Sign In

Nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Hoà Bình hiện nay

13:37 15/10/2024
Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy. Trường là cơ sở đào tạo cán bộ duy nhất ở cấp tỉnh, có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán trong hệ thống chính trị ở địa phương. Nhằm xây dựng các tiêu chí Trường chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2026 theo Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 30/6/2021 của Tỉnh uỷ Hoà Bình. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2021 đến nay, Trường Chính trị tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị (LLCT) và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Việc xây dựng kế hoạch đào tạo Trung cấp LLCT của trường Chính trị tỉnh Hoà Bình dựa trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do Tỉnh uỷ giao. Trên cơ sở đánh giá tình hình cụ thể, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, khoa liên quan tiến hành xây dựng dự thảo kế hoạch đào tạo trong năm của Trường.
 
Công tác chiêu sinh được thực hiện trên cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu của các cơ quan, đơn vị và nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức, viên chức được giao, các lớp được phê duyệt, nhà trường đã chủ động trao đổi với các cơ quan có liên quan phối hợp mở lớp thống nhất cách thức chiêu sinh, thời gian học. Do đó, các khoá đào tạo Trung cấp LLCT chiêu sinh bảo đảm đúng đối tượng, tỷ lệ chiêu sinh các lớp đào tạo hàng năm cao, vượt kế hoạch của Tỉnh giao, cụ thể năm 2021 đạt 225, năm 2022 đạt 233%, năm 2023 đạt 133.3%; năm 2024 đạt 233%.
 
Về kết quả mở lớp: Từ năm 2021 đến nay, nhà trường điều hành giảng dạy tổng số 25 lớp đào tạo trung cấp LLCT với 1.552 học viên.
 
Công tác quản lý giảng dạy: Về đội ngũ giảng viên, hiện Nhà trường có 29 giảng viên. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ LLCT của đội ngũ giảng viên khá cao, cụ thể: Tiến sĩ 01, thạc sĩ 21, cử nhân 07 (hiện nay đang theo học thạc sĩ); trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 15, Trung cấp 13, đang học Trung cấp 01. Nhà trường luôn quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thông qua các phương thức như: Lựa chọn đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết tham gia giảng dạy; tích cực tổ chức thông qua bài giảng mới cho giảng viên, giảng viên tham gia thao giảng, dự giờ nhằm nâng cao chất lượng bài giảng; lấy phiếu đánh giá của học viên; giảng viên tích cực cập nhật kiến thức mới, thường xuyên nghiên cứu, liên hệ thực tiễn và chủ động áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực đảm bảo đáp ứng yêu cầu của người học. 
 
Mặt khác, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu trường Chính trị tỉnh Hoà Bình cũng chú trọng và tăng cường cử giảng viên tham gia các khóa “đào tạo trải nghiệm” – nghiên cứu thực tế cá nhân và có kỳ hạn để nâng cao kiến thức thực tiễn. Từ năm 2021 đến nay, nhà trường cử 10 lượt giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở (năm 2021: 03; năm 2022: 03; năm 2023: 01; 9 tháng đầu năm 2024: 01); 16 đợt đi nghiên cứu thực tế của tập thể khoa, phòng; 235 lượt giảng viên đi nghiên cứu thực tế cá nhân. Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT, đảm bảo phương châm giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn.
 
Công tác tổ chức, quản lý học viên các lớp Trung cấp LLCT ngày càng chặt chẽ, nghiêm túc, gắn với các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong học tập LLCT. Trong đó, tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định; đề cao trách nhiệm của chủ nhiệm lớp, giảng viên lên lớp và ban cán sự; tăng cường phối hợp với các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý học viên; duy trì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Vì vậy, việc học tập của học viên đã đi vào nền nếp, nghiêm túc và tự giác.
 
Công tác thanh tra giáo dục được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đảm bảo yêu cầu và kế hoạch đề ra như: thanh tra việc thực hiện kế hoạch, chương trình đào tạo Trung cấp LLCT, thanh tra hồ sơ, sổ sách liên quan đến quy trình mở lớp, quy trình thi, đánh giá kết quả học tập của học viên… Bên cạnh đó cũng tăng cường thực hiện thanh tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên, việc duy trì nền nếp học tập của các lớp… Chính vì vậy, hoạt động thanh tra giáo dục đã góp phần đưa công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường đi vào nền nếp, đúng quy chế, quy định góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác đào tạo Trung cấp LLCT.
 
Hoạt động nghiên cứu thực tế cuối khóa: 100% các lớp đào tạo trung cấp LLCT đi nghiên cứu thực tế theo quy định của chương trình. Việc đi nghiên cứu thực tế cuối khóa học được tổ chức khoa học, linh hoạt và thiết thực gắn lý luận với thực tiễn.
 
