Sign In

Những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

15:41 24/12/2023
Bình Phước là tỉnh có 41 thành phần dân tộc và có nhiều người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến sinh sống, lập nghiệp, là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nên văn hóa Bình Phước hội tụ, giao thoa, thống nhất trong sự đa dạng; có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước.

Sau 02 năm thực hiện thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các cấp, ngành và địa phương  đang có sự thay đổi trong nhận thức về cách nghĩ, cách làm, tổ chức các hoạt động văn hóa; văn hóa đang thấm đẫm trong đời sống xã hội, là nguồn lực, động lực và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội trên nền tảng tư tưởng của Đảng “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học”, “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước…”. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, khơi dậy những việc làm nhân văn, tình làng nghĩa xóm, tôn vinh các hoạt động thiện nguyện, tấm lòng vàng, dũng cảm cứu người, giúp nhau làm kinh tế, hiến đất làm các công trình phục vụ nhân dân.

 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường nhận lẵng hoa chúc mừng Hội nghị của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Ngày 11-8-2023, Bình Phước tổ chức Hội nghị Văn hoá năm 2023, đây là hội nghị đầu tiên, quy mô lớn, mang tính chiến lược trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, với 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh với hơn 12.700 đại biểu, cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia trực tuyến và trực tiếp. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Bình Phước nói chung, ngành văn hoá - thể thao và du lịch nói riêng, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì quê hương, đất nước, tạo nguồn lực nội sinh và nguồn lực đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Có hơn 170 hình ảnh, hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được Bảo tàng tỉnh trưng bày. Với thiết kế 15 pano hình ảnh, tư liệu đã giới thiệu khái quát về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó là các hiện vật đồ đá, trống đồng, vật dụng có giá trị văn hóa, lịch sử gắn với đời sống lao động, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh. Một trong những di sản văn hóa quý và nổi bật được trưng bày giới thiệu đó là Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa (bộ phiên bản). Nhạc cụ đàn đá này được làm từ chất liệu đá sừng, có niên đại khoảng 3.000 năm. Việc trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu không chỉ để phục vụ các đại biểu, khách tham quan tại hội nghị mà còn giới thiệu, quảng bá đến công chúng về các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

Để cụ thể kết quả Hội nghị Văn hóa tỉnh, ngày 20-11-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo; Phấn đấu đến năm 2030: trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Trên 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm thực tế, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. 100% các lễ hội trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng. Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị… Định hướng phấn đấu đến 2045: 100% khu phố, thôn, ấp có nhà văn hóa - thể thao đạt chuẩn. 100% cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn quốc gia; 100% cấp huyện có trung tâm văn hóa, công viên văn hóa. 100% các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% khu công nghiệp thành lập mới có quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó tối thiểu 50% khu công nghiệp xây dựng mới có Trung tâm Văn hóa - Thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Phấn đấu đưa chỉ số HDI của Bình Phước nằm trong nhóm từ 20 đến 25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
 
Tiết mục văn nghệ chào mừng thể hiện đa dạng bản sắc văn hóa con người Bình Phước.

Trong 02 năm qua, tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng: môi trường, nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” mang lại kết quả thiết thực. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa của tỉnh được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các thiết chế văn hóa đã từng bước được quan tâm đầu tư. Ý thức tự cường, trách nhiệm công dân, tinh thần đoàn kết của người Bình Phước được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trên nhiều mặt làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân. Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực phát triển của tỉnh, luôn có sự đóng góp của văn hóa.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức sâu sắc hơn, đồng thời quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa; trên cơ sở đó đã xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội để phát triển văn hóa. Bình Phước luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật nhất là lực lượng trẻ, trong sự nghiệp cách mạng nói chung và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân có nghĩa cử cao đẹp trong phòng chống dịch bệnh, tương thân tương ái, thiện nguyện và dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, phòng chống tội phạm…, được biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp và sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 
 
Việc xây dựng và phát triển gia đình văn hóa được quan tâm, nhằm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, văn minh, để mỗi gia đình thực sự trở thành môi trường phát triển lành mạnh, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi người. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như hình ảnh trực quan, thông tin cổ động, đăng tải trên trang website về xây dựng nếp sống văn hóa mới và công tác gia đình, xây dựng đời sống văn hóa công nhân, tuyên truyền về những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu, những mô hình câu lạc bộ gia đình, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình...; triển khai thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình; tuyên truyền vận động các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia thực hiện, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; hướng dẫn các địa phương tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhìn chung, phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt các quy định trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ là công tác văn hóa, nghệ nhân, văn nghệ sỹ gần 500 người, đáp ứng yêu cầu yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Công tác  đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng hợp lý, cơ cấu đồng bộ, chất lượng. Các cấp ủy Đảng luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát về cơ chế, chính sách, phát hiện tuyển chọn, bố trí cán bộ phù hợp giữa vị trí việc làm với trình độ năng lực được đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được chú trọng, chất lượng ngày càng nâng lên; chọn cử và tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ như: học lớp cao cấp lý luận chính trị, học lớp trung cấp lý luận chính trị; các lớp bồi dưỡng về quản lý nhà nước chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quốc phòng - an ninh đối tượng 2,3. Các huyện, thị, thành phố thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức ngành văn hóa cấp huyện, cấp xã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ văn hóa do cấp tỉnh tổ chức.

Đội ngũ trí thức trong tỉnh có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, động lực to lớn trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo, định hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo, sáng tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, gắn phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trên nền tảng quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sỹ bám sát thực tiễn của đất nước, của địa phương, gắn bó với cuộc sống của nhân dân để sáng tạo, sáng tác phản ảnh trung thực hiện thực cuộc sống, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; lên án, phê phán những tiêu cực đang cản trở sự phát triển của tỉnh.

Nhìn chung, sau 02 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhận thức cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh trên lĩnh vực văn hóa được nâng lên, đồng thời quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa; trên cơ sở đó đã xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Công tác giáo dục, tuyên truyền về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng... Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa và trách nhiệm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa./..

Tag:

File đính kèm