Sign In

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Ninh Bình

21:19 26/11/2024
Chiều 26/11, ngay sau khi kết thúc nội dung tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 29 (lần 2). Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì phiên họp.


Quang cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội. Cùng dự có các đồng chí: Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện các bộ, ngành có liên quan.

Về phía tỉnh Ninh Bình, dự phiên họp có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đinh Văn Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành uỷ Ninh Bình; lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, huyện Hoa Lư; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh...


Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 29 (lần 2) để thẩm tra 2 nội dung quan trọng. Cụ thể: Thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của tỉnh Ninh Bình; Thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Báo cáo tại phiên họp về nội dung sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, đối với cấp huyện, nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư. Đối với cấp xã, sắp xếp 43 ĐVHC cấp xã, trong đó có 22 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 10 đơn vị liền kề và 2 đơn vị thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng 2 xã để hình thành 16 ĐVHC cấp xã mới. Như vậy, sau sắp xếp, tỉnh Ninh Bình đã giảm 1 huyện, và giảm 18 ĐVHC cấp xã.

Đồng thời, có 12 xã/34 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện sắp xếp do có các yếu tố đặc thù quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhấn mạnh, nội dung sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình phù hợp với các quy hoạch có liên quan theo quy định.

Về việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 1 ĐVHC cấp huyện và 16 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành.

Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 1 ĐVHC cấp huyện và 16 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành.

Liên quan tới các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục, đề nghị giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn; nhập các Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (cũ) để thành lập Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới); đồng thời các trạm y tế cũ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn hoặc được sắp xếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực. Riêng đối với thành phố Hoa Lư thì thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp cấp huyện có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ ở các ĐVHC cấp huyện trước sắp xếp.

Về số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, đối với cấp huyện dôi dư 60 người dự kiến bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; đối với cấp xã đôi dư 369 người, hoàn thành việc giải quyết trong 5 năm.

Tại Đề án và dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh cũng đã rà soát, thống kê và có phương án giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư trong thời hạn 3 năm.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025 như Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Thành phần hồ sơ các Đề án do Chính phủ trình đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định. Quá trình chuẩn bị Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Đề án đã được lấy ý kiến cử tri và ý kiến của HĐND ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao. Kết quả lấy ý kiến cử tri đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Hồ sơ Đề án đã được Chính phủ biểu quyết thông qua.

Về tiêu chuẩn của các ĐVHC hình thành sau sắp xếp, các ý kiến cho rằng, thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp đã đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35.

Về tiêu chuẩn về phân loại đô thị, thành phố Hoa Lư chưa được đánh giá, phân loại đô thị phù hợp với tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh theo quy định. Theo Đề án, Chính phủ và chính quyền tỉnh Ninh Bình đề nghị áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết số 50 và cam kết sẽ hoàn thành việc phân loại đô thị đối với thành phố Hoa Lư trước ngày 31/12/2024.

Trên cơ sở áp dụng quy định về phân loại đô thị có yếu tố đặc thù là khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận (điểm đ khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 1210), khu vực dự kiến thành lập thành phố Hoa Lư cơ bản có thể đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy vẫn còn 2 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu, số lượng tiêu chuẩn áp dụng yếu tố đặc thù là khá nhiều. Do đó, đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Ninh Bình có biện pháp huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư, khắc phục các tiêu chuẩn còn ở mức thấp, nâng cấp chất lượng đô thị để xứng tầm đô thị di sản và đủ khả năng đáp ứng yêu cầu là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, điểm đến thân thiện và hấp dẫn.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc không thực hiện sắp xếp đối với các xã Phú Sơn (huyện Nho Quan), Gia Xuân, Gia Phương, Gia Phong, Gia Minh (huyện Gia Viễn), Chất Bình, Hồi Ninh, Tân Thành, Kim Đông, Kim Trung (huyện Kim Sơn) là có cơ sở. Tuy nhiên, đối với xã Gia Sơn (huyện Nho Quan), xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn), các lý do mà Chính phủ nêu trong Đề án còn chung chung, chưa thật sự phù hợp với quy định của Nghị quyết số 35. Đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Ninh Bình bổ sung giải trình về lý do đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung liên quan tới thành phố Hoa Lư hình thành sau sắp xếp, tiêu chuẩn phân loại đô thị đối với thị trấn hình thành sau sắp xếp; về việc không thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.

Kết luận nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ, tán thành việc thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời cơ bản nhất trí với phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025. Hồ sơ Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, các bộ, ngành có liên quan và Chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành các nội dung về phân loại, đánh giá trình độ phát triển đô thị theo đúng nội dung cam kết.

Nhấn mạnh, tính tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đối với 50 tỉnh, thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đây là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ cũng như các địa phương và các bộ, ngành có liên quan trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo thực hiện hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sớm triển khai sơ kết việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn vừa qua; tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện theo đúng cam kết, kế hoạch đề ra...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra theo đúng quy định.

nguồn: TUẤN ANH/baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/trinh-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-quyet-dinh-sap-xep-don-vi-115159.htm

Tag:

File đính kèm