Sign In

Thực hiện quy chế dân chủ trong chuyển dịch kinh tế nhanh và hiệu quả tại xã Diễn Hồng

09:21 14/05/2024
Diễn Hồng cách trung tâm huyện Diễn Châu 12km về phía Bắc, có tổng diện tích đất tự nhiên 578,44 ha, trong đó đất nông nghiệp là 386,72 ha. Xã có hơn 3km đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam đi qua; có 9 đơn vị khối, xóm với dân số 2.381 hộ, 10.831 khẩu, hơn 5.000 lao động.

Trong đó, đồng bào theo đạo công giáo chiếm 41%, sinh hoạt trong 4 nhà thờ họ và 1 nhà thờ xứ kiêm hạt. Đảng bộ xã có 13 chi bộ trực thuộc, trong đó có 03 chi bộ nhà trường, 01 chi bộ trạm y tế, 09 chi bộ xóm, khối. Tổng số đảng viên toàn Đảng bộ trên 350 đảng viên. Diễn Hồng trở thành xã phát triển toàn diện của huyện và là xã đầu tiên đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện Diễn Châu vào cuối năm 2014 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Trong các nhiệm kỳ Đại hội, đặc biệt giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết với mục tiêu phát huy các tiềm năng lợi thế, huy động tốt các nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người, xã nông thôn mới và có mức tăng trưởng kinh tế ở tốp đầu của huyện Diễn Châu.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của đảng bộ qua các nhiệm kỳ đại hội, với phương châm “Ly nông, không ly hương”, lúc đó xã đã quy hoạch Khu Công nghiệp nhỏ Diễn Hồng 10 ha, quy hoạch vùng dân cư dọc 2 bên Quốc lộ 1A, tiến hành xét duyệt cho các hộ dân với yêu cầu nhận đất kinh doanh ở đây thì tự nguyện trả lại đất nông nghiệp, không sản xuất nông nghiệp nữa. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã tiếp tục đề nghị huyện quy hoạch và xây dựng thêm Cụm Công nghiệp nhỏ Tháp Hồng Kỷ hơn 25 ha, trong đó đất Diễn Hồng 15 ha, để phát triển công nghiệp tập trung của địa phương. Khi đã có chủ trương nghị quyết, thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa nghị quyết vào cuộc sống, biến chủ trương chính sách của Đảng thành hành động thực tiễn của các tầng lớp Nhân dân, làm thế nào để Nhân dân đồng thuận trong chuyển dịch về đất đai, chuyển dịch về ngành nghề để phát triển kinh tế là một việc không hề đơn giản. Đảng ủy xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận, đặc biệt là việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong việc “dân biết , dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cùng với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đảng ủy chọn chuyên đề: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm điểm sáng về quy chế dân chủ ở cơ sở để chỉ đạo thực hiện.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đảng ủy chỉ đạo Khối dân vận tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai mô hình “Dân vận khéo”, chỉ đạo hướng dẫn chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; hợp tác xã, các xóm, khối đăng ký xây dựng điểm sáng. Trực tiếp giao cho khối dân vận chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện điểm sáng.

Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, sau khi quy hoạch thêm cụm công nghiệp nhỏ Tháp Hồng Kỷ, đưa diện tích đất sản xuất công nghiệp của xã lên 25 ha. Đảng ủy chỉ đạo tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xác định đây là yếu tố cơ bản quan trọng để quyết định sự thành bại của quá trình chuyển dịch. Đảng ủy chỉ đạo thành lập 3 tổ công tác, gồm Tổ tài chính -  địa chính do phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phụ trách; Tổ văn hóa tuyên truyền, do phó chủ tịch Ủy ban nhân dân văn xã phụ trách; Tổ dân vận cơ sở gồm Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội xã do Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách. Các tổ được phân công nhiệm vụ cụ thể và hoạt động có hiệu quả. Nhờ vậy, với diện tích 15 ha đất nông nghiệp phải thu hối, 136 hộ dân bị ảnh hưởng (chủ yếu là bà con giáo dân), số tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 18.619 triệu đồng; xã đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch, đúng chế độ chính sách bồi thường hỗ trợ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, địa phương không phải áp dụng chính sách đặc thù gì khi thu hồi đất, không có đơn thư của công dân liên quan đến giải phóng mặt bằng, đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ. Vận động nông dân trả đất để quy hoạch phát triển công nghiệp đã là khó, vận động Nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ và phát triển ngành nghề cũng không hề dễ dàng. Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của quê hương, xã đã thực hiện phương thức vận động phát triển hình thức “nhóm hộ” để đầu tư sản xuất, hình thức nhóm hộ linh hoạt trong gia đình, họ tộc, bạn bè thân hữu, hoặc nhóm liên kết hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ. Sau khi các nhóm hộ được người dân tự nguyện hình thành, xã định hướng đầu tư và tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân về thủ tục hành chính thuận lợi như: Thuê và giao đất, thành lập doanh nghiệp, chính sách thuế, chính sách vay vốn… Hướng tuyên truyền vận động dựa vào các hộ dân có tiềm lực, có khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh đã tạo ra khí thế thi đua đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của địa phương sôi động, các diện tích đất công nghiệp được đăng ký đầu tư lấp đầy, cùng với chính sách thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc của huyện, hai cụm CNN trên địa bàn xã đã có 42 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động, trong đó có 01 doanh nghiệp may mặc Hàn Quốc đầu tư 100% vốn nước ngoài, quy mô 12 triệu USD tạo việc làm cho trên 3000 lao động; 31 doanh nghiệp và 10 cơ sở kinh doanh hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh tập trung tại cụm công nghiệp. Công nghiệp tập trung đã tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động, thu nhập bình quân trên 4 truêụ đồng/người/tháng. Các sản phẩm công nghiệp như phôi thép, thép xây dựng và hàng may mặc trở thành sản phẩm chủ lực và nổi tiếng của địa phương.

Ngoài vận động Nhân dân đầu tư vào cụm công nghiệp tập trung, thì xã còn vận động Nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đa dạng các ngành nghề và phát triển dịch vụ thương mại dưới hình thức kinh tế hộ trên địa bàn dân cư, đặc biệt là dọc tuyến QL 1A., hiện nay xã có 879 cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình, trong đó: Công nghiệp 113; xây dựng 11; vận tải 60; dịch vụ ăn uống 44; dịch vụ thương mại, sửa chữa ô tô xe máy và động cơ khác 651. Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại của xã đã tạo việc làm cho trên 3000 lao động và mạng lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.

Diễn Hồng tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không những tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của xã, mà còn chỉ đạo phát triển nông nghiệp phát triển ổn định. Đảng ủy tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất có thu nhập cao, như mô hình cánh đồng mẫu 25 ha đất lúa, cho năng suất từ 70 - 80 tạ/ha/vụ; mô hình sản xuất dưa đỏ 15 ha, cho giá trị 120 triệu/ha/2 vụ (xuân và hè thu). Đặc biệt là chỉ đạo phát triển mô hình nông trại sản xuất cá- lúa- kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện nay, toàn xã có 46 trang trại trên đất lúa với diện tích 36,8 ha. Nhờ vậy, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã giảm đi nhiều, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định, chăn nuôi gia cầm tăng gấp 2 lần năm 2015.

Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển công nghiệp và dịch vụ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, đời sống và thu nhập của người dân được nâng cao gấp 2,5 lần năm 2010, xã đã động viên Nhân dân huy động công của để xây dựng nông thôn mới.

Quá trình chỉ đạo thực hiện mô hình dân vận khéo để chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại xã Diễn Hồng có một số bài học kinh nghiệm được rút ra:

- Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong phát triển kinh tế phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham mưu, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện. Gắn việc tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phải làm cho người dân hiểu rõ chủ trương, mục đích, giải pháp thực hiện các chương trình đề án; việc chuyển dịch chuyển đổi để phát triển kinh tế là lợi ích trực tiếp và nhiệm vụ của mỗi người dân.

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy chế dân chủ ở cơ sở ngay ở địa bàn xóm, khối đến cấp xã, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phải cụ thể, chi tiết, phân công rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân. Phải công khai, minh bạch và tổ chức tốt việc thi công, giám sát đầu tư cộng đồng, tạo niềm tin cho Nhân dân.

- Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng phát triển sâu rộng, lan toả mạnh mẽ, huy động cao độ mọi nguồn lực của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải đi đầu làm gương, làm mẫu để khuyến khích Nhân dân làm theo. Đồng thời phát huy ảnh hưởng của những người có uy tín trong vận động Nhân dân.

- Công tác dân vận nhất là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết rút kinh nghiệm, duy trì, nhân rộng điển hình; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu./.

                                                     Nguyễn Mạnh Khôi 

                                              Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tag:

File đính kèm