Quan điểm chỉ đạo trên rất đúng đắn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực tiễn hiện nay. Phải tỉnh táo đặt mình trong các vai trò ở mỗi tổ chức mà mình đảm nhiệm ứng với mỗi nguyên tắc, cơ chế, quy định vận hành riêng là yêu cầu tiên quyết để “đúng vai và thuộc bài”.
Ý nghĩa biện chứng
Hiểu như thế nào về “đúng vai và thuộc bài”?
“Đúng vai” là mỗi cán bộ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao phó, đúng phận sự, vai trò của mình trong khi phải xử lý nhiều công việc ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau của người cán bộ được nói đến.
Điều đó cũng có nghĩa, mỗi người được giao đảm nhận nhiều “vai”, nhiều trách nhiệm khác nhau, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở vai trò nào thì phải đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở vai trò đó, không được “lấn sân”, chồng chéo, không được lạm quyền và phải làm hết chức trách, nhiệm vụ ở mỗi vai trò.
Đây là vấn đề mang tính triết học sâu sắc, bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, và trong mỗi vai trò, mối quan hệ đó yêu cầu phải “chính danh” - một học thuyết quan trọng của Nho giáo.
“Thuộc bài” là mỗi cán bộ phải nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nói chung, hiểu rõ từng nội dung công việc mình đang làm, nắm chắc phương pháp, quy trình, cách làm ở mỗi công việc mà vai trò của mình đang đảm nhận. Nếu cán bộ không “thuộc bài” thì không làm được việc, không thuyết phục được ai, thậm chí còn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
“Đúng vai” và “thuộc bài” còn có ý nghĩa biện chứng lẫn nhau. Mỗi vị trí, vai trò cán bộ đảm nhận có phương pháp, cách làm khác nhau hoặc bổ sung cho nhau.
Điều quan trọng là cán bộ đó xác định đúng vai trò, nhiệm vụ và lựa chọn đúng nội dung, phương pháp để thực hiện sao cho phù hợp, hiệu quả nhất. Đồng thời cán bộ cần xác định mỗi vai trò mình đảm nhận có một nguyên tắc tổ chức và vận hành riêng, không được nhầm lẫn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Quan điểm chỉ đạo đúng đắn, lâu dài
“Đúng vai và thuộc bài” đang gợi ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm trong thực tiễn hiện nay. Thực tế, có rất nhiều cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện rất tốt quan điểm này.
Nhiều đồng chí vừa được giao nhiệm vụ thành viên thường trực cấp ủy, vừa được giao đảm nhận chức vụ chủ chốt khối chính quyền đã thực hiện tốt vai trò của mình.
Trong vai trò cấp ủy, đồng chí tích cực cùng với tập thể cấp ủy lãnh đạo, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tập thể cấp ủy thống nhất lãnh đạo thực hiện theo quy chế làm việc của cấp ủy; đến khi thực hiện vai trò phụ trách chức danh chính quyền, đồng chí lại “nhập vai” thành công trong quá trình lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà cấp ủy đề ra bằng các công cụ mà chính sách, pháp luật cho phép thực hiện ở vai trò đó và theo nguyên tắc, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị mình.
Thế nhưng, bên cạnh nhiều đồng chí đã “đúng vai và thuộc bài” thì vẫn còn một số thực hiện chưa đúng. Kết quả kiểm tra của ủy ban kiểm tra các cấp trong thời gian qua đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm liên quan đến thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, buông lỏng, thiếu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý… Một trong những nguyên nhân quan trọng của các khuyết điểm, vi phạm này là do cán bộ chưa “đúng vai và thuộc bài”.
Trong vai trò đứng đầu cấp ủy, lẽ ra một vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể xem xét, quyết định thì phải đưa ra tập thể cấp ủy đó thảo luận, quyết định theo quy chế làm việc, nhưng lại không đưa ra cấp ủy hoặc đưa ra nhưng thực hiện không đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu thảo luận dân chủ, áp đặt ý chí của mình với vai trò thủ trưởng nên dẫn đến độc đoán, vi phạm quy chế làm việc, vấn đề được quyết định không đúng, không “chín”.
Do đó, cùng một chủ thể lãnh đạo, quản lý nhưng nếu đảm nhận nhiều “vai” thì đôi lúc rất dễ bị nhầm lẫn, dễ bị “lấn sân”, dễ rơi vào lạm quyền, sai nguyên tắc, phương pháp, quy trình thực hiện.
Trước yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hiện nay, vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng.
Do đó, phải “đúng vai và thuộc bài” mà sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt ra là quan điểm chỉ đạo có tính đúng đắn, lâu dài, nhất là khi cùng lúc người đứng đầu phải xử lý một vấn đề công việc đang đặt ra cấp thiết trong các vai trò, tổ chức khác nhau.
Thiết nghĩ, phải tỉnh táo đặt mình trong các vai trò ở mỗi tổ chức mà mình đảm nhiệm ứng với mỗi nguyên tắc, cơ chế, quy định vận hành riêng của nó là yêu cầu tiên quyết để “đúng vai và thuộc bài”.