Điểm mạnh
Đánh giá tổng hợp và dựa vào 9 cấu phần của khung phân tích ba lớp (các yếu tố sẵn có của địa phương, nền tảng phát triển từ chính quyền, nền tảng phát triển của doanh nghiệp), Bình Phước có 6 điểm mạnh ở ba cấu phần gồm: 2 điểm mạnh ở tài nguyên tự nhiên; 2 điểm mạnh ở vị trí địa lý; 2 điểm mạnh ở hiệu lực của chính quyền và chất lượng của chính sách. Bình Phước không có điểm mạnh trong 6 cấu phần còn lại (quy mô của địa phương, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường kinh doanh, trình độ phát triển cụm ngành, hoạt động và chiến lược của doanh nghiệp).
Đất bazan màu mỡ, Bình Phước rất phù hợp để phát triển nông nghiệp - Ảnh: Tiến Dũng
Thứ nhất, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, phát triển các sản phẩm đặc thù, có sức cạnh tranh trên thị trường, với một số sản phẩm cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Với vị trí chuyển tiếp giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng lớn rất thuận lợi cho sử dụng đất và phát triển nông nghiệp.
Thứ hai, quỹ đất rộng, còn nhiều dư địa khai thác và sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bình Phước có tiềm năng đất đai lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, với tổng diện tích (6.880,60km2), chiếm khoảng 2% diện tích cả nước, 30% diện tích vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, tài nguyên đất của Bình Phước cũng đa dạng nhất, với 3 nhóm đất chủ lực là đất bazan, đất feralit (đất đỏ vàng) và đất xám. Như vậy, xét về tính đa dạng và diện tích đất, Bình Phước có lợi thế lớn nhất vùng Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, đất đô thị và đặc biệt là đất phục vụ cho sản xuất - kinh doanh còn rất hạn chế. Bình Phước có tỷ lệ đô thị hóa thấp, chủ yếu tập trung ở Đồng Xoài và một số thị xã, khu công nghiệp phía nam với tổng diện tích 0,98% diện tích đất tự nhiên. Đất phục vụ sản xuất - kinh doanh cũng chỉ đạt 0,84% tổng diện tích đất tự nhiên. Hiện trạng này cho thấy dư địa sử dụng đất cho đất ở, đất sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh Bình Phước theo đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp.
Thứ ba, nằm ở khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ. Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là 1 trong 6 tỉnh của vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và quốc tế, đặc biệt với Campuchia, Lào, Thái Lan. Hệ thống giao thông của Bình Phước (quốc lộ 14, quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh…) là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia. Với vị trí chuyển tiếp này, Bình Phước có thể lựa chọn hướng phát triển về vùng Tây Nguyên, hướng sang Lâm Đồng, Đồng Nai và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, phát triển về phía Tây gắn với kinh tế cửa khẩu và vai trò quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia hoặc nhìn về thị trường trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh và hướng ra biển Đông với thị trường xuất khẩu quốc tế.
Vị trí chiến lược cũng đưa Bình Phước trở thành địa bàn phụ cận tiềm năng có vai trò kết nối trong chiến lược phát triển tổng thể vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Campuchia. Bình Phước trở thành mắt xích quan trọng trong hình thành tuyến phòng thủ hành lang phía Tây giữa Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Khi đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây hình thành, Bình Phước trở thành giao điểm quan trọng kết nối toàn bộ tuyến biên giới phía Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh biên giới thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành một hành lang kinh tế và khu vực phòng thủ an ninh quốc phòng vững chắc cho khu vực miền Nam.
Thứ tư, nằm trong vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, Bình Phước có cơ hội để phát triển từ sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, các đô thị lớn, phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thứ năm, tinh thần sẵn sàng và quyết tâm của bộ máy chính quyền tỉnh Bình Phước đã có một sự chuyển biến rất tích cực tại Bình Phước trong những năm gần đây. Đội ngũ của tỉnh không muốn chấp nhận những kết quả chỉ ở mức vừa phải như những năm qua. Một quyết tâm đưa Bình Phước đạt được những kết quả tích cực hơn bằng việc tận dụng các cơ hội, phát huy các tiềm năng và lợi thế. Kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương đã có được sự thành công cho thấy, các địa phương thường có các cơ hội giống nhau và chịu các ràng buộc thể chế chung như nhau. Do vậy, nhân tố tạo ra sự thành công nằm ở cách làm và quyết tâm của chính quyền với các yếu tố then chốt gồm: Xác định được các hướng đi hợp lý; sự năng động và sáng tạo của đội ngũ; quyết tâm của địa phương; có những thay đổi và điều chỉnh kịp thời và đúng lúc trước những biến động của điều kiện bên ngoài và những nhân tố bên trong.
Nhìn vào các nhân tố trên, Bình Phước đang có những nền tảng cơ bản ban đầu và bước tiếp cận phù hợp. Để có thể thành công, Bình Phước rất cần sự hỗ trợ và khuyến khích của Trung ương.
