Sign In

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

10:19 18/11/2023
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục của đất nước. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dan tộc yếu”; cả cuộc đời, người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, coi "giáo dục là cốt sách hàng đầu", đồng thời, có những tư duy mới mẻ, đi trước thời đại về giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời là nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người đã để lại cho nền giáo dục Việt Nam di sản vô cùng to lớn và quý giá, trong đó có quan điểm về xây dựng nền giáo dục nhân bản, phát huy cao nhất mọi năng lực, phẩm chất vốn có của con người. Quan điểm cũng như chỉ dẫn của Người về giáo dục vẫn còn nguyên giá trị và trở thành định hướng quan trọng đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LUÔN COI TRỌNG VAI TRÒ CỦA CÁC THẦY GIÁO, CÔ GIÁO

Đánh giá cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ngay những ngày đầu thành lập nước, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư tới các cháu học sinh nhân ngày khai trường, gửi gắm tình cảm, sự tin yêu và hy vọng vào thế hệ tương lai của đất nước “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
 
Tranh sơn dầu Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang giảng bài tại Trường Dục Thanh. Ảnh tư liệu
 
Cũng trong suốt những năm tháng lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”, do đó giáo dục đào tạo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Người chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ, đồng thời nhấn mạnh “cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục”, giáo dục trước hết là giáo dục đạo đức, bởi theo Người, “người tài mà không có đức là người bỏ đi”.

Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của các thầy giáo, cô giáo, đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Bản thân Người đã từng là một nhà giáo. Năm 1910, sau khi thôi học tại trường Quốc học Huế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành không cùng cha trở về Huế mà quyết thực hiện ý định "Đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Người đã dạy học ở Trường Dục Thanh – Phan Thiết khoảng 4-5 tháng, sau đó mới vào Sài Gòn để thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Tại trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học một số môn, nhưng theo các nhà nghiên cứu, việc dạy học của Người ở đây không đơn thuần là dạy chữ mà lồng vào đó tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.
 
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức phong trào học tập trong toàn dân, mở mang, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, trước hết là xóa mù chữ, coi mù chữ là “giặc dốt”, đồng thời xác định đây là công việc lâu dài, góp phần quan trọng đánh thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng xã hội mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh giáo dục phải dạy cho người học cách tự học, học tập suốt đời, “lấy tự học làm cốt”, “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Không chỉ bằng lời nói, chính bản thân Người thông thạo 7 ngoại ngữ (Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) và nhiều ngoại ngữ, tiếng dân tộc khác bằng cách tự học. Sau này, khi trên cương vị cao nhất của Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, tuổi cao, sức khỏe giảm sút, Bác vẫn luôn không ngừng tự học tập, tìm hiểu tri thức, không ngừng truyền đạt, truyền bá tri thức tới cán bộ, nhân dân và những người xung quanh. Người chính là tấm gương sáng về tinh thần tự học và học tập suốt đời.

Trong khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ non trẻ, một phần đất nước còn trong vòng nô lệ, người dân “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, nhưng tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang tính đi trước, mở đường, mang tính thời đại. Việc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau khi đánh “giặc đói” là đánh “giặc dốt”, tức là nâng cao dân trí. Ngày nay, nhân loại đang bước vào một nền văn minh trí tuệ, một nền kinh tế tri thức thông qua việc đẩy mạnh xã hội học tập. Thực tế cũng chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển, thì tri thức càng trở nên quan trọng và là thế mạnh của các quốc gia, nhiệm vụ của giáo dục là tạo nên những thế hệ công dân có tri thức, có đạo đức, biết tự học, tự trang bị kiến thức, kỹ năng. Và trong nền kinh tế tri thức, ưu thế không hoàn toàn lệ thuộc vào các nhân tố truyền thống như tài nguyên, đất đai, nhân công,… mà nhân tố có ý nghĩa quyết định là chất xám, là trí tuệ con người. Những nước giàu mạnh đều là những nước có nền giáo dục hiện đại, được đầu tư bài bản và có chiều sâu, là những nước có nền kinh tế tri thức phát triển. Việc cạnh tranh sự giàu mạnh của các nước cũng thể hiện ở nền kinh tế tri thức.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tạo nên một xã hội văn minh, ở đó con người phải có tri thức, có đạo đức, văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Người đã thấy được bản chất của việc dạy và học là muốn hiệu quả, thực chất, phải tập trung phát triển năng lực sẵn có của người học đó là huấn luyện khả năng tư duy của con người, phát huy năng lực riêng có của mỗi người. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học. Người phát hiện, khơi gợi và phát huy năng lực đó, không ai khác đó chính là ngành giáo dục. Ngày nay, ngành giáo dục Việt Nam cũng đang phải chuyển đổi các mô hình giáo dục linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người học, có những mô hình học chuyên biệt để người học lựa chọn cho phù hợp năng lực, sở thích, sở trường của mình; mô hình giáo dục chuyên sâu.

