Trong lịch sử dân tộc, trước mỗi giai đoạn cách mạng thường xuất hiện những người có tư tưởng đổi mới, cách tân, góp phần làm nên thành tựu to lớn, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc và nhân dân. Họ đã thể hiện bản lĩnh cách mạng, dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới sáng tạo, phụng sự lợi ích chung, vừa có tâm vừa có tầm, vừa có tài.
Gương sáng còn mãi
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đổi mới, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ và chính Người cũng là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần đó. Ngay từ thuở thiếu thời, thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dù rất khâm phục các nhân sĩ trí thức bấy giờ nhưng lại lựa chọn cho mình con đường cứu nước với tư tưởng mới, phương pháp hành động mới. Việc quyết định đến các nước phương Tây để tìm hiểu bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đi sâu vào phong trào cách mạng ở chính các nước này để tìm ra “con đường đi cho dân tộc đi theo” của Nguyễn Ái Quốc là một tư duy mới, sáng tạo và đột phá. Việc nghiên cứu, áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới vào thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam cũng thể hiện tư duy nhạy bén của Người.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc là một trong những người tiên phong đổi mới, sáng tạo về sản xuất nông nghiệp - Ảnh tư liệu
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở cương vị nào, từng việc làm, suy nghĩ đổi mới cũng đều vì nhân dân. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm đổi mới là “cuộc chiến đấu chống lại những cái gì cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, và quan trọng hơn, đó là “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau này, trong suốt quá trình cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã có nhiều tấm gương dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, tận hiến vì lợi ích của nhân dân. Tiêu biểu như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với phương pháp khoán sản những năm 1966-1968. Bấy giờ, đó là tư duy, quan điểm táo bạo, vượt khỏi tư duy, đường lối của Đảng khi dám tiên phong trong thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Kết quả của sự đổi mới vượt tầm thời đại đó là diện mạo nông thôn của Vĩnh Phúc đã có nhiều khởi sắc, người nông dân khơi dậy và phát huy tinh thần lao động tích cực, nâng cao rõ rệt hiệu quả và năng suất lao động. Tuy nhiên, ông phải kiểm điểm trước Trung ương và tự nhận “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ” do không chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng. Sau này, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã chứng minh cho tinh thần của người lãnh đạo vì dân luôn năng động, sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới, hiệu quả đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Gần 20 năm sau “khoán chui” của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành lại được biết đến khi “xé rào cơ chế”. Thời điểm bấy giờ, Hải Phòng dù là thành phố có nhiều lợi thế nhưng đời sống người dân vẫn rất khó khăn. Trước thực trạng đó, là người đứng đầu thành phố, ông đã bàn với lãnh đạo chủ chốt tháo gỡ bằng cách khoán hộ, giao đất cho nông dân, dù không ít người trong bộ máy lãnh đạo gay gắt phản đối. Từ việc giao đất này, đời sống của người nông dân dần được nâng lên. Cũng chính nhờ kết quả từ Hải Phòng cùng với việc nghiên cứu thực tiễn của “khoán chui” ở Vĩnh Phúc, Đảng ta đã nghiêm túc nhìn lại và ra Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, còn gọi là “khoán 10”, nhằm “cởi trói” cho nông nghiệp. Sau này, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành còn được biết đến là người đi đầu trong lấn biển, xây dựng đội tàu quốc tế, phát triển kinh tế cho thành phố cảng…
Trong hàng ngũ lãnh đạo trên cả nước, còn nhiều tấm gương sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dàm làm vì nhân dân khác, như: Tổng Bí thư Trường Chinh - người đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới đất nước với tinh thần “đổi mới hay là chết”; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính với cơ chế “một giá theo thị trường”; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt “xé rào” mua gạo cứu đói cho dân, sau này là Thủ tướng Chính phủ, ông cũng tiên phong làm đường dây điện 500kV Bắc - Nam; Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương với chủ trương bỏ “ngăn sông cấm chợ” và bỏ chế độ tem phiếu...
Ðộng lực cho đổi mới sáng tạo
Là người đứng đầu một địa phương hay bộ, ngành, đứng đầu Đảng, Nhà nước, có một điểm chung của những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám tư duy sáng tạo và đổi mới là trên cương vị của mình, họ đã để lại những thành tựu và dấu ấn đặc biệt, đó là tinh thần tận trung, tận hiến vì nước, vì dân; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Họ chỉ có một mục tiêu duy nhất là phát triển đất nước, giúp nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sau gần 40 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ hiện nay không chỉ năng động hơn trong suy nghĩ, sáng tạo hơn trong tư duy mà còn ngày càng mạnh mẽ hơn trong hành động hướng đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đại đa số cán bộ, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, đều được đào tạo bài bản, kinh qua thực tiễn cơ sở, có bản lĩnh, năng lực công tác tốt, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.
Điều này cũng đã được khẳng định tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14). Nội dung kết luận nhấn mạnh: “Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu này khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp rất quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý với bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Kết luận số 14 cũng cho thấy, bên cạnh sự cố gắng, năng lực, chất lượng của mỗi cán bộ ngày càng được nâng cao, thì cơ chế phát huy tính năng động, sáng tạo, “vừa hồng, vừa chuyên” của cán bộ luôn được Đảng ta quan tâm: “Khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”.
Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị |
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục khẳng định: “... thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Từ thực tiễn sinh động có thể khẳng định, đổi mới sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định tư duy đổi mới, hành động đổi mới không chỉ trong nhiệm kỳ của mình mà còn cho tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh đa số cán bộ vì nước, vì dân, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, một bộ phận cán bộ lợi dụng chức trách của mình để lo thu vén cho cá nhân hay cho lợi ích nhóm. Một số thì sợ trách nhiệm, sợ sai nên không dám làm, chỉ ngồi chờ “giữ ghế”, hoặc do năng lực hạn chế nên kết quả không có đột phá…/..