Điểm yếu
Thứ nhất, năng lực cạnh tranh hay sức hút thấp. Phân tích tổng hợp theo khung phân tích ba lớp cho thấy, năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Phước cần phải cải thiện ở cả 9 cấu phần. Khi nói đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp, nơi làm việc của lao động có kỹ năng và nơi sống của những người khá giả, Bình Phước không phải là một vài cái tên được nhắc đến đầu tiên trong vùng. Đây là một bất lợi đối với tỉnh. Do vậy, Bình Phước cần phải có những nỗ lực rất lớn để vượt qua các khó khăn này. Nhìn ở góc độ lạc quan thì dư địa để cải thiện của Bình Phước còn rất rộng.
Thứ hai, vị trí địa lý xa trung tâm vùng TP. Hồ Chí Minh là một trong những điểm bất lợi đối với Bình Phước. Do nằm gần các trung tâm kinh tế lớn (Bình Dương, Đồng Nai), Bình Phước chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các địa phương này trong thu hút đầu tư cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm của tỉnh.
Thứ ba, quy mô nền kinh tế nhỏ, cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng của tỉnh còn lạc hậu, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo xu hướng hiện đại. Thu ngân sách thấp, thiếu ổn định, phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do đó chưa đáp ứng nhu cầu vốn lớn cho phát triển kinh tế.
Cấu trúc kinh tế còn lạc hậu, nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (gần 25%), công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển bứt phá; các ngành sản xuất trong tỉnh chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ đạt thấp so với cả nước. Tỷ lệ lao động nông nghiệp cao; tỷ lệ dân số đô thị thấp.
Chuỗi giá trị rời rạc. Sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh chưa ổn định, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do mùa vụ, thời tiết, tiêu chuẩn, chất lượng chưa đáp ứng nhu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu, chưa đủ sức đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tỉnh cũng chưa hình thành được vùng kinh tế động lực, thiếu cơ chế chính sách có tính đột phá. Tổ chức lãnh thổ đô thị, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp lạc hậu, thiếu liên kết, hỗ trợ để cùng thúc đẩy phát triển.
Thứ tư, chất lượng lao động thấp, thiếu lao động trình độ cao. Bình Phước đang trong giai đoạn dân số vàng và đạt được mức sinh thay thế hàng năm, do đó, lợi thế về dân số sẽ được duy trì nhiều năm, tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, so sánh với các địa phương lân cận có thể thấy, mặc dù là tỉnh có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao nhưng quy mô dân số nhỏ nên số lượng lao động tại Bình Phước rất thấp - chỉ tương đương với Tây Ninh và thấp hơn rất nhiều so với các thành phố công nghiệp, dịch vụ khác trong vùng. Điều này giải thích cho tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành thâm dụng lao động mới hình thành như dệt may và da giày.
Thứ năm, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa phát triển. Nếu không cải tiến hệ thống giao thông kết nối vùng theo quy hoạch, thì Bình Phước tuy cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 100km nhưng vẫn là “vùng sâu, vùng xa”.
Hệ thống giao thông của Bình Phước là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia - Ảnh: Tiến Dũng
Thứ sáu, chất lượng các chính sách chưa cao. Kết quả phát triển kinh tế và các xếp hạng về năng lực cạnh tranh, hiệu quả của bộ máy chính quyền cho thấy, Bình Phước chỉ ở mức trung bình hoặc bất lợi trong nhóm so sánh và nhìn ra bình diện của cả nước. Đây là một vấn đề rất lớn đối với Bình Phước.
Thứ bảy, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi và thứ tám, quy mô lực lượng doanh nghiệp nhỏ, yếu và các doanh nghiệp chưa có các chiến lược hoạt động rõ ràng.
Cơ hội
Thứ nhất, sự dịch chuyển của các xu hướng sản xuất trên thế giới. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và RCEP) cũng giúp Việt Nam gia tăng cơ hội thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là FDI vào các ngành/lĩnh vực có lợi thế. Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực là thế mạnh của Bình Phước, như gỗ và các sản phẩm gỗ, sản xuất các sản phẩm từ cao su, điều, tiêu, cây ăn trái, chế biến thực phẩm… Đây là cơ hội thuận lợi cho quá trình phát triển tỉnh Bình Phước giai đoạn tới.
Với tinh thần sẵn sàng và quyết tâm của bộ máy chính quyền tỉnh, Bình Phước đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đến đầu tư trong những năm gần đây. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cùng đoàn cán bộ tỉnh tham quan nhà máy sản xuất của Tập đoàn HAOHUA - Ảnh: TL
Thứ hai, sự lan tỏa của các hoạt động kinh tế trong vùng. Ở thời điểm hiện tại, khi các hoạt động kinh tế vùng TP. Hồ Chí Minh đang lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn. Bình Phước, nơi kết nối cửa ngõ với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã rõ ràng hơn.
