(CTT- Đồng Nai) - Sáng 11-12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính và GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính tham dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương; Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các đoàn thể chính trị, xã hội; thường trực ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố; các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng dự hội nghị trực tiếp tại Hà Nội.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn, như khát khao tột bậc khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta hằng mong ước. Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới”.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Kết quả của Hội nghị là căn cứ quan trọng để có cơ sở trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình mới vào năm 2025 và xây dựng Đề án cho giai đoạn tiếp theo khi Đề án kết thúc vào năm 2025.
Theo đánh giá của Ban điều hành Đề án giáo dục quyền con người, việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia vào các hoạt động của Đề án, đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số lĩnh vực khác.
Việc triển khai thực hiện Đề án thời gian qua đã thu hút được sự chú ý của các cơ quan truyền thông, báo chí và công chúng về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, giáo dục quyền con người, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người.
Hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam, góp phần tích cực vào công tác đối thoại về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế.
Việc tổ chức các chuyến nghiên cứu khảo sát nước ngoài là cơ hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về giáo dục quyền con người của Việt Nam. Nhờ đó, thành tựu về giáo dục quyền con người đã lan tỏa tới nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao ở trong và ngoài nước; đã chia sẻ và học tập được nhiều kinh nghiệm, thực tiễn tốt về giáo dục quyền con người ở một số cơ sở giáo dục, đào tạo ở nước ngoài trong khuôn khổ các chuyến đi nghiên cứu, khảo sát thực tế ở nước ngoài của các đoàn công tác của Ban Điều hành Đề án.
Về cơ bản, các hoạt động của cơ quan chủ trì thực hiện Đề án (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả…