Sign In

Từng bước hoàn thiện thể chế về phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực

05:47 09/06/2024

ĐTO - UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 276 ngày 23/11/2020 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 39 ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2020 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (viết tắt là Kế hoạch số 276). Trong đó, hàng năm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, lồng ghép chỉ tiêu vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua các chương trình hành động, nghị quyết, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh bảo đảm được sự nhất quán trong quan điểm lãnh đạo, thống nhất và đồng bộ trong quá trình thực hiện mang lại nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc từng bước hoàn thiện thể chế về phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trên địa bàn, thúc đẩy phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Đất Sen hồng.


Người lao động tham dự phiên Giao dịch việc làm tại TP Cao Lãnh

 

Trong thực hiện Kế hoạch số 276, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nhận thức về chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện các chính sách về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối cung cầu lao động. Đặc biệt, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 31/12/2021 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT duy trì ở mức khá; kết quả thi học sinh giỏi xếp trong tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT cao hơn mặt bằng chung của khu vực và cả nước.

Tỉnh thực hiện đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong ngành giáo dục theo hướng “không lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên, nhà trường và địa phương”; tôn vinh đúng đối tượng nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua. Chương trình đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Việc liên kết và hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến. Tính đến nay, toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Cùng với đó, Trường Đại học Đồng Tháp có 23 chương đào tạo đạt kiểm định chất lượng, Trường Cao đẳng Cộng đồng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Y tế đang thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn cấp độ ASEAN và Quốc gia.

Đặc biệt, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh ký kết hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho 121 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với ngành nghề chủ yếu như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, hàn, xây dựng, chế biến. Giai đoạn 2019 - 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo 94.352/88.000 người (đạt 107,2% kế hoạch đề ra). Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 75,4%, trong đó qua đào tạo nghề ước đạt 54,2%, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt từ 86% trở lên.

Thông qua các phiên Giao dịch việc làm, dạy nghề giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 190.600 lao động (đạt 127% kế hoạch), trong đó có 8.421 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 129,6% kế hoạch đề ra). Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực được đổi mới, theo hướng mạnh về cơ sở, sâu sát địa bàn dân cư để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, khó khăn của quần chúng nhân dân để huy động, phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh, hỗ trợ học sinh ra lớp và người lao động tham gia đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm.

UBND tỉnh quản lý chặt chẽ “đầu vào” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới; chú trọng cải thiện môi trường lao động, nhất là ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị công nghệ thông tin vào công việc để hoạt động công vụ thực hiện tốt hơn. Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ được đổi mới theo hướng gắn với đánh giá phân loại hàng năm và vị trí việc làm, quy hoạch; kịp thời ban hành một số chính sách có tác động khuyến khích cán bộ ra sức học tập nâng cao trình độ, kết quả đã tổ chức và cử gần 110.800 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Tỷ lệ công chức từ cấp huyện trở lên có trình độ từ đại học năm 2023 đạt 99% (tăng 3%) và tỷ lệ viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ từ đại học năm 2023 đạt 80% (tăng 13%) so với năm 2018.

Dũng Chinh

Tag:

File đính kèm