Thứ ba, Bình Phước sẽ trở thành trung tâm trong việc ứng phó với tác động của Biến đổi khí hậu và nước biển dâng của vùng Đông và Tây Nam Bộ. Vì vậy, với tầm nhìn dài hạn, xu hướng dịch chuyển đầu tư đến những vùng đất cao hơn sẽ tạo cơ hội để Bình Phước trở thành một trong những lựa chọn ưu tiên, là một “điểm đến” mà các nhà đầu tư hướng tới.
Thứ tư, quyết tâm và khát vọng của đội ngũ cán bộ cũng như người dân trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ công chức gia tăng về mặt chất lượng và tư tưởng cho dù những khó khăn vẫn còn. Một sự tự ái để có khả năng vượt qua chính mình và không thua kém các địa phương có điều kiện đã đi trước là cần thiết. Quyết tâm và khát vọng của đội ngũ cán bộ cũng như người dân của tỉnh Bình Phước để đưa địa phương trở nên phát triển ngày một rõ nét hơn.
Thách thức
Thứ nhất, áp lực cạnh tranh từ bên ngoài khi hội nhập. Hội nhập mở ra các cơ hội nhưng cũng đem đến những thách thức. Sức ép cạnh tranh từ các địa phương khác. Các địa phương khác (Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) tận dụng các lợi thế ở gần TP. Hồ Chí Minh đã có những bước tiến rất dài. Điều này sẽ là nguy cơ làm cho khoảng cách của Bình Phước với các địa phương này càng xa hơn. Với lợi thế đi trước và sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn từ bên ngoài đã trở thành sức hút cho nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục đến. Điều này làm cho khả năng thu hút đầu tư càng trở nên khó khăn hơn đối với Bình Phước.
Cơ sở hạ tầng đô thị từng bước hoàn thiện - Ảnh: Tiến Dũng
Thứ hai, áp lực từ các địa phương khác. Bình Phước quyết tâm thì các địa phương khác cũng quyết tâm. Giai đoạn tới, nếu Bình Phước không tận dụng tốt các cơ hội phát triển, sức hút của tỉnh sẽ khó có thể cải thiện.
Thứ ba, giải quyết các mâu thuẫn để có thể cân bằng trong phát triển giữa ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Do điều kiện kinh tế, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện tiềm lực kinh tế như hiện nay, Bình Phước cũng như nhiều địa phương khác đang đứng trước thách thức phải giải quyết một số xung đột, mâu thuẫn trong quá trình phát triển đó là: Mâu thuẫn giữa các hoạt động kinh tế khác nhau trên cùng một địa bàn; mâu thuẫn giữa mục tiêu tái cơ cấu kinh tế với nguồn lực có hạn; mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh và giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường nảy sinh, sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền, thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư.
Thứ tư, tính bền vững của ngân sách và cơ hội khai thác các giá trị từ đất cho phát triển cũng là những vấn đề đáng quan tâm đối với Bình Phước.
Thứ năm, hạ tầng giao thông đang là vấn đề lớn nhất đối với Bình Phước nói chung, các địa phương trong tỉnh nói riêng. Đây là một vấn đề chiến lược cần phải xây dựng được các hạ tầng giao thông phát huy được các lợi thế.
Thứ sáu, hạn chế về nguồn nhân lực.
Thứ bảy, khả năng phát huy những lợi thế của địa phương có nhiều dân tộc, đa dạng về văn hóa và tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Địa phương chưa phát triển, nhiều nhóm dân tộc cùng chung sống nên có những thách thức nhất định; tiếp giáp biên giới nên phải giải quyết các vấn đề về an ninh quốc phòng, trong khi cơ hội giao lưu kinh tế với Campuchia chưa đủ sức hút trong 5-10 năm tới.
Thứ tám, trở thành địa phương thuộc nhóm tốt nhất về môi trường kinh doanh và hiệu quả của chính quyền (xếp hạng nhóm đầu về PCI, PAPI, Par-Index). Trong bối cảnh các điều kiện kinh tế toàn cầu hiện tại, vốn đầu tư quốc tế đang trở nên khan hiếm và nhiều nền kinh tế trong khu vực và các địa phương lân cận khác cũng đang cạnh tranh để thu hút đầu tư. Do đó, việc cạnh tranh với các địa phương trong vùng cũng như cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á sẽ trở nên khó khăn hơn và đòi hỏi phải có nhiều biện pháp tạo sự khác biệt.
Thứ chín, đổi mới tư duy phát triển, tư duy quy hoạch. Đổi mới tư duy là yếu tố quyết định, mở đường cho việc đổi mới quy hoạch theo yêu cầu mới. Phải đổi mới tư duy và hành động theo hướng phát triển nhanh và bền vững, đồng thời phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới tư duy, nhận thức cần toàn diện từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp và người dân. Với thói quen và tập quán lâu đời và sự chậm chạp trong cải cách hệ thống thể chế chung hiện nay, việc đổi mới tư duy phát triển là vấn đề không đơn giản và không thể thực hiện trong một sớm một chiều./..