Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp; lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tích cực từ tỉnh đến cơ sở. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã biên soạn và xuất bản 22 ấn phẩm lịch sử, trong đó: Lịch sử đảng bộ, các ban, ngành cấp huyện, thành phố: 9; cấp xã, phường, thị trấn: 13. Đang tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn 29 ấn phẩm lịch sử,trong đó: Các ban, ngành cấp tỉnh: 6; lịch sử đảng bộ, các ban, ngành cấp huyện, thành phố: 16;cấp xã, phường, thị trấn: 7. Nổi bật là:
- Đang biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, tập IV, giai đoạn 2000 - 2020, dự kiến xuất bản vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đang tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn: 06 ấn phẩm (Lịch sử lực lượng an ninh Công an tỉnh Quảng Bình (1945 - 1975); Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Bình (1989 - 2020); Lịch sử phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Quảng Bình (1961 - 2021); Tổng kết Lịch sử Công an tỉnh Quảng Bình, bảo đảm an ninh trật tự (1975 - 1986); Biên niên sự kiện lịch sử Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Quảng Bình (1989 - 2020); Biên niên sự kiện lịch sử Bộ đội biên phòng (2014-2023)).
-Cấp huyện, thành phố: Năm 2023, có 09 ấn phẩm được phát hành: Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu niên huyện Tuyên Hóa (1930 - 2020); Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành phố Đồng Hới (1930 - 2020); Đồng Hới - Di tích lịch sử, văn hóa; Lịch sử Công an nhân dân huyện Lệ Thủy (1975 - 2000); Kỷ yếu Ngành Kiểm tra Đảng huyện Lệ Thủy (1948 - 2023); Kỷ yếu Hội Cựu chiến binh huyện Lệ Thủy (1990 - 2020); Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn huyện Tuyên Hóa (1929 - 2020); Lịch sử Chính quyền huyện Tuyên Hóa tập I (1945 - 2020).
Đang tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn: 16 ấn phẩm (Lịch sử Đảng bộ huyện Bố Trạch tập IV (giai đoạn 2000 - 2020); Biên niên sự kiện lịch sử Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh (2000-2020); Lịch sử phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Thành phố Đồng Hới (giai đoạn 1929 - 2022); Lịch sử Đảng bộ Công an huyện Quảng Ninh (1945 - 2020); Biên niên Lịch sử Đảng bộ thị xã Ba Đồn (2014 - 2021); Lịch sử Đảng bộ Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Ba Đồn (1945 - 2020); Lịch sử truyền thống Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (1960 - 2020); Lịch sử ngành Tuyên giáo Minh Hóa tập I (1930 - 2020); Lịch sử ngành Tổ chức Minh Hóa tập I (1930 - 2020); Lịch sử Huyện Đoàn Minh Hóa tập I (1930 -2020); Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Minh Hóa tập I (1930 - 2020); Kỷ yếu ngành Giáo dục - Đào tào huyện Lệ Thủy (1945 - 2020); Biên niên sự kiện lịch sử Hội Cựu chiến binh huyện Quảng Ninh (1990-2020); Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu niên huyện Bố Trạch (1930 - 2020); Lịch sử Hội Cựu chiến binh huyện Tuyên Hóa (1990-2020); Lịch sử Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa (1930 - 2020)).
- Cấp xã: Năm 2023, có 13 ấn phẩm đã được xuất bản: “Lịch sử Đảng bộ phường Đồng Phú, thời kỳ 1930 - 2020” (thành phố Đồng Hới); Lịch sử Đảng bộ xã An Thủy 1930 - 2020 (huyện Lệ Thủy);Lịch sử Đảng bộ xã An Ninh 1930 - 2020 (huyện Quảng Ninh); Lịch sử Đảng bộ xã Bắc Trạch tập 2, 1975 - 2020 Lịch sử Đảng bộ xã Lâm Trạch tập 2, 1930 - 2020 (huyện Bố Trạch); Lịch sử Đảng bộ phường Quảng Phong tái bản, bổ sung chỉnh lý 1930 - 2020 (thị xã Ba Đồn); Lịch sử Đảng bộ xã Tiến Hóa tập 2, 1975 - 2020 (huyện Tuyên Hóa); Lịch sử Đảng bộ xã Hóa Phúc 1930 - 2020, xã Trung Hóa 1930-2020, xã Hóa Tiến 1930 - 2020, xã Hóa Sơn 1930 - 2020, xã Xuân Hóa 1930 - 2020, xã Hóa Hợp 1930 - 2020 (huyện Minh Hóa).
Đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn: 7 ấn phẩm (Lịch sử Đảng bộ xã Kim Thuỷ 1930 - 2015, Lịch sử Đảng bộ xã Lâm Thuỷ 1930 - 2015, Lịch sử Đảng bộ xã Ngân Thuỷ 1930 - 2015 (huyện Lệ Thủy); Lịch sử Đảng bộ xã Vạn Trạch 1930 - 2015, Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Trạch 1930 - 2020, Lịch sử Đảng bộ xã Liên Trạch 1930 - 2020, Lịch sử Đảng bộ xã Nam Trạch 1930 - 2020 (huyện Bố Trạch)).
Đến nay, số đơn vị đã hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ là 142/154 xã, phường, thị trấn (đạt 92%).
Nhìn chung các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng được xuất bản đã tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử phong trào cách mạng của địa phương, đơn vị; đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính giáo dục. Đa số các ấn phẩm đều là những công trình được tổ chức biên soạn công phu, có giá trị, được các cơ quan chuyên môn cấp trên và đông đảo bạn đọc đánh giá cao; góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, cũng là tài liệu quan trọng minh chứng, khẳng định những đóng góp to lớn của những nhân vật lịch sử, của các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần quan trọng vào việc giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng và việc xác minh, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nhà lưu niệm, nhà truyền thống của địa phương.
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong Đảng và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đó là: nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Quảng Trạch (19/6/1942 - 19/6/2023), Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức khánh thành Phòng Truyền thống Huyện ủy nhằm trưng bày, lưu giữ và giới thiệu có hệ thống các tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức cuộc thi sáng tác Infographic về cuộc đời, sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, thu hút đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh tham gia. Ban Thường vụ Thành ủy Đồng Hới tổ chức cuộc thi tìm hiểu về “Lịch sử Đảng bộ và văn hóa Đồng Hới”, với 2.007 bài dự thi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sinh sống, làm việc ở trong và ngoài thành phố. Thị ủy Ba Đồn tổ chức Hội thi “tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hoá Đảng bộ phường Ba Đồn và Đảng bộ thị xã Ba Đồn”. Các cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử xây dựng và phát triển của Đảng bộ, đồng thời nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử và văn hóa của quê hương.
Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ các cấp trong các nhà trường được chú trọng. Trường Chính trị tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả việc giảng dạy Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính. Sở Giáo dục và Đào tạo đưa bộ tài liệu Giáo dục địa phương vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn tỉnh; truyền đạt những kiến thức cơ bản, cần thiết, gần gũi về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường… giúp thế hệ trẻ tiếp cận truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đất và con người Quảng Bình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định:
- Một số cấp ủy đảng nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng.
- Nguồn kinh phí, phương tiện hoạt động cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử còn gặp khó khăn, nên một số ấn phẩm lịch sử chậm được triển khai và hoàn thành theo kế hoạch.
- Công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống được quan tâm song chưa thường xuyên, tập trung vào các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước.
Để công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo tốt hơn, cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
- Tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 143-KH/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác chính trị, tư tưởng của Đảng, thực hiện đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng trong thời kỳ mới.
- Quan tâm chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác lưu trữ tài liệu (tiến tới điện tử hóa, số hóa tư liệu lịch sử theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW); biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương các giai đoạn tiếp theo; đa dạng hóa các loại hình ấn phẩm, công trình lịch sử.
- Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản một công trình lịch sử Đảng; nâng cao hơn nữa chất lượng các ấn phẩm lịch sử.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong toàn Đảng bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với từng đối tượng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 143-KH/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Khánh Thi