Nghi thức Rước trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2023
Nỗ lực vượt khó
Sau thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, từ tháng 3-2022, các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, thiết kế các sản phẩm, tua tuyến du lịch hấp dẫn, phù hợp với các đối tượng khách và các loại hình du lịch. Năm 2022, tổng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh đạt 1,036 triệu lượt người, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 330 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, có khoảng 1,5 triệu lượt khách tới các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 452 tỷ đồng, tăng 79,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để có kết quả nêu trên, Sở đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp du lịch hoạt động đúng pháp luật; vận động xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, ứng xử văn minh du lịch. Sở phối hợp với Vụ Lữ hành (nay là Phòng Quản lý lữ hành - Cục Du lịch) khảo sát, điều tra đánh giá tài nguyên du lịch của Nam Định làm cơ sở xây dựng Bản đồ số tài nguyên du lịch Việt Nam. Xây dựng và ban hành Kế hoạch số 595/KH-SVHTTDL ngày 8-5-2023 triển khai công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế theo các quy định của Luật Du lịch, cung cấp những thông tin mới, hữu ích về du lịch; giúp các hướng dẫn viên nắm bắt được các chủ trương, chính sách mới về phát triển du lịch của đất nước, của địa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa du lịch của tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, như: Xuất bản ấn phẩm “Cẩm nang Du lịch Nam Định” và “Bản đồ Du lịch Nam Định”; tham gia gian hàng xúc tiến du lịch và trưng bày Ảnh đẹp du lịch Nam Định tại chợ Tết “Một thoáng Thành Nam”; tổ chức cuộc thi Ảnh đẹp Du lịch Nam Định; cung cấp thông tin xây dựng chuyên đề “Nam Định điểm đến đầu tư” quảng bá hình ảnh du lịch tới du khách trong và ngoài nước. Sở cũng phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh Nam Định và Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình) tổ chức chương trình khảo sát điểm đến Vườn quốc gia Xuân Thủy và một số khu, điểm du lịch, dịch vụ du lịch tại tỉnh nhằm tăng cường liên kết, hợp tác du lịch giữa các tỉnh trong cụm 6 tỉnh duyên hải phía Bắc, đặc biệt giữa 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Phối hợp Viện Phát triển du lịch châu Á truyền thông về tiềm năng, định hướng phát triển du lịch Nam Định trên ấn phẩm song ngữ “Du lịch Việt Nam - Dịch vụ và giải trí - Vietnam Travel, Services and Entertainment”. Phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền thông, công nghệ số quảng bá xúc tiến du lịch, hướng dẫn tham quan tại các sự kiện kinh tế lớn của quốc gia tổ chức tại Nam Định như: Diễn đàn quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I tại tỉnh Nam Định và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng 2023 (Techfest đồng bằng sông Hồng - 2023). Cung cấp thông tin, hình ảnh, ấn phẩm quảng bá xúc tiến du lịch tham gia trưng bày tại Triển lãm Di sản Văn hóa biển, đảo Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
Tích cực chuyển đổi số về du lịch; triển khai dự án: “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Theo đó, thông qua ứng dụng “Du lịch 360 Nam Định”, người dân và khách du lịch được cung cấp đầy đủ thông tin về các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch, đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh; thông tin hiển thị đa dạng qua văn bản, hình ảnh, video, ảnh 360o, bản đồ chỉ dẫn. Thư viện số hóa 3D sẽ giúp người dân, du khách tìm hiểu và tham khảo thông tin chính thống, được kiểm duyệt, đảm bảo độ chính xác và trực quan so với các phương thức truyền tải truyền thống, đặc biệt với khách du lịch tự do, không có thuyết minh. Ngoài ra, ứng dụng cũng hỗ trợ cho việc quảng bá thông tin du lịch nhanh chóng, hiệu quả hơn, giảm chi phí in ấn, biên soạn, chuyển phát các tài liệu du lịch.
