Sign In

Đảm bảo an toàn nhà ở, công trình xây dựng trong mùa mưa bão

15:04 06/06/2024
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2024, Sở Xây dựng đã lập kế hoạch PCTT và TKCN của ngành và chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản, an toàn công trình trong mùa bão, lũ; đặc biệt là bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè, cống, các công trình, vật kiến trúc…

 

Công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đảm bảo các biện pháp an toàn thi công trong mùa mưa bão.

 

Sở Xây dựng đã lập phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai tương ứng theo các kịch bản mức độ thiên tai (bão, bão mạnh, siêu bão và lũ) của ngành cụ thể, chi tiết về: phương án huy động trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ; phương án phòng, chống bão, lũ cho các công trình đang thi công xây dựng và các công trình đang sử dụng (các công trình xuống cấp, nguy hiểm; công trình nhà bán kiên cố và các công trình hạ tầng kỹ thuật)... Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra chất lượng các công trình, các công trường đang thi công; kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án ứng phó kịp thời với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng. Phối hợp với các địa phương rà soát phân loại nhà ở, xây dựng phương án di dời theo cấp độ thiên tai khi xảy ra. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát đánh giá thực trạng lực lượng, phương tiện, vật tư… và đề xuất bổ sung trang bị vật tư, phương tiện cần thiết của đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Sở yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT, xây dựng phương án PCTT đảm bảo an toàn cho công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trong mùa lũ bão. Tại những công trình đang thi công, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu thi công kiểm tra, rà soát những vị trí nguy hiểm, có khả năng gây mất an toàn để có biện pháp kịp thời xử lý, khắc phục, bảo đảm an toàn cho người và công trình. Thực hiện, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Bộ Xây dựng về đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình, chú ý thiết kế biện pháp thi công, bố trí hệ thống giàn giáo; gia cố chắc chắn đảm bảo an toàn giàn giáo và các phương tiện, thiết bị thi công trước khi có gió bão. Trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu thi công cần lập và trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế thi công trên công trường. Chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu. Thường xuyên kiểm tra công trường, bảo đảm các thiết bị làm việc trên cao như giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng… được liên kết chắc chắn với kết cấu công trình. Đặc biệt lưu ý công tác an toàn điện, an toàn thiết bị và máy thi công. Khi có bão, nếu cần thiết phải tháo dỡ hoặc hạ thấp độ cao của các loại vật liệu, trang thiết bị. Tất cả các xe, máy xây dựng phải có đủ hồ sơ kỹ thuật, phải có các thông số cơ bản, hướng dẫn lắp đặt, vận chuyển, bảo quản, sử dụng, sửa chữa, có sổ giao ca, sổ theo dõi tình trạng kỹ thuật.

Đối với công trình đang sử dụng, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý, sử dụng công trình tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành của công trình. Trong đó, đặc biệt chú ý đối với các công trình xuống cấp, nguy hiểm, định kỳ kiểm tra, có phương án và kế hoạch sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn cho sử dụng, chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão đảm bảo an toàn cho người và tài sản, có phương án sơ tán các hộ dân khỏi những căn nhà có nguy cơ sụp đổ do mưa bão, nước biển dâng, nước lũ đến nơi an toàn khi cần thiết. Đối với chủ sở hữu, các hộ dân đang sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo Công ty Cổ phần Công trình đô thị và UBND các phường, xã, thị trấn có kế hoạch cụ thể phòng, chống đối với nhà nguy hiểm, phương án sơ tán dân khi mưa bão; thực hiện chằng, chống nhà cửa, kho tàng trước khi bão đổ bộ vào đất liền, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; duy trì thường xuyên liên tục lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đối với công trình nhà bán kiên cố, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn cách gia cố và phòng, chống bão tới các khu dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản.

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng yêu cầu UBND thành phố Nam Định và các huyện rà soát các quy hoạch thoát nước và kiểmy tra hệ thống tiêu thoát nước của các đô thị nhằm đảm bảo việc phân vùng, thoát lũ, đảm bảo chống ngập úng đô thị. Kiểm tra kế hoạch duy tu, bảo trì và nạo vét hệ thống tiêu thoát nước chính tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa, bão và có các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. Lập phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và có giải pháp bảo vệ, phòng ngừa khắc phục sự cố khi xảy ra mưa bão. Kiểm tra công tác quản lý đảm bảo lưu thông dòng chảy, đặc biệt là việc triển khai và kiểm soát thoát nước tại các lưu vực sông. Rà soát và kiểm tra các phương án, biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như hào kỹ thuật, tuynel, trạm biến áp, cột điện… khi xảy ra mưa bão. UBND các huyện, thành phố Nam Định, chủ quản lý, chủ sử dụng phối hợp triển khai phương án, kế hoạch chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, gần nhà ở, lưới điện… Đốn hạ cây xanh rỗng, mục, không để cây xanh ngã đổ khi xảy ra lốc xoáy, giông gió, mưa bão làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân và ùn tắc giao thông.

Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp PCTT và TKCN của các cấp, các ngành và sự phối hợp chủ động của người dân, Sở Xây dựng quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống bão lũ đã đề ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh, thi công ổn định và an toàn trong mùa mưa bão năm 2024./.

Theo: Baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm