Tại hai địa phương có vùng kinh tế động lực, Thành ủy Kon Tum và Huyện ủy Kon Plông đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết; đồng thời chỉ đạo UBND huyện/thành phố cụ thể hóa Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy thành chương trình hành động, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 04 đã đề ra.
| Thành phố Kon Tum được đầu tư xây dựng hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Ảnh: DN |
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà – Bí thư Thành ủy Kon Tum cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 65-KH/TU, ngày 16/12/2021 để lãnh đạo triển khai thực hiện. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND thành phố và các đơn vị, địa phương thực hiện với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, quyết tâm xây dựng thành phố Kon Tum xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, du lịch và dịch vụ, là đầu tàu hội nhập của tỉnh, giữ vai trò nòng cốt trong sự phát triển chung của tỉnh.
Đối với vùng kinh tế động lực Kon Plông, đồng chí Đào Duy Khánh – Bí thư Huyện ủy trao đổi: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình số 35-CTr/HU ngày 17/1/2022; đồng thời chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng kinh tế động lực đã được xác định trong Nghị quyết số 04-NQ/TU. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm đều có báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Chính quyền hai địa phương đã cụ thể hóa Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy thành chương trình hành động, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đề ra. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và thị trường bất động sản; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với liên kết các vùng kinh tế động lực; cơ chế, chính sách hỗ trợ, liên kết và quản lý tài nguyên và môi trường.
| Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông) dần khẳng định vai trò trọng điểm du lịch của tỉnh và của vùng Tây Nguyên. Ảnh: D.N |
|
Đến nay, đã huy động được trên 5.240,2 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng tại hai vùng kinh tế động lực. Nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư.
Cùng đó, từ năm 2022 đến nay, tại hai vùng kinh tế động lực đã thu hút được 18 dự án từ khu vực tư nhân với tổng vốn trên 2.214,3 tỷ đồng (thành phố Kon Tum 16 dự án với tổng vốn trên 1.336,7 tỷ đồng, huyện Kon Plông 2 dự án với tổng vốn trên 877,6 tỷ đồng) nâng tổng dự án còn hiệu lực tại hai địa phương này lên 153, tổng vốn đăng ký 36.602,4 tỷ đồng.
Nhằm tập trung nguồn lực phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU, tháng 7/2024, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2024/NQ-HĐND điều chỉnh Nghị quyết số 63/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 phân bổ 250 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đoạn 2021-2025 để hỗ trợ thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn các vùng kinh tế động lực. Ngoài ra, ưu tiên, bố trí 175 tỷ đồng để hỗ trợ thành phố Kon Tum thực hiện công tác chỉnh trang đô thị.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04, các vùng kinh tế động lực có kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; diện mạo đô thị, nông thôn từng bước được chỉnh trang; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; đời sống nhân dân có nhiều cải thiện. Thành phố Kon Tum được đầu tư xây dựng khang trang, phát huy vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Vùng du lịch sinh thái Măng Đen ngày càng được nhiều người biết đến, dần khẳng định vai trò trọng điểm du lịch của tỉnh và của vùng Tây Nguyên.
Một số kết quả ấn tượng đạt được tại hai vùng kinh tế động lực của tỉnh phải kể đến như tỷ trọng đóng góp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Kon Tum tăng từ 52,5% năm 2021 lên khoảng 65% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; tỷ trọng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Kon Plông tăng từ 12,4% lên 13,9%.
Ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố Kon Tum giảm từ 2,37% năm 2021 xuống còn khoảng 0,43% năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Kon Plông giảm từ 44,4% năm 2021 xuống còn 12,88% năm 2024.
Tổng lượng khách du lịch năm 2024 đến thành phố Kon Tum chiếm khoảng 35% tổng lượng khách của cả tỉnh, tăng gần 10 lần so với năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến huyện Kon Plông chiếm khoảng 60% tổng lượng khách của cả tỉnh, tăng 10 lần so với năm 2021.
Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 04 đã đem lại sức bật mới cho hai vùng kinh tế động lực của tỉnh. Tin tưởng với đà phát triển, các vùng kinh tế động lực của tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát triển hoàn thiện đạt mục tiêu đề ra như kỳ vọng.
Dương Nương