Sign In

Bình Phước: Chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đối với công tác phụ nữ trong tình hình mới

09:04 04/01/2024
Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới. Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, thực hiện, xây dựng nhiều chương trình hành động đạt hiệu quả.

Tỉnh ủy tổ chức triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị đến các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Kết quả, Đảng bộ tỉnh hoàn thành việc học tập, quán triệt chỉ thị đạt tỷ lệ trên 96%. Qua học tập đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và sự đồng thuận trong hành động của các ngành, các cấp, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về công tác phụ nữ trong tình hình mới. Giai đoạn 2018 - 2023, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hơn 153 hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, kết quả đạt được về các hoạt động, phong trào của phụ nữ với gần 15 ngàn lượt người tham dự.

Các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh thường xuyên lồng ghép trong sinh hoạt định kỳ, chuyên đề để tuyên truyền, triển khai Chỉ thị sâu rộng trong hội viên, phụ nữ. Kết quả đã triển khai, học tập tuyên truyền được 789 đợt với 48.129 lượt hội viên, phụ nữ tham dự, góp phần nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước xây dựng chuyên mục “Vì sự tiến bộ phụ nữ” (phát sóng 01 lần/tháng); từng bước góp phần nâng cao nhận thức về giới, về vai trò, vị trí của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới. Tuyên truyền thực hiện thông qua hình thức tọa đàm, hội thảo, gặp mặt. Tổ chức trên 50 hội thảo do các cấp, ngành thực hiện và 145 cuộc gặp mặt nhân dịp các ngày lễ, tết, ngày 08/3, 20/10...

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh thường xuyên được kiện toàn kịp thời. 100% các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, đảm bảo cho công tác triển khai thực hiện kịp thời hiệu quả; việc ban hành các công văn, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới được ban hành kịp thời; hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện đầy đủ.

Các cấp Hội đã nhân bản và cấp phát hàng ngàn cuốn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, trang bị gần 200 tủ sách pháp luật với hàng chục ngàn đầu sách khác nhau, là kênh thu thập thông tin và phổ biến kiến thức pháp luật phong phú, đa dạng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, người lao động, hội viên, phụ nữ tham khảo, học tập nhằm nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, cải thiện quan hệ giới trong cộng đồng.

Các cấp Hội đã thực hiện tốt việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường và vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” tại 15 xã biên giới thuộc huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp và huyện Bù Gia Mập. Các cấp Hội trong toàn tỉnh đã vận động tổng các nguồn lực hỗ trợ cho 15 xã biên giới, hỗ trợ vốn vay cho 2.017 hội viên, phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân, phụ nữ di cư với tổng số vốn gần 35 tỷ đồng; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 209 phụ nữ. Các cấp Hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, phụ nữ đơn thân, phụ nữ di cư.
 
Đại diện chương trình trao bảng tượng trưng hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh (Nguồn ảnh: Báo Bình Phước)

Bên cạnh đó, hàng tháng, Hội LHPN tỉnh duy trì chính sách hỗ trợ cho 38 nữ hộ sinh người dân tộc thiểu số, đang làm việc tại các cơ sở trong tỉnh số tiền 300.000đ/tháng.

Các cấp Hội đã lồng ghép nội dung phù hợp vào các buổi sinh hoạt Hội, câu lạc bộ…; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới 05 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác, các mô hình thực hiện theo chuỗi giá trị và chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Các cấp Hội làm tốt vai trò cầu nối, kết nối tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ, các hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội hỗ trợ thành lập, 889 ý tưởng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp phụ nữ được thực hiện hóa, với tổng số tiền trên 19 tỷ đồng.

Các cấp Hội đã phát huy vai trò trong việc phối hợp ngành Tư pháp để cử cán bộ chuyên môn tham gia với Đoàn Trợ giúp pháp lý lưu động tư vấn và trợ giúp pháp lý tại 119 xã thuộc 09 huyện, thị với gần 6 ngàn người tham gia, trong đó, phụ nữ chiếm gần 60%.

Tỉnh ủy triển khai công tác quy hoạch cán bộ đến các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị theo đúng quy trình và đảm bảo đúng quy định theo phân cấp quản lý cán bộ. Yêu cầu chung tỷ lệ cán bộ nữ đưa vào nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp phải đạt từ 10% trở lên. Việc quy hoạch cán bộ nữ trở thành một trong những chiến lược cán bộ cho cả hệ thống chính trị. Công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tham gia HĐND các cấp ngày càng tăng. Các cấp Hội phụ nữ đã chủ động giới thiệu nguồn cán bộ nữ, cán bộ Hội có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy.

Công tác phát triển đảng viên nữ được chỉ đạo, triển khai thực hiện có kết quả. Số lượng đảng viên nữ kết nạp hàng năm tăng lên. Từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh kết nạp 3.273 đảng viên nữ trên tổng số 7.013 đảng viên mới được kết nạp (chiếm 46,7%). Hiện nay, toàn tỉnh có 14.055 đảng viên nữ/38.658 đảng viên, chiếm 36,36%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, Kế hoạch số 108-KH/TU; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và về công tác phụ nữ chưa được chú trọng. Chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ nói chung. Một bộ phận cán bộ Hội còn hạn chế về năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp; khả năng dự báo, kinh nghiệm xử lý một số vấn đề mới phát sinh trong thực tế còn hạn chế; chưa mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ nông thôn tham gia tổ chức Hội chưa cao; kết quả giảm nghèo bền vững cho phụ nữ người dân tộc thiểu số còn thấp.

Để đạt được những kết quả trên và khắc phục hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW trong thời gian tới như:

(1)
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; trọng tâm là Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Cấp ủy các cấp phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, trong đó chú trọng phát triển đảng viên nữ, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong đánh giá, phân loại tổ chức đảng hàng năm.

(2) Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

(3) Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, vị tha gắn với giải quyết việc làm, chăm lo cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe của phụ nữ; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình Việt Nam phát triển theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

(4) Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ (khoa học, lãnh đạo, quản lý) đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong công tác cán bộ, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể chú trọng tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bố trí đề bạt cán bộ nữ đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra: Phấn đấu ở tất cả các cấp đều có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo trong cấp ủy đảng, HĐND, UBND; đối với vùng đồng bào dân tộc, phải có cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số.

(5) Kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, đảm bảo vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới./..


Tag:

File đính kèm