Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Đỗ Việt Anh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể và các Hội có liên quan.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, Quyết định số 2215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh về trách nhiệm và dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện đối với tổ chức Hội và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Tổ chức Hội ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Các phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội được triển khai sâu rộng, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và những người bị phơi nhiễm. Hiện nay, Hội NNCĐDC có tổ chức hội cấp tỉnh, 8 hội cấp huyện, 141/143 hội cấp cơ sở với trên 4.900 hội viên, trong đó có trên 2.500 người là NNCĐDC.
Từ năm 2017, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo thành lập Quỹ NNCĐDC của tỉnh với số tiền trên 3,2 tỷ đồng. 100% người hoạt động kháng chiến đang hưởng trợ cấp được nhận quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh; 100% người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã trích kinh phí trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ, động viên 18 nghìn lượt NNCĐDC; hỗ trợ làm mới, sửa chữa 159 nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng; trang cấp dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc cho nhiều người bị khuyết tật nặng, hỗ trợ vay vốn ưu tiên, dạy nghề, tạo việc làm,… cho nhiều lượt NNCĐDC.
Tỉnh cũng đã thẩm định, giới thiệu Hội đồng thẩm định y khoa tỉnh giám định 851 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, đã giải quyết cho 758 người bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (trong đó có 734 người là đối tượng trực tiếp, 24 người là đối tượng gián tiếp). Hiện nay, tỉnh không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công…
Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43, từ thực tiễn Ninh Bình cũng gặp những khó khăn, bất cập, trên cơ sở đó, tỉnh đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu bổ sung một suất trợ cấp người phục vụ đối với gia đình có từ 2 con đẻ trở lên bị dị dạng, dị tật không còn khả năng tự phục vụ bản thân, có chính sách đặc thù giải quyết chế độ đối với thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; cho giám định lại đối với những trường hợp con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật (nhất là bị bệnh tâm thần) đang hưởng trợ cấp ở nhóm suy giảm khả năng lao động từ 61%-80% để nâng lên hưởng trợ cấp ở mức I (tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên), để việc chăm sóc được tốt hơn. Đề nghị nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết các trường hợp đã được hưởng chế độ chất độc hóa học trước ngày Nghị định 131/2021/NĐ-CP có hiệu lực, nay bị tạm dừng hưởng trợ cấp được giới thiệu đi khám giám định y khoa…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã trao đổi làm rõ về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chỉ thị 43; công tác trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, nhất là các chính sách của Trung ương, hỗ trợ nạn nhân; những kiến nghị, đề xuất của tỉnh…
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
phát biểu kết luận buổi làm việc.
|
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình trong triển khai thực hiện Chỉ thị 43.
Nhấn mạnh vai trò của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đồng chí yêu cầu các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bên cạnh việc củng cố tổ chức Hội cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tiếp tục tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; động viên và tạo điều kiện giúp đỡ NNCĐDC và gia đình vượt khó vươn lên. Tập trung vận động nguồn lực để tham gia chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC...
Đồng chí Đỗ Việt Anh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ
phát biểu tại buổi làm việc.
|
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Việt Anh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu của đồng chí Trưởng đoàn để báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo hoàn chỉnh báo cáo tình hình 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).
Đồng thời nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn xác định chính sách hỗ trợ NNCĐDC là một trong những chính sách quan trọng và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện có hiệu quả, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học là trách nhiệm của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đồng chí mong muốn trong thời gian tới những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Ninh Bình cũng như kiến nghị của các địa phương khác trong toàn quốc liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị số 43 sẽ tiếp tục được quan tâm, giải quyết, qua đó Đảng, Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho NNCĐDC vươn lên trong cuộc sống. Đồng chí cũng mong muốn Trung ương Hội tiếp tục quan tâm để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Đoàn công tác đã tặng tỉnh Ninh Bình 50 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh.
Đoàn công tác tặng tỉnh Ninh Bình 50 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế
cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh.
|
nguồn: Mai Lan - Trường Giang/baoninhbinh.org.vn
https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-hoi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-dioxin-viet-nam-047052.htm