Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn toàn huyện môi trường văn hoá từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất được xoá bỏ. Công tác giáo dục đào tạo được quan tâm, chất lượng giáo dục không ngừng được tăng lên. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, hoạt động văn hoá, văn nghệ diễn ra sôi nổi.
Toàn huyện có tỷ lệ gần 70% là dân tộc Mường và dân tộc Dao, với một kho tàng văn hoá, văn học dân gian phong phú. Nhân dân các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương; có ý thức coi trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; bảo vệ giữ gìn, di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng. Trong quá trình triển khai và thực hiện, đại bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân được nâng lên; giá trị vǎn hóa và chuẩn mực đạo đức dần được hình thành; tính nǎng động và tính tích cực của công dân được phát huy, sở trường và nǎng lực cá nhân được khuyến khích.
Việc xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú luôn được chú trọng. Phong trào văn hoá, thể thao quần chúng được phát triển rộng khắp. Các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn... đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi người dân. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá được duy trì thường xuyên. Việc xây dựng các quy ước, hương ước của các thôn, xóm được quan tâm chỉ đạo đã góp phần tổ chức thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng di sản văn hoá đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tính đến nay, huyện Lương Sơn có 07 chùa, 10 đình, 09 đền, 05 miếu, 08 di tích cấp quốc gia, 07 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng. Hầu hết các di tích đều tổ chức lễ hội hàng năm và theo định kỳ 2 năm 1 lần, thu hút đông đảo nhân dân đến làm lễ và tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương như: ném còn, đánh quay, đẩy gậy, kéo co.
Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá trên địa bàn huyện được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, sâu rộng, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng con người thanh lịch - văn minh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Xây dựng và phát triển kinh tế đi đôi với phát triển vǎn hóa; làm cho con người phát triển toàn diện; các nhân tố vǎn hóa được gắn kết chặt chẽ với đời sống và sinh hoạt của Nhân dân trên mọi phương diện của cuộc sống. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thông qua các hoạt động giao lưu đối ngoại về văn hóa, văn nghệ.
Công tác quản lý, tăng cường các nguồn lực cho văn hoá được triển khai có hiệu quả; Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều văn bản thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, cụ thể ở nhiều lĩnh vực: văn học nghệ thuật, quản lý di tích... Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Công tác đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, hoàn thiện đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hoá. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, phát huy được các nguồn lực của xã hội góp phần vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân...
Để tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU, trong thời gian tới, huyện Lương Sơn xác định thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban hành hệ thống văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương; Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa; Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa của huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Chính quyền các cấp tiếp tục đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người tại địa phương.
Thu Trang