Sign In

Cân nhắc việc quy định đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc

18:11 27/05/2024
Tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng cần cân nhắc việc quy định đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc.

Chiều 27/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Phạm Thị Kiều thống nhất cao sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội và để điều chỉnh kịp thời, tương thích với một số thay đổi lớn như chính sách về cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn và khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

27_5-canh-toan-chieu.jpeg
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 27/5

 

Việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cho thấy dự thảo luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này thấp mà phải trích nộp bảo hiểm xã hội theo dự thảo luật thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn. Trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước không phải là ít, nên phần ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Vì vậy, đại biểu Kiều đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá, phân tích nhiều chiều, tham khảo ý kiến từ đối tượng khi quy định họ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

22_5-dai-bieu-pham-thi-kieu.jpg
ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều góp ý sâu về nhiều nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

 

Về quy định chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo điểm m khoản 1 Điều 3 của dự thảo thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn đối tượng này không hưởng tiền lương và chưa chắc chắn là “có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên” để bắt buộc phải tham gia bảo hiểm. Đồng thời, đơn vị soạn thảo cần làm rõ hơn cơ sở để mở rộng đối tượng này, cơ chế đóng bảo hiểm như thế nào?

Đơn vị soạn thảo cũng cần xem xét lại quy định “Cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức” đều bị cấm cho phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về áp dụng quy định không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng là một trong những biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 39 và khoản 5 Điều 40 của dự thảo luật. Đại biểu Kiều cho rằng, việc không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng không phải là biện pháp xử lý vi phạm.

Vì, khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích; việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là vi phạm điều cấm theo khoản 1 Điều 8 của dự thảo luật, phải sử dụng các chế tài về xử lý hành chính và hình sự để bảo đảm thực thi pháp luật được nghiêm minh.

Việc không xét tặng thi đua, khen thưởng không có tác động để xử lý việc trốn, đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, việc không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng đã được pháp luật về thi đua, khen thưởng quy định. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bỏ các khoản nêu trên.

Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề xuất về vấn đề tỷ lệ hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi quy định. Đó là nghiên cứu hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa sang cho số năm nghỉ hưu trước tuổi của người lao động, những người thừa số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng còn thiếu tuổi để được nghỉ hưu mà vẫn muốn được nghỉ hưu sớm thì vẫn được hưởng lương hưu tối đa 75% mà không bị trừ 2% tỉ lệ hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

 

Tag:

File đính kèm