Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh được thành lập từ năm 2006, là đơn vị sự nghiệp hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có chức năng tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ngân sách và các nguồn vốn khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KH&CN của tỉnh. Đến năm 2018, Quỹ chính thức được kiện toàn và đi vào hoạt động.
Theo Quyết định số 2547/QĐ-UBND tỉnh ngày 31/12/2019 về phê duyệt bổ sung vốn điều lệ Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh là 7 tỷ đồng, được gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ngoài vốn điều lệ được ngân sách Nhà nước cấp hằng tháng phát sinh tiền lãi khi gửi tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2023 là 5,409 tỷ đồng; nguồn ngân sách Nhà nước cấp và tiền lãi ngân hàng với số dư đến ngày 31/12/2023 là 12,409 tỷ đồng.
Nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN hằng năm được phân bổ về Quỹ thực hiện cấp phát tạm ứng kinh phí, thanh toán quyết toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện. Năm 2018, cấp 2.361 triệu đồng, giải ngân 2.361 triệu đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 100%; năm 2019 cấp 3.436,8 triệu đồng, giải ngân 3.226,8 triệu đồng, đạt 93,9%; năm 2020 cấp 6.042 triệu đồng, giải ngân 5.546,5 triệu đồng, đạt 91,8%; năm 2021 cấp 7.799 triệu đồng, giải ngân 7.174,5 triệu đồng, đạt 92%; năm 2022 cấp 9.983,6 triệu đồng, giải ngân 6.734,3 triệu đồng, đạt 67,5%; năm 2023 cấp 14.294,2 triệu đồng, giải ngân 10.091,7 triệu đồng, đạt 70,6%. Công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ đến nay chưa sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ, tài trợ, cho vay và bảo lãnh vốn vay.
Tuy nhiên, hiện còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình hoạt động như: Mô hình, cơ cấu tổ chức của Quỹ còn bất cập, nhất là cơ qua điều hành Quỹ cần được xem xét, kiện toàn tổ chức lại; khó khăn trong cơ chế quản lý và điều hành Quỹ; chưa thực hiện được các hoạt động cho vay, tài trợ do quy chế quản lý tài chính của Quỹ chưa được hoàn thiện, quy trình tổ chức thực hiện cho vay còn rườm rà, phức tạp, phải qua nhiều khâu, thời gian kiểm tra hoàn thiện thẩm định hồ sơ; các hoạt động thông tin tuyên truyền còn hạn chế, chưa huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN.
Sở KH&CN kiến nghị: HĐND tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo và hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, cơ chế tài chính, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, nhất là sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với mô hình hoạt động, quy chế quản lý tài chính đối với Quỹ Phát triển KH&CN của địa phương.
Đối với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến đề nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan trong việc phối hợp, tham mưu về chủ trương kiện toàn lại cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quỹ theo hướng chuyển cơ quan điều hành Quỹ trực thuộc UBND tỉnh thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở KH&CN để thuận tiện trong việc điều hành các hoạt động chuyên môn của Quỹ. Chỉ đạo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh xem xét phối hợp với Sở KH&CN nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và thực hiện thanh toán kinh phí một lần khi kết thúc nhiệm vụ. Chỉ áp dụng khoán chi từng phần đối với những nhiệm vụ KH&CN có tính rủi ro cao, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các cơ quan quản lý, các cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, nâng tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt yêu cầu.
Tại buổi giám sát, các thành viên thảo luận, làm rõ một số nội dung, những mặt tồn tại, hạn chế; đồng thời, khuyến nghị đơn vị một số giải pháp tháo gỡ cần triển khai trong thời gian tới.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh La Văn Hồng đề nghị Sở KH&CN tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn giám sát. Tổng hợp thêm số lượng các doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận với các nội dung để đánh giá chính xác hơn; bổ sung cụ thể các kiến nghị, vướng mắc trong quy chế hoạt động, giải pháp, hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
M.A