Hoạt động thi, viết bài thu hoạch, hướng dẫn và chấm khóa luận tốt nghiệp được thực hiện chặt chẽ từ các khâu xét điều kiện dự thi; ra đề thi; coi thi, chấm thi,  khoá luận và lưu trữ kết quả. Các kỳ thi tốt nghiệp bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế. Việc tổ chức cho học viên viết khóa luận tốt nghiệp chương trình Trung cấp LLCT có sự đổi mới, khoa học, hiệu quả. Khâu nhận xét, đánh giá, chấm khóa luận thực hiện bảo đảm khách quan, thực chất. Cuối khoá học, nhà trường thực hiện đánh giá, xét tốt nghiệp khách quan, nghiêm túc đúng quy chế.
 
Hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của nhà trường được đầu tư cơ bản bảo đảm phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, các phòng học được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, điều hòa nhiệt độ. Các trang thiết bị phục vụ dạy và học trung cấp LLCT từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại, mạng internet được kết nối đồng bộ, hệ thống theo dõi camera được lắp đặt và quản lý ở tất cả các lớp học; lắp đặt hệ thống trực tuyến kết nối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và hệ thống trực tuyến của tỉnh. Công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất cùng với việc xây dựng môi trường học đường  xanh, sạch, đẹp, an toàn đã tạo nên diện mạo đặc trưng của Trường Đảng tỉnh, vừa kỷ cương vừa thân thiện.
 
Công tác phối hợp quản lý đào tạo: Nhà trường luôn chú trọng công tác phối hợp quản lý với các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan công tác mở lớp của trường. Trong quá trình đào tạo nhà trường thường xuyên liên hệ để phối hợp quản lý học viên; sau khi kết thúc khóa học kịp thời thông báo kết quả học tập và rèn luyện đến đơn vị có học viên theo học. Do đó, tinh thần, thái độ, ý thức học tập, rèn luyện của học viên được nâng lên.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động đào tạo trung cấp LLCT vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp giữa đơn vị khoa, phòng trong tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đôi khi chưa chặt chẽ, kịp thời; một số ít bài giảng của giảng viên kiến thức thực tiễn chưa nhiều; một số học viên chưa chuyên tâm vào học tập, khả năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng học viên đi học muộn, nghỉ buổi học, tiết học; sự phối hợp giữa các đảng bộ, chi bộ, các ban ngành, đoàn thể với nhà trường trong việc mở lớp đôi khi chưa chặt chẽ; việc khảo sát, đánh giá hiệu quả sau đào tạo chưa được triển khai.
 
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp LLCT tại Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
 
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và học viên về hoạt động đào tạo trung cấp LLCT. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp LLCT; vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao của từng cá nhân và tập thể nhà trường trong sự nghiệp đào tạo LLCT cho đội ngũ cán bộ của địa phương. 
 
Hai là, Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quy định của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, bảo đảm Trường Chính trị tỉnh là cơ sở duy nhất đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. 
 
Ba là, chủ động mở rộng liên kết, phối hợp trong đào tạo trung cấp LLCT; đa dạng hóa hình thức, phương pháp tổ chức, bảo đảm thực hiện đúng nội dung, chương trình theo quy định, nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện đào tạo theo mục tiêu, yêu cầu để bổ sung, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. 
 
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện hiện đại trong quản lý, dạy - học; tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình dạy - học chủ động, tích cực, lấy người học làm trung tâm. Phát huy dân chủ, coi trọng kỷ cương, thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý dạy - học, khắc phục triệt để tình trạng “ngại học”, “lười học” LLCT.
 
Năm là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý đào tạo đảm bảo chặt chẽ, đúng trình, quy chế. Nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của giảng viên trực tiếp giảng trên lớp trong việc quản lý học viên. Mạnh dạn đổi mới một số khâu trong quy trình đào tạo, đặc biệt phát huy hơn nữa vai trò của chủ nhiệm lớp đối với các lớp mở tại trường và đồng chủ nhiệm lớp đối với các lớp mở tại huyện trong công tác quản lý lớp. Có biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý học viên nhằm hạn chế học viên đi học muộn, nghỉ buổi học, tiết học.
 
Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho giảng dạy và học tập theo quy định trường chính trị chuẩn mức 1. Sử dụng có hiệu quả Website Trường Chính trị cho công tác đào tạo trung cấp LLCT.
 
Bảy là, tăng cường triển khai các biện pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo theo các tiêu chí trường chính trị chuẩn quy định tại Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 30/6/2022 của Tỉnh uỷ Hoà Bình về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Hoà Bình đạt các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2026.

ThS. Bùi Thị Hồng Vi 
(Trường Chính trị tỉnh)  
 
 

Tag:

File đính kèm