Sign In

Nghệ thuật chớp thời cơ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc vận dụng bài học chớp thời cơ trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay

09:16 10/08/2023
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được chứng minh là một thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi này đã mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám cho thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng và việc kế thừa, phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự của Việt Nam, trong dó có nghệ thuật chớp thời cơ.

1. Dự đoán thời cơ và chớp thời cơ

Để chớp được thời cơ trong cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã có một quá trình chuẩn bị về mọi mặt và dự đoán thời cơ rất khoa học. Ngay trong hội nghị Trung ương lần thứ 8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại Pắc Pó, Cao Bằng, nghị quyết đã dự báo một cách chính xác cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và hệ lụy của nó: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó cách mạng nhiều nước sẽ thành công…”. Đó là một khả năng xuất hiện thời cơ đến với nhiều nước, trong đó có nước ta. Sự phân tích chính xác, khoa học mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù đã tạo thế chủ động cho ta khi xuất hiện tình thế. Ngày 09/3/1945, nổ ra cuộc đảo chính Nhật - Pháp, Đảng ta không bất ngờ mà ngược lại đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược, sách lược sát đúng với tình hình. Ngay trong đêm Nhật - Pháp bắn nhau, ngày 12/3/1945, Hội nghị Thường vụ mở rộng đã họp và đề ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” . Trong bản Chỉ thị đó đã dự báo thời cơ của nhân dân ta vùng dậy đấu tranh, đó là: “Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật và Nhật đầu hàng quân đồng minh”. Đúng như dự báo của bản chỉ thị, sau khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt một triệu quân Quan đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc và Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn nhất của Nhật. Giữa trưa ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh trên sóng phát thanh của Nhật. Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng mà Đảng ta đã dự báo.

Bàn ghế đá nơi Bác Hồ làm việc trong những năm 1941 - 1945

Như đã nói, thời cơ chỉ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Trong cuộc cách mạng tháng Mười Nga, thời cơ chỉ xuất hiện trong vòng 24 giờ. Còn trong cuộc cách mạng Tháng Tám, thời cơ chỉ tồn tại trong vòng 20 ngày, từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh (15-8-1945), đến khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật (05-9-1945). Nếu đứng lên giành chính quyền trước ngày 15-8-1945 hay sau ngày 5-9-1945 thì khả năng giành thắng lợi là rất ít. Vì, trước ngày 15/8, quân Nhật còn rất mạnh, ý chí chiến đấu chưa bị đè bẹp. Còn sau ngày 05/9, khi đó trên đất nước ta sẽ xuất hiện rất nhiều lực lượng bất lợi cho cách mạng như: Quân Tưởng ở miền Bắc, quân Anh ở miền Nam và nhiều lực lượng phản động khác. Chính vì thế, muốn giành thắng lợi chỉ có thể phát động Tổng khởi nghĩa trong khoảng thời gian từ ngày 15/8/1945 đến trước ngày 05/9/1945. Mặt khác, ta nhất định phải giành thắng lợi trước khi quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật để khi đó ta với tư cách là nước chủ nhà đón quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật, khẳng định với các nước trên thế giới rằng nước VNDCCH đã giành được chính quyền từ tay Nhật, khai sinh nước VNDCCH (02/9/1945).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa

2. Vận dụng bài học chớp thời cơ trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay

Công cuộc đổi mới ở nước ta từ năm 1986 đến nay được triển khai trong bối cảnh chứa đựng cả thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Những thời cơ, thuận lợi lớn đã được Đảng và nhân dân nhận thức đầy đủ, kịp thời. Đó là: “hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thế giới ngày nay; cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hoá đang tạo điều kiện chưa từng có cho các quốc gia xích lại gần nhau, tăng cường hội nhập, phát huy lợi thế; xu hướng dân chủ hoá đời sống xã hội, đời sống quốc tế đang tạo hành lang rộng mở cho các chủ thể, các quốc gia khẳng định vai trò, vị trí của mình… Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ đang cản trở con đường phát triển của các quốc gia dân tộc: an ninh thế giới bị đe doạ nghiêm trọng bởi các nhân tố truyền thống và phi truyền thống (bạo loạn, xung đột, khủng bố, chiến tranh, tội phạm tài chính - tiền tệ, tội phạm công nghệ cao, thảm hoạ môi trường…); các thế lực phản động tăng cường chiến lược diễn biến hoà bình chống phá chủ nghĩa xã hội và nhiều chính sách khác cản trở độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới…”

Những thời cơ và nguy cơ nêu trên, tự nó chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Chúng trở thành thuận lợi và khó khăn thực tế hay không, điều đó phụ thuộc vào nhân tố chủ quan, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc, đầy đủ về thời cơ và nguy cơ, Đảng, Nhà nước đã chủ động xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả; đã tranh thủ tốt các thời cơ, thuận lợi và ứng phó phù hợp trước các nguy cơ, thách thức, biến nguy cơ thành thời cơ, đẩy lùi nhiều khó khăn. Cụ thể: các chính sách mở rộng giao lưu hợp tác, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài để Việt Nam hòa nhập nhưng không hòa tan, vừa tận dụng ngoại lực, vừa phát huy nội lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; hay gần đây nhất là việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình đã được dự luận quốc tế đánh giá cao…góp phần nâng cao thế và lực của nước ta trên trường quốc tế, tạo tiền đề quý báu cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Hiện nay, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư nước ngoài FDI

Có thể thấy rằng, trong từng thành tựu của công cuộc đổi mới và trong mỗi bước phát triển của đất nước ta hôm nay đều khởi nguồn từ những bài học kinh nghiệm quý báu đúc kết từ các thời kỳ cách mạng trước đây. Trong đó, bài học kinh nghiệm nắm bắt và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn luôn có giá trị lâu bền và ý nghĩa thời đại.

                                                                                                                                              Nguyễn Hoài Thân

                                                                                                                                          Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tag:

File đính kèm