Kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2024) lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới. V.I.Lênin không chỉ kế thừa, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa C.Mác thành chủ nghĩa Mác-Lênin về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn cao cả, mà còn bàn sâu các vấn đề về dân tộc, thuộc địa và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước bị áp bức, đô hộ. Qua “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (gọi tắt là Sơ thảo luận cương) của V.I.Lênin, càng thấy ý nghĩa, tầm vóc to lớn của một bậc vĩ nhân, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, nhà cách mạng chân chính, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và phong trào giải phóng dân tộc. Chính Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho việc lựa chọn và đi theo con đường cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc, dân tộc Việt Nam và Đảng ta.
V.I.Lênin (1870-1924) là lãnh tụ và người thầy của giai cấp vô sản thế giới (Ảnh tư liệu).
Sơ thảo luận cương ra đời trong điều kiện lịch sử hết sức phức tạp. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước tư bản đã trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế lên đầu giai cấp vô sản và nhân dân lao động cả ở chính quốc và các nước thuộc địa, khiến đời sống của họ càng lún sâu vào cảnh khốn cùng. Điều đó đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản ở cả chính quốc và các nước thuộc địa với giai cấp tư sản, dẫn đến thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản, cùng sự xuất hiện trở lại những phần tử cơ hội chủ nghĩa, mang tính dân tộc tư sản hẹp hòi và sô vanh đã thao túng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Họ núp dưới chiêu bài “bảo vệ Tổ quốc” để đi áp bức các dân tộc thuộc địa. Điều đó vô cùng nguy hại cho phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ. Việc củng cố các đảng chuẩn bị cho việc tiến hành chuyên chính vô sản trên phạm vi toàn thế giới và liên hiệp tất cả những người vô sản cách mạng ở những nước tư bản tiên tiến với quần chúng cách mạng bị áp bức, bóc lột ở các nước thuộc địa, ở các nước phương Đông được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đại hội II Quốc tế Cộng sản. Trong điều kiện đó, V.I.Lênin đã soạn thảo “những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” vào tháng 6/1920, trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản (họp từ 19/7 đến 07/8/1920) và đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số 11 ngày 14/7/1920 và trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp.
Bản Sơ thảo luận cương gồm 12 luận điểm, trong đó, vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Quốc tế Cộng sản và V.I.Lênin thừa nhận “như là sự mở rộng của nguyên tắc liên minh công nông trên quy mô toàn thế giới” [1]. Nội dung chính là bản Sơ thảo Luận cương tập trung ở hai vấn đề lớn là dân tộc và thuộc địa.
Về vấn đề dân tộc, trong Sơ thảo luận cương, V.I.Lênin đã xác định đúng đắn, khoa học vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc trong một quốc gia, về quyền bình đẳng của các dân tộc. V.I.Lênin đã vạch trần tư tưởng dân chủ tư sản, một tư tưởng chỉ rao giảng đến quyền bình đẳng chung chung, trừu tượng, hình thức,… chứ không phải là quyền bình đẳng thực sự. V.I.Lênin khẳng định: “Ý niệm bình đẳng - bản thân nó chỉ là sự phản ánh những quan hệ sản xuất hàng hóa, đã bị giai cấp tư sản biến thành vũ khí đấu tranh chống lại việc thủ tiêu giai cấp dưới chiêu bài bình quyền tuyệt đối của cá nhân” [2]. V.I.Lênin chỉ rõ, để hiểu được vấn đề dân tộc cần phải “phân biệt thật rõ nét những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi” [3]. Từ việc khẳng định quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc không phân biệt màu da, V.I.Lênin yêu cầu các đảng cộng sản cần phải “tố cáo những việc vi phạm thường xuyên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc và những sự đảm bảo quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong tất cả các quốc gia tư bản chủ nghĩa” [4]. Với luận điểm này, V.I.Lênin đã lên tiếng bảo vệ các dân tộc bị áp bức và tố cáo các dân tộc lợi dụng thế mạnh của mình để đàn áp các dân tộc khác.
