Sign In

Khánh Hòa: Tự hào chặng đường 370 năm xây dựng và phát triển

06:30 02/04/2023

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa

Năm 2023, Khánh Hòa vừa tròn 370 năm xây dựng và phát triển. Đây là mốc son đầy tự hào của vùng đất và con người Khánh Hòa, cũng là dịp để mỗi người dân cùng nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng của quê hương, thêm yêu và tự hào về mảnh đất “xứ Trầm, biển Yến”, qua đó tiếp tục phấn đấu, nỗ lực xây dựng Khánh Hòa giàu đẹp và hạnh phúc.

Từ thuở cha ông mở cõi...

Vào năm 1653, Cai cơ Hùng Lộc hầu vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần tiến hành công cuộc mở mang, khai khẩn vùng đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang và lập nên dinh Thái Khang (bao gồm địa giới tỉnh Khánh Hòa ngày nay) với 2 phủ trực thuộc là Thái Khang và Diên Ninh. Sau đó, vùng đất này được đổi thành tên dinh Bình Khang (năm 1690), dinh Bình Hòa (năm 1803), trấn Bình Hòa (năm 1808) và đến năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa và địa danh này tồn tại đến ngày nay.

Từ mảnh đất “xứ Trầm, biển yến” này, các thế hệ cha anh đã viết nên những trang sử hào hùng. Dưới sự lãnh đạo của Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong, Nhân dân Khánh Hoà nhất tề hưởng ứng chiếu Cần Vương, làm nên những chiến công oanh liệt ngay khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Giai đoạn 1925 - 1929, dưới ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn, nhiều cơ sở cách mạng đã ra đời tại Khánh Hòa. Chưa đầy một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 24/2/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã chính thức thành lập. Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, với sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Khánh Hòa đã tiếp tục viết nên những trang sử mới. Cuộc biểu tình có quy mô lớn đầu tiên ở khu vực Nam Trung bộ với hơn 1.000 người tham gia do Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo, diễn ra vào ngày 16/7/1930 tại Tân Định (huyện Ninh Hòa ngày nay) đã góp phần vào cao trào cách mạng cả nước những năm 1930 - 1931. Tháng Tám mùa thu lịch sử năm 1945, các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa đã nhất tề vùng dậy tổng khởi nghĩa đánh đổ chế độ thực dân phong kiến. Vào ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Nha Trang đã diễn ra thắng lợi cùng ngày với thủ đô Hà Nội, góp phần cùng cả nước xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đúng một tháng sau ngày Nam bộ kháng chiến, ngày 23/10/1945, quân và dân Khánh Hòa lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp. Trong giai đoạn lịch sử này, ngày 18/10/1946, tại vịnh Cam Ranh, Bác Hồ đã đến thăm và có cuộc hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu về thực hiện bản Tạm ước 14/9. Đây là cột mốc lịch sử trên con đường thương thuyết hòa bình nhằm giữ gìn nền hòa bình, độc lập thống nhất của Tổ quốc, tranh thủ thời gian chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến lâu dài. Có thể nói, Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân và quân ta. Ngay sau đó, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa lại cùng cả nước bền bỉ bước vào cuộc chiến chống đế quốc Mỹ kéo dài 21 năm. Vượt qua biết bao gian khổ và hy sinh, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 02-04-1975, Khánh Hòa được giải phóng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

…đến một Khánh Hòa vươn ra biển lớn

Với tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong việc kế thừa và phát huy có hiệu quả những giá trị của lịch sử, truyền thống, văn hóa của đất nước, của con người Khánh Hòa trong gần 4 thế kỷ qua. Năm nay, lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa được tổ chức trong bối cảnh toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đang ra sức thi đua, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đây là một sự kiện trọng đại của tỉnh, là dịp để tầng lớp nhân dân Khánh Hòa hiểu rõ hơn, tự hào hơn giá trị lịch sử hào hùng, văn hóa cốt lõi của dân tộc ta; thể hiện nghĩa cử truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã dày công tạo dựng, gìn giữ và phát triển vùng đất Khánh Hòa trong suốt chặng đường 370 năm qua.

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã nâng tầm vị thế của Khánh Hòa, đặt mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ngay từ năm đầu tiên triển khai các Nghị quyết của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã tạo được những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2022 đạt 20,7%, cao nhất cả nước; 20/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra, an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đến nay, một số quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt và công bố đã mở ra cơ hội, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thực chất phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy và chính quyền các cấp theo hướng gần dân, sát cơ sở, kỷ cương, kỷ luật; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chú ý đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản trị công và cải cách hành chính; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân…

Với đà tăng trưởng của năm 2022, bằng những nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và nhân dân, năm 2023 Khánh Hòa sẽ tiếp tục bứt phá, phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra. Đặc biệt, hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư diễn ra trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa có ý nghĩa quan trọng và góp phần để Khánh Hòa tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Trong tương lai, Khánh Hòa sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều dự án lớn. Bên cạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực kinh tế Khánh Hòa có nhiều lợi thế như du lịch và đô thị, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, logistic, các ngành kinh tế số, công nghệ 4.0, các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại nhằm tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những nỗ lực nói trên của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa hôm nay chính là nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn, đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, đưa vùng đất “xứ Trầm, biển Yến” trở thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hoà cũng nhận thức rằng, bên cạnh những nỗ lực và thành quả bước đầu gặt hái được, chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thách thức. Song, với những tiềm năng, lợi thế vượt trội của tỉnh, với con người Khánh Hòa hiền hòa, thuần hậu từ bề dày lịch sử, yêu nước, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất; với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của các Bộ, ngành, bạn bè trong nước và quốc tế, Khánh Hòa nhất định sẽ “cất cánh” trong tương lai. Đây không chỉ là bổn phận mà còn là trách nhiệm cao cả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh để trả nghĩa ân tình cho các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng bằng mồ hôi, xương máu để có được một Khánh Hòa giàu đẹp như hôm nay.


Tags:
Tác giả: Đồng chí Nguyễn Hải Ninh

Tag:

File đính kèm