ĐỔI MỚI VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạy học nhằm phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong giáo dục, người học bao giờ cũng là trung tâm, Hồ Chí Minh luôn lưu ý những người dạy, những nhà giáo phải chú ý tới đặc điểm của đối tượng, phải “đóng giầy theo chân”, không phải “khoét chân cho vừa giầy”. Điều này đòi hỏi người thầy phải bám sát, hiểu rõ đặc điểm đối tượng người học từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức. Người nhiều lần bày tỏ quan điểm chống lại cách dạy, cách học không hướng vào sự phát triển của người học, không kích thích sự suy nghĩ trong học tập. Người yêu cầu phải tránh lối dạy nhồi sọ. Người thầy cần phải có phương pháp dạy sao cho phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của người học. Cần phải thực hành dân chủ trong giáo dục. Đối với mọi vấn đề “thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt”. Đây là quan điểm mới trái ngược với phương pháp giáo dục nhồi sọ, áp đặt của chế độ thực dân, phong kiến.
Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tính thiết thực của việc dạy. Người nhiều lần nhắc nhở phải tránh lối dạy học ôm đồm, chạy theo số lượng, chạy theo thành tích,vừa không đạt hiệu quả đặt ra, vừa gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền của. Người cho rằng giáo dục phải bảo đảm tính vừa sức, phải căn cứ vào đặc điểm của đối tượng, trình độ, năng lực và tâm lý người học, không nên tham nhiều sẽ tạo tâm lý chán nản, không hứng thú trong học tập, vì thế sẽ không phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.
 
Xây dựng nền giáo dục Việt Nam nhân bản, phát huy cao nhất mọi năng lực, phẩm chất vốn có của con người
 
 
Trong toàn bộ di sản tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về tự học, đặc biệt là tấm gương mẫu mực tự học và học suốt đời của Người là bài học vô cùng quý giá đối với các thế hệ người Việt Nam, vấn đề cơ bản nhất, nổi bật nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có những chỉ dẫn xác đáng “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Sau này, khi nói về công tác huấn luyện và học tập (năm 1950), Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Những lời dạy ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ đề tham gia vào quá trình tự học.
 
Học tập là công việc đòi hỏi mỗi người phải luôn tự trau dồi kiến thức của mình qua nhiều hình thức học tập đa dạng, học mọi nơi, mọi lúc. Hồ Chí Minh lưu ý: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhay và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”. Với Người học tập là một sống việc suốt đời, là một nhiệm vụ cách mạng. Xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng nhiều, máy móc ngày càng tinh xảo, để không lạc hậu, không bị đào thải, phải không ngừng học tập. Người khẳng định “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”. Sự học là vô cùng vì “dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải mình trước”.
 
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã đề ra 7 quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.
 
Có thể khẳng định, những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và học tập suốt đời và đổi mới về giáo dục của Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong 35 năm đổi mới và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...” và “xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
 

Tác giả bài viết: Gia Phúc

Tag:

File đính kèm