Về vấn đề thuộc địa, V.I.Lênin cho rằng các nước thuộc địa thường là nước nghèo nàn, lạc hậu, đang bị các nước tư bản nô dịch, thống trị. Giai cấp vô sản ở chính quốc phải ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Các nhà cách mạng ở chính quốc và thuộc địa phải đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Các đảng cộng sản ở chính quốc và cả thuộc địa “cần phải thi hành một chính sách thực hiện sự liên minh chặt chẽ nhất của tất cả các phong trào giải phóng dân tộc và thuộc địa với nước Nga Xô viết” [5]. Hơn nữa, với những nước cách mạng thành công như nước Nga, phải đóng vai trò thành trì cách mạng thế giới, phải có nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác làm cách mạng. Đây là những luận điểm hết sức quan trọng vì nó đã chỉ ra con đường, cách thức mà các nước thuộc địa cần phải làm để tiến hành cách mạng.
V.I. Lênin phát biểu trước quần chúng nhân dân sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 (Ảnh tư liệu)
Trên cơ sở của những luận điểm về dân tộc và thuộc địa, V.I.Lênin chỉ rõ, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ sống còn của các nước thuộc địa lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cách mạng thuộc địa không chỉ có nhiệm vụ giải phóng nước mình khỏi ách đô hộ của nước ngoài mà cần phải đấu tranh chống lại bọn phản động trong nước vì chúng là đồng minh của chủ nghĩa đế quốc. Ngoài ra, phải chú ý đến lực lượng nông dân đông đảo, xây dựng khối liên minh công - nông; phát triển cuộc đấu tranh chống đế quốc đi đôi với chống phong kiến, hình thành phong trào dân tộc dân chủ rộng rãi. Cuối bản Luận cương, V.I.Lênin còn nêu rõ: “Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”[6]. Đây là một luận điểm rất quan trọng vì nó chỉ rõ mối liên hệ cần thiết giữa giai cấp vô sản với quần chúng lao động để tạo thành một khối liên minh thống nhất khi tiến hành cách mạng vô sản. Điều này phù hợp đặc điểm và tính chất của phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Thông qua Sơ thảo luận cương, V.I.Lênin có công lao và vai trò to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Một minh chứng sinh động là những năm 20 của thế kỷ XX, Việt Nam đang đắm chìm trong cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, các đấu tranh theo ngọn cờ phong kiến và dân chủ tư sản đều thất bại. Trong bối cảnh, trên hành trình bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, vấn đề lớn mà Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm và trăn trở chính là vấn đề con đường giải phóng dân tộc cho Việt Nam. Người tự hỏi: Cách mạng ở Việt Nam sẽ phải đi theo con đường nào, làm thế nào để giành lại độc lập, bình đẳng cho dân tộc? Bằng sự tổng kết các phong trào yêu nước lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy những hạn chế về đường lối, phương pháp cứu nước. Trong thời gian bôn ba khắp thế giới, đặc biệt là những năm tháng sống ở Mỹ, Anh, Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ những cuộc cách mạng ở đó. Người đã tìm hiểu, nghiên cứu cách mạng Mỹ 1776, cách mạng Pháp 1789 song Người nhận ra rằng, những cuộc cách mạng ấy là “những cuộc cách mạng chưa đến nơi”, nghĩa là cách mạng rồi mà nhân dân lao động ở đó vẫn chưa được giải phóng, vẫn còn bị áp bức, bóc lột và rất cực khổ. Vì vậy, sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi mọi áp bức, bóc lột không thể đi theo con đường của những cuộc cách mạng đó, mà phải theo con đường khác.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc - Người thanh niên yêu nước Việt Nam đã bắt gặp Bản sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp. Sau gần 10 năm tìm tòi, khảo nghiệm, khi đọc Bản Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản - con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã thành công. Những tư tưởng cơ bản trong Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin có nhiều điểm phù hợp với tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là sự đau xót trước nỗi thống khổ của quần chúng lao động khắp thế giới và sự quan tâm đến vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa cũng như tinh thần đoàn kết của quần chúng lao động trong đấu tranh.
