn Anh Vũ đã được tuyên giao thu hồi, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì có nhiều vướng mắc. Trong ảnh là nhà, đất số 2 Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Anh Đào)
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2024, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó có một số vụ án lớn, với số tiền thu hồi cao.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, như vụ án Tân Hoàng Minh đến nay đã thi hành xong hơn 8.000 tỷ đồng; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền 5.169 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2024, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó có một số vụ án lớn, với số tiền thu hồi cao. |
Cùng với đó, tại một số vụ án lớn, ngay trong quá trình tố tụng, các cơ quan chức năng đã phối hợp thực hiện tạm giữ, kê biên tài sản, ngừng giao dịch tài sản có dấu hiệu vi phạm, với 2.876 bất động sản, hơn 2,2 tỷ cổ phần, 7,8 triệu USD, 10 triệu Yên Nhật, 63.900 Euro, 1.080 lượng vàng, 36 laptop, 43 ô-tô, 2 tàu chở dầu, 1.288.406 lít dầu DO, 227.204 lít xăng, 1 cặp ngà voi, 2 nhẫn kim cương, 1 du thuyền.
Riêng trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số tỉnh thành phố, quá trình khám xét, Cơ quan điều tra đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 1.320 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do tài sản phải xử lý trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường có số lượng rất lớn, đa chủng loại, ở nhiều địa phương khác nhau thuộc quyền sở hữu của nhiều người, tính chất pháp lý phức tạp. Nhiều trường hợp chưa đủ thông tin, cơ sở pháp lý, nên việc xử lý mất nhiều thời gian, nhất là đối với những tài sản như bất động sản, cổ phiếu... Trong khi đó, cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra.
Mặc dù hành vi tội phạm và tham nhũng kinh tế có thể đã được phát hiện từ hoạt động thanh, kiểm tra và từ đơn thư phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo.
Cụ thể, về pháp lý, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo và phong tỏa tài sản chỉ áp dụng với người bị buộc tội, tài sản tịch thu phải liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong đó việc kê biên và phong tỏa số tiền trong tài khoản phải tương ứng. Việc này rất phức tạp bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, tiến hành khởi tố vụ án đều khó xác định các dòng tiền đan xen nhau, đòi hỏi cơ quan điều tra phải rất thận trọng.
Bên cạnh đó, các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mới được thụ lý và đưa ra xét xử vẫn có xu hướng tăng với số tiền vi phạm phải thu hồi lớn. Theo thống kê, từ ngày 1-10-2023 đến hết tháng 9-2024, tòa án các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 5.514 vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ; đã xét xử 4.844 vụ, trong đó có 1.154 vụ phạm tội về tham nhũng. So với cùng kỳ năm 2023, án tham nhũng thụ lý tăng 407 vụ. Tòa án Nhân dân các cấp đã tuyên thu hồi tiền, tài sản 201 vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tổng trị giá hơn 16.297 tỷ đồng.
Để thực hiện công tác thu hồi tài sản tham nhũng bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, các chuyên gia về pháp luật cho rằng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng trong việc đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ và có cơ chế phù hợp để thực thi các quy định liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, áp dụng quy định kịp thời nhằm bảo đảm việc thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả. Thí dụ, các cơ quan chức năng có thể ra quyết định thu hồi tài sản ngay sau khi phát hiện đối tượng thanh tra, kiểm tra có hành vi chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không cần đợi kết luận thanh tra hoặc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Các đối tượng phạm tội thường có xu hướng tẩu tán tài sản, chia nhỏ tài sản và nhờ người khác đứng tên ngay trong quá trình phạm tội, thậm chí ngay trong giai đoạn điều tra, nhằm che giấu nguồn gốc phi pháp của tài sản. Hành vi này không chỉ gây khó khăn cho quá trình thu hồi tài sản mà còn làm giảm hiệu quả của các bản án. Những tài sản bị chiếm đoạt nếu không được thu hồi kịp thời sẽ mất dấu vết, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và làm mất đi tính răn đe của pháp luật.
Do vậy, đối với những trường hợp nói trên, cần áp dụng khởi tố bổ sung tội rửa tiền với những hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng. Điều này không chỉ mang ý nghĩa chiến lược trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước, của nhân dân qua các vụ án tham nhũng mà còn có tác dụng ngăn chặn nguy cơ lan rộng của tội phạm rửa tiền./..