Phối cảnh cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định với tỉnh Ninh Bình.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được thực hiện theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án được HĐND tỉnh Nam Định quyết nghị chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 9-12-2022; được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 23-2-2023 với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến 2km từ Km17+300 đến Km19+300 lý trình đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, nối huyện Yên Khánh (Ninh Bình) và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).
Công trình có quy mô 4 làn xe, gồm cầu vượt sông dài khoảng 1,36km với mặt cắt ngang rộng 19,5m; đường dẫn dài khoảng 0,64km, rộng 19m và các nhánh kết nối với đường Bái Đính - Kim Sơn (Ninh Bình) với đường trục phát triển (Nam Định). Cầu vượt sông Đáy ở vị trí phía thượng lưu bến phà Tam Tòa; khổ thông thuyền BxH ≥ 85x15m đảm bảo khả năng thoát lũ cũng như luồng vận tải đường thủy thông thoáng, an toàn; giao khác mức với đê tả và đê hữu sông Đáy, đảm bảo tĩnh không H > 4,75m. Sơ đồ cầu gồm 29 nhịp, cầu chính gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, sơ đồ (80+130+80)m; cầu dẫn vượt đê hữu sông Đáy phía Ninh Bình gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực sơ đồ (46+70+46)m, các nhịp dẫn còn lại dùng kết cấu dầm Super-T bê tông cốt thép dự ứng lực. Mố trụ cầu bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ trên hệ móng cọc khoan nhồi. Phía tỉnh Ninh Bình, cầu kết nối với đường Bái Đính - Kim Sơn bằng 2 nhánh với quy mô nền rộng 12m; phía tỉnh Nam Định tuyến giao vượt khác mức với Quốc lộ 37B và giao khác mức liên thông với tuyến đường tỉnh 490, kết nối bằng 2 nhánh, quy mô nền đường rộng 8m.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định là chủ đầu tư dự án; đơn vị tư vấn thiết kế là liên danh Tư vấn thiết kế đường bộ - Tư vấn đường cao tốc Việt Nam - Tư vấn đầu tư xây dựng chiếu sáng và cơ điện công trình và Trung tâm khoa học công nghệ Giao thông Vận tải; đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Thăng Long; nhà thầu xây dựng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương; hợp đồng thi công xây dựng công trình được ký từ tháng 8-2023; thời gian thực hiện hợp đồng 16 tháng, thi công hoàn thành công trình tháng 12-2024.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy kết nối các tuyến giao thông quan trọng của hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng (tuyến CT.08), tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển cho người tham gia giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng gồm đoạn qua tỉnh Ninh Bình do UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ trì thực hiện đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Dự án đoạn Nam Định - Thái Bình đầu tư theo hình thức PPP do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng sẽ mở ra không gian phát triển mới về đô thị, dịch vụ, công nghiệp, du lịch theo trục Đông - Tây...; rút ngắn thời gian cũng như quãng đường di chuyển từ khu vực phía Nam 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng và ngược lại, tiết kiệm chi phí lưu thông, đồng thời là động lực thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện phát triển cho kinh tế địa phương và khu vực.
Để dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy sớm hoàn thành, phục vụ đi lại của nhân dân, phát huy hiệu quả của dự án, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta và tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sẽ cử các cán bộ, kỹ sư có năng lực, trách nhiệm triển khai tốt công tác quản lý dự án, giám sát công trình, tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản; phối hợp với các địa phương, các chủ thể công trình công cộng trên tuyến như: điện lực, viễn thông giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Đồng thời phối hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Hưng và huyện Yên Khánh (Ninh Bình) tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nơi dự án đi qua ủng hộ chủ trương xây dựng dự án, sớm bàn giao đủ mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công. Làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành chức năng quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng. Ngay sau khi triển khai thi công, chủ đầu tư sẽ chỉ đạo nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng tập trung huy động mọi nguồn lực, vật tư, thiết bị, có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn.
Việc đầu tư dự án góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021 và quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối. Đó là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; tiếp thêm động lực thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo sức bật phát triển lâu dài đối với kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.
Theo baonamdinh.vn