Lượt xem: 40
Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển
đoạn xã Nam Cường (Nam Trực) đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công.
Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao chi tiết đạt 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Ngân sách tỉnh cũng đã bổ sung thêm 310 tỷ đồng từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi trong các tháng đầu năm cho đầu tư xây dựng cơ bản. Tỉnh còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, huyện, thành phố tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, điểm sáng đáng kể trong giải ngân vốn đầu tư công là việc các ngành, các địa phương đã đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng, tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy các cực tăng trưởng bao gồm: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; dự án đầu tư xây dựng đường trục phía nam thành phố Nam Định…
Tuy nhiên, đến hết tháng 9-2023, số vốn giải ngân của tỉnh mới đạt 3.889 tỷ đồng, bằng 43,8% kế hoạch; trong đó giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 1.066,6 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch; giải ngân vốn ngân sách địa phương là 2.822,5 tỷ đồng, đạt 43,7% kế hoạch.
Nguyên nhân kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 chậm được xác định chủ yếu do nhóm 5 dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đã được ngân sách Trung ương bố trí tổng số vốn 1.511 tỷ đồng để triển khai thực hiện) nhưng do thông báo vốn chậm; trong khi phải triển khai nhiều thủ tục theo quy định, mất nhiều thời gian nên dù chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) và các đơn vị liên quan đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng nhưng nhóm dự án này chưa có nhiều khối lượng thi công để giải ngân vốn. Đây cũng là nhóm dự án tỉnh xác định có nguy cơ khó đảm bảo tiến độ hoàn tất giải ngân trong năm 2023. Bên cạnh đó, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công một số công trình trọng điểm còn chậm như: Giai đoạn II đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490). Thu tiền sử dụng đất năm nay gặp nhiều khó khăn, chủ yếu kết quả thu dồn vào quý IV-2023, vì vậy chưa có nguồn để bố trí giải ngân một số nhóm dự án. Một số cơ chế chính sách về đất đai, đầu tư, xây dựng... còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế tại các địa phương; trong khi công tác phối hợp của các ngành trong triển khai thủ tục dự án đầu tư xây dựng còn chậm đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư. Giá xăng dầu, một số nguyên, nhiên, vật liệu, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng và gây khó khăn trong quá trình triển khai thi công, hoàn thành các dự án đảm bảo đúng tiến độ theo hợp đồng.
Theo thông lệ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Nam Định được giao trên 8.567 tỷ đồng (trong đó Trung ương giao trên 5.463 tỷ đồng, tỉnh giao tăng 3.104 tỷ đồng), áp lực giải ngân những tháng còn lại trong năm rất lớn. Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu tháng 9 đến nay, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tại các cuộc họp đốc thúc tiến độ giải ngân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đều nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương. Tỉnh cũng chỉ đạo 3 tổ công tác của UBND tỉnh theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 14-4-2023 tiếp tục trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ, hướng dẫn các huyện, thành phố phương án xử lý, tháo gỡ đối với các nội dung vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ thu nộp ngân sách Nhà nước; lập các thủ tục để đầu tư và giải ngân vốn của các dự án đầu tư công năm 2023.
|
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong các dự án trọng điểm
đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công. |
Về phía các ngành, các địa phương đang tập trung cao độ các giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, đã chủ động rà soát, lập kế hoạch, tiến độ giải ngân chi tiết của từng dự án; tích cực thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; đề xuất điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện theo quy định. Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tích cực vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành các nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, nhất là chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thời gian tới, các sở, ngành, các huyện, thành phố, các chủ đầu tư tiếp tục tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, tiến độ thi công và đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn của các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án thuộc các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung. Thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn đầu tư công theo quy định. Việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được giao./.
Theo baonamdinh.vn