Dự tại điểm cầu tỉnh, có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 78 điều nhằm hướng dẫn chi tiết 18 nội dung trong Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Nghị định kế thừa các quy định hiện hành vẫn đang thực hiện hiệu quả, đồng thời thể chế hoá những chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua.
Về đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện bên cạnh cơ chế Nhà nước thu hồi đất được hình thành trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ Luật Đất đai năm 1993 và tiếp tục duy trì cho đến nay.
Cơ chế này có ưu điểm rút ngắn thời gian bàn giao đất từ người sử dụng đất sang nhà đầu tư nếu đạt được sự đồng thuận; bảo đảm sự chia sẻ quyền lợi thỏa đáng giữa nhà đầu tư và người đang sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước và của cộng đồng được tính đến trong hệ thống thuế về bất động sản và các quy định về chi ngân sách Nhà nước của các cấp hành chính; trên cơ sở giải quyết tốt bài toán chia sẻ lợi ích, cơ chế này tạo điều kiện để giảm đi đáng kể tình trạng khiếu kiện của người bị ảnh hưởng do chuyển dịch đất đai, tạo ổn định xã hội trong quá trình phát triển kinh tế; giảm đáng kể chi phí, nhân lực của bộ máy hành chính và khắc phục tình trạng tiêu cực khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất…
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ đề xuất thời gian thí điểm là 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Ưu tiên thực hiện thí điểm đối với khu vực đô thị, khu vực quy hoạch phát triển đô thị đã được phê duyệt; việc thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở không vượt quá 30% số lượng dự án và 20% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030.
Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến về các giai đoạn của dự án đầu tư, trình tự thủ tục xây dựng nhà ở xã hội; việc nộp tiền sử dung đất của chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; việc nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội sau thời hạn 5 năm thì ngoài các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật, bên bán phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định...
Kết luận một số nội dung quan trọng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội.
Giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương rà soát lại các tiêu chí, định giá đất, các cơ chế đảm bảo chính sách pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vũ Tiệp