Sign In

Công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Tăng Thành

09:22 14/05/2024
Xã Tăng Thành thuộc vùng trung tâm của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Xã có diện tích tự nhiên 822,8 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 240 ha; dân số toàn xã có 7.623 người.

Xã Tăng Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tăng Thành đã phát huy tốt vai trò công tác dân vận để lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bám sát các mục tiêu, tiêu chí xây dựng NTM nâng cao của địa phương. Sau 6 năm phấn đấu, đến năm 2022 xã Tăng Thành đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc xây dựng NTM, chính quyền và Nhân dân xã Tăng Thành tiếp tục bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu với nhiều cơ hội thuận lợi cũng như khó khăn thử thách. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,74%; tỷ lệ gia đình văn hoá bình quân 5 năm qua đạt 93,6%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 62,2 triệu đồng/ người/năm 2022; tốc độ phát triển kinh tế bình quân 5 năm qua đạt 11,2%.

Xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là chủ trương đúng đắn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Với phương châm “chủ động, quyết tâm, quyết liệt”, đến nay, Tăng Thành đã đạt được những kết quả phấn khởi và đáng khích lệ trên tất cả các mặt. Diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Kinh tế tiếp tục có bước tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; nhiều công trình trọng điểm về giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... được đầu tư xây dựng đồng bộ, các mô hình kinh tế như các trang trại chăn nuôi, trồng trọt kết hợp, các vườn mẫu NTM, hệ thống nhà lưới... bước đầu đã có các sản phẩm bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm như cam, bưởi da xanh, dưa lưới... đạt tiêu chuẩn VietGap. Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, Tăng Thành gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Tăng Thành đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực tiễn tại địa phương, đa dạng hóa hình thức huy động, thu hút vốn đầu tư, huy động lồng ghép với các chương trình, đề án. Qua đó, đã phát huy hiệu quả cao hơn đối với từng nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn Nhân dân đóng góp. Tổng kinh phí huy động để xây dựng NTM nâng cao hơn 408 tỷ đồng, trong đó xã đã thu hút từ ngân sách Trung ương 43,3 tỷ đồng; ngân sách của tỉnh, huyện 87 tỷ đồng; ngân sách xã 40,5 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp và các nguồn xã hội hóa 5,7 tỷ đồng. Đặc biệt Nhân dân toàn xã đã đóng góp huy động được 236,5 tỷ đồng, chiếm 57,8%. Đến nay công trình phúc lợi đã cơ bản được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng được cơ bản nhu cầu đời sống của Nhân dân. Trong năm 2021, 2022 đã thực hiện 12 dự án và 18 công trình sửa chữa với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp trên 51 tỷ đồng, ngân sách xã 15 tỷ đồng, ngoài ra Nhân dân còn đóng góp bình quân mỗi xóm gần 1 tỷ đồng.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu xã chú trọng “Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở” và đạt kết quả nổi bật. Đến nay, 7/7 xóm có nhà văn hóa được xây dựng mới khang trang, đảm bảo khoảng 200 ghế ngồi theo mẫu thiết kế chung của xã, khuôn viên có 10 hạng mục. Năm 2023 xã tiếp tục hỗ trợ các xóm làm sân cỏ nhân tạo, mua sắm bàn ghế, Wifi, Camera an ninh và tủ sách. Tổng kinh phí cho nhóm công trình này xấp xỉ 1,5 tỷ đồng/xóm, trong đó xã hỗ trợ hơn 50%.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức huy động nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM, có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó có 04 bài học mà xã Tăng Thành coi là có tính xuyên suốt, đó là:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thật sự đồng thuận, thống nhất, đoàn kết, huy động được sức mạnh toàn hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện. Ban hành hệ thống văn bản, nghị quyết của Đảng bộ, của Hội đồng nhân dân, kế hoạch của Ủy ban nhân dân, trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp về huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM, tranh thủ mọi nguồn lực của tỉnh, của huyện, tranh thủ sự đồng thuận của Nhân dân, của con em xa quê. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Thứ hai, lựa chọn điểm nhấn trong xây dựng NTM là ưu tiên hàng đầu để làm thay đổi diện mạo từ cơ sở xóm, xác định chủ thể là người dân, người dân phải được hưởng thụ trực tiếp cả về vật chất cũng như tinh thần. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động để các tầng lớp Nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của chương trình. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, thấy được trách nhiệm và tính tự giác, tích cực đóng góp tiền, vật chất, ngày công để chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng NTM.

Thứ ba, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của cấp trên và xây dựng cơ chế chính sách của xã đảm bảo kịp thời, phù hợp và sát thực tế cho từng tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa ở các xóm, cảnh quan môi trường, hệ thống giao thông thủy lợi và các mô hình phát triển sản xuất. Phân công chỉ đạo đối với từng thành viên, phụ trách từng xóm, từng tiêu chí, có thời gian, thời điểm cụ thể, báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng cho lãnh đạo.

Thứ tư, chú trọng công tác huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM, đảm bảo nguồn lực thực hiện các tiêu chí, đồng thời đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương và yêu cầu đặt ra. Đối với nguồn ngân sách, xã tích cực thu hút vốn đầu tư của cấp trên, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời bố trí vốn đối ứng từ ngân sách xã để tập trung đầu tư xây dựng các công trình lớn, công trình trọng điểm mang tính cấp thiết. Đối với nguồn huy động đóng góp của người dân. Xác định vai trò người dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng nên việc đóng góp phải được người dân bàn bạc dân chủ; cấp ủy, chính quyền có chỉ đạo phù hợp với khả năng huy động. Đặc biệt trong huy động nguồn lực, luôn luôn nắm vững 3 yếu tố: Dân chủ - thống nhất - minh bạch./.

                                                          Nguyễn Mạnh Khôi 

                                                      Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tag:

File đính kèm