Sign In

Quảng Ninh vững bước trên hành trình đổi mới

08:25 15/06/2024

40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quảng Ninh đã giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, liên tục đổi mới, sáng tạo, với khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường để giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá. Từ địa phương chủ yếu phải dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh (tháng 2/2023).

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Trong suốt 40 năm qua, Quảng Ninh coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; xuất phát từ thực tiễn để đổi mới tư duy, nhận thức; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Qua đó, giúp hạn chế những sai lầm có thể gặp phải, không ngừng bổ sung, hoàn thiện những khuyết thiếu, gia tăng hàm lượng khoa học, cơ sở thực tiễn trong các quyết sách của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh. Mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đánh dấu một bước tiến trong nhận thức về lý luận và hành động thực tiễn.

Từ những năm đầu đổi mới, toàn Đảng bộ tập trung nghiên cứu, phân tích, nhận thức đúng đắn những ưu điểm, hạn chế, yếu kém trên mọi lĩnh vực, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan, như tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỉ lại, thiếu ý chí quyết tâm đổi mới... Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là các mục tiêu về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Bước vào những năm đầu của thế kỷ XXI, cụ thể hóa đường lối Đại hội IX của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, từng bước phá thế “độc canh kinh tế” trong cơ cấu kinh tế của địa phương, không dựa quá nhiều vào ngành than. Tỉnh đã phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, dịch vụ khác có lợi thế cạnh tranh; đồng thời, chuyển dần trọng tâm nền kinh tế từ công nghiệp sang phát triển các ngành dịch vụ.

Năm 2011, đứng trước những cơ hội và thách thức sau hơn 20 năm đổi mới, trên cơ sở nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức, định vị lại Quảng Ninh trong tương quan với quốc gia và quốc tế. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có sự thay đổi mang tính đột phá về tư duy phát triển khi xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa; kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TP Hạ Long ngày một khang trang, đồng bộ, hiện đại.

Cụ thể hóa những định hướng này, trong hơn 10 năm qua, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện một cách bài bản với nhiều mô hình, phương thức phát triển mới. Quảng Ninh là tỉnh đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm thực hiện thành công nhiều mô hình như: Thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh; Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng chính quyền điện tử; Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và các địa phương, tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đổi mới kinh tế, Đảng ta xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt. Năm 1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII chính thức đặt ra vấn đề đổi mới Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng. Thực hiện định hướng này, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các nhiệm kỳ XI, XII, XIII, Cương lĩnh 2011, Đảng bộ tỉnh đã đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên cả 4 mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đưa công tác xây dựng Đảng tiếp tục trở thành một trong những tiêu điểm đổi mới của địa phương.

Tỉnh đã đặc biệt coi trọng việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trình độ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh; đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên; tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức, trách nhiệm tự phê bình và phê bình, chấn chỉnh tác phong, tinh thần thái độ, phục vụ nhân dân...

Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khách quan, nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và ban hành Nghị quyết số 19 để triển khai thực hiện.

Trong đó đã chủ động, mạnh dạn thí điểm một số mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế và kiểm soát quyền lực với cách làm khoa học, thận trọng, chắc chắn, coi trọng hiệu quả cuối cùng; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Trong 10 năm gần đây, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả trước các thách thức an ninh phi truyền thống; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; sâu sát nắm bắt tình hình cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; sắp xếp lại các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tầm vóc và vị thế ngày càng lớn mạnh

40 năm đổi mới cùng đất nước là quá trình thực tiễn hết sức phong phú và sinh động, mang lại nhiều bài học quý báu, đồng thời khẳng định sức vươn mạnh mẽ của Quảng Ninh. Bằng khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, liên tục đổi mới, Quảng Ninh từ một tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, với muôn vàn khó khăn, thách thức, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương trong những năm đầu đổi mới, đến nay đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, một trong những vùng động lực, phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác quốc tế.

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch Covid-19 gây ra, Quảng Ninh vẫn lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với năm 2010, gấp 58,2 lần so năm 2000 và 334,2 lần so với năm 1991, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc (chỉ sau Hà Nội, Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2020 đứng trong top 5 tỉnh, thành có số thu cao) và là một trong 18 địa phương của cả nước có điều tiết ngân sách cho quốc gia.

Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt là đường bộ, cao tốc, cảng hàng không, cảng biển quốc tế, cảng thủy nội địa những năm gần đây có bước phát triển đột phá, gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới, nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung, bài bản, khoa học, tỉnh đã xây dựng mới 3.182km đường bộ, nâng tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh lên hơn 6.000km, trong đó có 176km cao tốc, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay.

Quảng Ninh đến nay cũng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh thuộc diện cao nhất cả nước, với 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 đạt 69,46%. Đồng thời, là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất, trong đó thủ phủ Hạ Long dần trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, gắn với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. 

Các vùng miền trong tỉnh đã có sự phát triển khá cân đối. Chênh lệch vùng miền dần được thu hẹp; mức sống và chất lượng sống của nhân dân được nâng lên. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD, gấp 3,9 lần so với năm 2010, gấp 21,6 lần so với năm 2000 và 40,5 lần so với năm 1995, gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước và đứng thứ 2 toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện, nâng lên, đặc biệt là thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, năm 2023 đạt là 6,112 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh. Đảng bộ tỉnh nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ, trở thành địa phương thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 7 năm liền và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng được củng cố, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: Những thành tựu bứt phá của tỉnh Quảng Ninh trong chặng đường 40 năm đổi mới thực sự ấn tượng. Quảng Ninh giờ đây đã trở thành hình mẫu trong thực hiện công cuộc đổi mới ở địa phương; hình mẫu của việc vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn Quảng Ninh; hình mẫu của việc thực hiện nội dung đi trước thể hiện sự bứt phá về tư duy, nhất là trong quy hoạch phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kiên trì đẩy mạnh chuyển đổi từ nâu sang xanh... Đây là những bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với nhiều địa phương và cả nước trong quá trình đổi mới.

Những thành quả này sẽ tiếp thêm sức mạnh mới, động lực mới, khí thế mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh tiếp tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Thu Chung

Tag:

File đính kèm