Hồi tưởng giây phút trọng đại đó, trong tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Người viết: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” [7]. Nguyễn Ái Quốc đón nhận Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin với niềm phấn khởi và tin tưởng của một người chiến sĩ cách mạng sau nhiều năm tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn. Sau đó, chính Nguyễn Ái Quốc đã viết thư bằng tiếng Pháp gửi Quốc tế Cộng sản và cho biết, Sơ thảo Luận cương này có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan và giúp Người dứt khoát đi theo Quốc tế III vì nó giải quyết hợp lý vấn đề giai cấp và dân tộc, không chỉ quan tâm giải phóng nhân dân lao động và vô sản chính quốc, mà còn giải phóng các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam.
Người ủng hộ V.I.Lênin, ủng hộ Quốc tế III: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” [8]. Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin đã có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi về nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam đúng như đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Sơ thảo Luận cương đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu"[9]. Việc lựa chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của V.I.Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc, chấm dứt thời kỳ dài khủng hoảng đường lối cách mạng kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ ở Việt Nam: “Lịch sử dường như đã chuẩn bị sẵn cho dân tộc Việt Nam đi vào thời kỳ hiện đại bằng miếng đất sẵn sàng được gieo trồng, và bằng những nông phu sẵn hạt giống trong tay. Miếng đất ấy là nhân dân có truyền thống đấu tranh bất khuất; giống đó là chủ nghĩa Mác - Lênin; người thứ nhất gieo giống đó là Nguyễn Ái Quốc” [10]. Vì vậy, Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin là “kim chỉ nam”, là “mặt trời soi sáng”, là “cẩm nang thần kỳ”, là chân lý hướng dân tộc Việt Nam đến “giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp”, “độc lập dân tộc gắn liền với với chủ nghĩa xã hội”, “độc lập, tự do, hạnh phúc”, làm nền tảng hình thành chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” ở Hồ Chí Minh. Những tư tưởng trong “Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin” có vai trò và ý nghĩa định hướng về con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam, làm nền tảng phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng con người về sau.
Khi vận dụng nội dung Luận cương của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng ở thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: “Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các nước thuộc địa” [11]. Đó là, cơ sở để cách mạng vô sản ở thuộc địa có tính độc lập, chủ động không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, nó có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng chính quốc tiến lên. Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản.
Qua Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đó con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản. Người luôn đề cao công lao to lớn của V.I.Lênin đối với cách mạng ở các nước phương Đông, trong đó, có Việt Nam mà xuất phát điểm ban đầu là từ quan điểm về vấn đề dân tộc và thuộc địa trong Sơ thảo Luận cương. Người khẳng định: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một con người vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa” [12]. Người đã tìm thấy ở Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin con đường giải phóng đất nước và Nhân dân khi rút ra kết luận quan trọng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, mở ra con đường đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Do nhu cầu của cách mạng, Người càng ra sức tìm hiểu và thấu suốt được tinh túy của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng nước ta đặt ra. Như vậy, chính Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản và nhất quyết đi theo con đường cách mạng vô sản để dành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, cuộc đời và sự nghiệp của V.I.Lênin đã có nhiều cống hiến vĩ đại trên nhiều lĩnh vực cho nhân loại. Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2024) là dịp để tri ân, tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đã đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Di sản của V.I.Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung trong hiện tại và tương lai.
-----
[1] Đỗ Quang Hưng, Chính sách phương Đông của Quốc tế Cộng sản, lý thuyết và thực tiễn, Tạp chí Lịch sử Đảng số 4-1989, tr.9-14.
[2] V.I.Lênin (2005), Toàn tập (t.41), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.199.
[3] V.I.Lênin (2005), Toàn tập (t.41), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.198-199.
[4] V.I.Lênin (2005), Toàn tập (t.41), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.201-202.
[5] V.I.Lênin (2005), Toàn tập (t.41), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.200.
[6] V.I.Lênin (2005), Toàn tập (t.41), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.199.
[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (t.12), Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.562.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, (t.12), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.563.
[9] Trường Chinh (1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.11.
[10] Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám; Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập 3, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, tr.39.
[11] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (t.1), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.295.
[12] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (t.1), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.317.
Lê Sơn