Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang trở thành yếu tố cốt lõi giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đây là một trong những động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là cơ hội để địa phương có thể tiếp cận được với trình độ KH&CN hiện đại để vươn lên rút ngắn khoảng cách so với các địa phương khác trong khu vực và cả nước.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hoạt động KH&CN và ĐMST đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, từng bước cải thiện cuộc sống của người dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học công nghệ và ĐMST tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định “Thúc đẩy ĐMST, chuyển giao, ứng dụng, phát triển KH&CN và chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là đột phá chiến lược, động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh”. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thúc đẩy hoạt động KH&CN và phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp, triển khai các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào mục tiêu, nội dung, giải pháp để thực hiện nội dung đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Cùng với đó, ngân sách hằng năm cho KH&CN được tỉnh quan tâm bổ sung cao hơn số do Trung ương giao, tạo thuận lợi cho hoạt động KH&CN và ĐMST. Nhờ tác động của KH&CN và ĐMST, mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh dần chuyển từ chiều rộng sang hướng phát triển theo chiều sâu, đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Là địa phương với trên 90% tổng diện tích đất tự nhiên nông, lâm nghiệp và khoảng 80% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp, tỉnh xác định nông, lâm nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, đóng góp lớn vào nguồn thu nhập và sinh kế của phần lớn dân cư. Thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian qua được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến đã mang lại kết quả tích cực, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro từ thời tiết và biến đổi khí hậu.
Công tác đầu tư nghiên cứu, chọn, tạo và đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Việc quản lý đồng bộ chất lượng ngay từ khâu sản xuất giống, quy trình canh tác… góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm bền vững, lâu dài cho ngành nông nghiệp, đặc biệt đối với các loại cây, con có thế mạnh của địa phương: lê, mận, hạt dẻ, các giống lúa đặc sản, cây dược liệu, lợn đen Lục Khu… Xây dựng và áp dụng các quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu có thế mạnh như thạch đen, hồi, quế, hà thủ ô… để gia tăng giá trị sản phẩm. Đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh trên trang web http//truyxuatnguongoc.caobang.gov.vn giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm, các chuỗi cung ứng liên quan, góp phần hỗ trợ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất khi đến tay người tiêu dùng, hạn chế tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.
Phát triển du lịch, dịch vụ bền vững được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN nhằm nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; đề xuất định hướng, giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, du lịch lưu trú…, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số văn hóa, du lịch Cao Bằng, ứng dụng App Mobi Du lịch Cao Bằng, Cổng du lịch thông minh tỉnh Cao Bằng (https://caobangtourism.vn), số hóa VR360: du lịch ảo, số hóa và tương tác bảo tàng ảo, triển lãm ảo trực tuyến, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Cao Bằng, hệ thống quản lý gắn mã QR tại các di tích…, qua đó tăng được hiệu quả quảng bá, đồng thời giảm được thời gian, chi phí cho các đơn vị.
Duy trì triển khai sử dụng hiệu quả, hoạt động ổn định các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số của tỉnh tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Hoàn thành kết nối, chia sẻ kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Từ năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh được hình thành và đang từng bước phát triển với sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ và cộng đồng khởi nghiệp. Nhiều hoạt động thiết thực được triển khai nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo và mô hình kinh doanh mới được thực hiện. Sở KH&CN phối hợp với các ngành, các chuyên gia tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về hoạt động ĐMST và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho đội ngũ nhân lực về khởi nghiệp ĐMST và các hội viên nông dân, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST tỉnh (http://startup.caobang.gov.vn), tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh lần thứ nhất với 24 dự án tham gia. Tổ chức sự kiện Techfest Cao Bằng, đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.
Để KH&CN và ĐMST đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, tỉnh tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực quan trọng của tỉnh như nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu, trong đó ưu tiên hoạt động chuyển giao công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn với phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Hai là, tăng cường đầu tư ngân sách và huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và ĐMST nhất là từ doanh nghiệp; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo 3 nội dung đột phá và 3 chương trình trọng tâm của tỉnh; tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa hạ tầng và nâng cao tiềm lực KH&CN.
Ba là, phát triển nhân lực KH&CN, tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, cơ sở đào tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia KH&CN, các nhà nghiên cứu và doanh nhân khởi nghiệp về làm việc và cống hiến cho sự phát triển của địa phương.
Bốn là, tăng cường hợp tác với các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc cũng như các địa phương trên cả nước nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển KH&CN và khởi nghiệp ĐMST.
Năm là, đẩy nhanh việc hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp, ĐMST tại tỉnh, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, du lịch, và dịch vụ.
Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh