Nhằm kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền dân tộc, đặc biệt là giữ gìn, phát huy các bài thuốc quý, những năm qua, y học cổ truyền luôn tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân và đạt được nhiều kết quả hết sức đáng khích lệ.
Lương y thăm khám và chăm sóc tận tình cho bệnh nhân
Toàn tỉnh Long An có 13/15 huyện, thị có khoa Y học cổ truyền; 208 cơ sở hành nghề Đông y được Sở Y tế cấp phép và 120 Tổ chẩn trị trong đó có 167 phòng chẩn trị tư nhân, 26 phòng chẩn trị miễn phí, 15 đại lý thuộc Đông y và dịch vụ Đông y.
Các lương y bốc thuốc cho bệnh nhân
Công tác khám chữa bệnh bằng Đông y và kết hợp Đông y với y học hiện đại trong khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; việc kết hợp chặt chẽ các phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị đã đem lại hiệu quả cao. Qua đó, công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong 15 năm qua, các phòng chẩn trị đã khám chữa bệnh cho hơn 15 triệu lượt người, bốc thuốc nam, bắc gần 58 triệu thang, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 7,3 triệu lượt; trong đó, khám chữa bệnh miễn phí cho gần 9,6 triệu lượt người, cấp phát gần 42,2 triệu thang thuốc, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 5,3 triệu lượt người, cấp gần 122.000 kg thuốc thành phẩm; tổng trị giá miễn phí trên 337,5 tỷ đồng. Để đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp
Tập huấn tuyên truyền nâng cao hiệu quả điều trị cho đội ngũ cán bộ Đông y ở cơ sở
Để phát huy hơn nữa, hiệu quả công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong thời gian tới, ngành Đông y cần quan tâm đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng Đông y ở các cơ sở mà trọng tâm là các phòng chẩn trị y học cổ truyền các cấp. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Đông y đa dạng, nhiều lứa tuổi, có trình độ và năng lực chuyên môn kế thừa được các vị lương y của tiền bối đi trước, đồng thời phát huy vốn quý nền y học cổ truyền của dân tộc. Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế. Đây là những yếu thuận lợi giúp cho cán bộ, lương y, hội viên tiếp thu những tinh hoa của nền Đông y, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thuộc lĩnh vực Đông y, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng.
Đặng Thị Ngọc Lan
Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa