Theo kết quả đánh giá của các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức về các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) năm 2023: Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, Phú Yên đạt 73/100 điểm, tăng 24,62 điểm so với năm 2022, xếp 25/63 tỉnh, thành phố (Năm 2022 chỉ số này là 48,38 điểm, xếp vị trí 61/63); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), tỉnh Phú Yên đạt 79,66%, tăng 1,71 điểm so với năm 2022, xếp vị thứ 51/63 (năm 2022 chỉ số này là 77,95%, vị thứ 48/63); chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Phú Yên đạt 40,42/80 điểm, giảm 0,32 điểm so với năm 2022, xếp vị thứ 50/61 tỉnh, thành phố (năm 2022 chỉ số này là 40,74 điểm, xếp vị trí 47/61); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Phú Yên tăng 11 bậc, xếp 52/63, đạt 85,39%, xếp trong nhóm B, tăng 9,4 điểm so với năm 2022 (năm 2022 là 75,99%, thuộc nhóm C, vị thứ 63/63).
Từ những kết quả đánh giá trên cho thấy, CCHC năm 2023 của tỉnh so với các năm trước có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đối với chỉ số CCHC với mức tăng 9,4 điểm, Phú Yên được ghi nhận là tỉnh có mức tăng nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành. Cả 8 lĩnh vực đều bằng hoặc tăng điểm đáng kể so với năm trước, trong đó: Có 04/08 lĩnh vực có chỉ số trên 90%; có 02/08 lĩnh vực có chỉ số đạt từ 80% đến dưới 90%; chỉ còn 02/08 lĩnh vực có chỉ số dưới 80% (so với năm 2022, chỉ có 01/08 lĩnh vực có chỉ số trên 90%, có 03/08 lĩnh vực có chỉ số dưới 70%).
Cải thiện rõ nhất là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Năm 2023 là năm đầu tiên trong 5 năm gần đây, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn đạt tỷ lệ trên 95% đối với cả 03 cấp: tỉnh, huyện và xã. So với thời điểm cuối 2022, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn của cả tỉnh chỉ đạt 74,3%, nhiều sở ngành, địa phương có tỷ lệ giải quyết đúng hạn thấp như Sở Kế hoạch và Đầu tư (74%), UBND thị xã Sông Cầu (chỉ 43%) và hầu hết UBND cấp huyện đều dưới 90%. Đây là nỗ lực lớn của công tác chỉ đạo, giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức.
Bên cạnh đó, cải cách TTHC gắn kết với chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; một số nội dung cải cách mới được thí điểm phần nào mang lại hiệu quả thiết thực thể hiện qua các chỉ tiêu, điểm số đạt được, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như hoàn thiện các quy trình thủ tục phục vụ người dân. Một số kết quả nổi bật trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 73,15% (năm 2022 là 58%); Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 46% (năm 2022 chỉ 3,9% ); Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 26% (năm 2022 chỉ 9,46%).
Kết quả điều tra xã hội học nhóm đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo, quản lý cấp sở ngành, cấp huyện và cấp phòng chuyên môn thuộc sở và kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tuy còn thấp hơn mức trung bình cả nước nhưng so với năm 2022 cũng có cải thiện nhất định. Năm 2023, điểm số điều tra XHH đạt 17,45/22 điểm, tăng 1,56 điểm, tương đương 79,32%, xếp vị thứ 55/63 tỉnh, thành phố (Năm 2022, điểm số điều tra XHH đạt 15,89/22, tương đương 72,23%, xếp vị thứ 62/63 tỉnh, thành phố). Mức độ hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách tăng 2,39%; mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tăng 1,08%.
Tuy có nhiều cải thiện nhưng so sánh với chuyển biến chung của cả nước thì kết quả chỉ số CCHC của tỉnh vẫn thấp hơn so với trung bình cả nước. Cụ thể là tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn trong lĩnh vực đất đai còn nhiều đã ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ; việc chia sẻ, kết nối dữ liệu còn hạn chế.… Nguyên nhân chính là vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong chỉ đạo CCHC của ngành, đơn vị mình phụ trách; vẫn còn thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ Nhân dân.
Nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém của trong thực hiện CCHC, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác CCHC của tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cải thiện các chỉ số có liên quan đến CCHC. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời xử lý và chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm của CBCCVC trong giải quyết TTHC. Ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh chủ trì đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành thực hiện thanh tra kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC tại 04 sở, 02 địa phương. Trong tháng 5, Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện kiểm tra trực tiếp công tác chỉ đạo, lãnh đạo CCHC đối 03 huyện. Sở Nội vụ với vai trò cơ quan thường trực CCHC thường xuyên, đột xuất kiểm tra công vụ cũng như hậu kiểm việc khắc phục hạn chế trong CCHC của các cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, năm 2024, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị thông qua việc ứng dụng phần mềm điện tử vào định lượng kết quả hoạt động các cơ quan, đơn vị nhằm đánh giá, xếp loại thực chất hơn, hiệu quả, công khai và chuyên nghiệp hơn; đồng thời, ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị gắn với hiệu quả thực hiện CCHC nhà nước tỉnh Phú Yên cùng với hệ thống 20 chỉ tiêu chủ yếu gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện.
Công tác CCHC là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đòi hỏi phải chủ động thực hiện. Với đà chuyển biến tích cực, các sở ngành và các địa phương phải tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, thực sự quyết tâm đổi mới, cải thiện chất lượng, hiệu quả CCHC, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền tỉnh đối với người dân, doanh nghiệp.
Bá Vĩnh