|
Ecohost Hải Hậu tổ chức cho du khách tham quan Đền Thánh Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng (Hải Hậu). |
Hướng đi mới trong khai thác tiềm năng du lịch
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Du lịch tỉnh còn những hạn chế. Các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chất lượng dịch vụ ở mức trung bình. Các sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh như du lịch văn hóa tâm linh lễ hội, du lịch biển chịu ảnh hưởng mạnh của yếu tố mùa vụ, chủ yếu thu hút khách nội địa, thời gian lưu trú ngắn, mức chi trả thấp. Sản phẩm du lịch khai thác ở dạng tự nhiên, chưa được đầu tư nâng cao chất lượng, thiếu sức hấp dẫn, thu hút du khách.
“Điểm sáng” - hướng đi mới trong khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh là hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng bước đầu phát triển. Tại Hải Hậu, từ sau đại dịch COVID-19, khách du lịch đã tiếp tục trở lại với khu du lịch biển Thịnh Long, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ xã Hải Lý, bãi biển xã Hải Đông. Các mô hình du lịch cộng đồng, mô hình nông thôn mới và mô hình văn hóa kiểu mẫu tiêu biểu, mô hình vườn mẫu sản xuất nông nghiệp sạch tại các xã Hải Châu, Hải Bắc, Hải Đông, Hải Thanh, Hải Xuân, Hải Tân, Hải Quang, Hải An đã được hình thành. Tại nhiều địa phương hình thành các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng và mang nét đặc trưng Hải Hậu... phục vụ khách du lịch như: Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại các xã Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung; làng nghề kèn đồng tại Hải Minh; làng nghề cây cảnh nghệ thuật tại Hải Sơn, thị trấn Cồn, Hải Lý; làng nghề sản xuất bánh kẹo Đông Cường, thị trấn Yên Định. Đã hình thành các điểm du lịch gắn với văn hóa tâm linh tại các cơ sở thờ tự (đền, chùa, nhà thờ,...), nhất là tại các cơ sở đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh như: Cầu Ngói - Chùa Lương - Đền thờ Tứ Tổ, Chùa Phúc Hải, Đền Bảo Ninh, An Trạch; các nhà thờ xứ Quần Phương, Hưng Nghĩa, Xương Điền.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Quang Trung: Loại hình du lịch nông thôn với nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân thông qua việc trao quyền cho cộng đồng, tăng cường sự tham gia của họ trong việc ra quyết định, chia sẻ lợi ích kinh tế từ du lịch cho nền kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc hình thành các điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy còn góp phần tích cực trong việc khôi phục các nguồn lợi thủy sản, động thực vật đặc sản, bảo vệ phát triển rừng và môi trường bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, đại diện cho địa phương, tạo nét khác biệt với các sản phẩm du lịch khác của vùng. Tiêu biểu là các khu, điểm du lịch có sự tham gia của người dân tại các làng nghề: làng hoa cây cảnh Vị Khê, rối nước Hồng Quang (Nam Trực), Ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), làng kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu), làng nghề làm muối Bạch Long (Giao Thủy)… Hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu, Khu du lịch sinh thái núi Ngăm, Bảo tàng Đồng quê, Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đều có website riêng để cập nhật thông tin, quảng bá hình ảnh của điểm du lịch, nhiều hình thức giới thiệu sản phẩm được triển khai như bản đồ, tập gấp, tờ rơi, các trang facebook, zalo, tiktok… Các điểm du lịch cộng đồng bước đầu đã có sự liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường khách.
Để phát triển có hiệu quả du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển chương trình. Các địa phương cần rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng liên kết vùng. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khảo sát toàn diện thực trạng phát triển các mô hình du lịch nông thôn hiện có, xây dựng bản đồ du lịch với các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn, các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề sản xuất sản phẩm OCOP tiêu biểu. Tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối du lịch nông thôn, nông nghiệp; lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch, các chương trình kết nối nông sản và chương trình OCOP. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, kỹ năng về hoạt động du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn./.
Theo baonamdinh.vn