Sign In

Đánh giá cán bộ đúng thực chất

16:49 03/06/2024

Đánh giá cán bộ là khâu "then chốt", nền tảng cho các khâu khác trong công tác cán bộ; thời gian qua tỉnh có nhiều đột phá, đổi mới phương thức đánh giá cán bộ. Các cấp ủy trong tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, cách thức đánh giá cán bộ và nêu cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện công việc này.

Cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã Thống Nhất (TP Hạ Long) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
CBCC Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã Thống Nhất (TP Hạ Long) giải quyết công việc cho người dân.

Nhiều năm qua, xã Thống Nhất (TP Hạ Long) thực hiện đánh giá, chấm điểm mức độ hoàn thành công việc hằng tháng, áp dụng đối với toàn thể CBCC xã. Việc đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện được thực hiện với các tiêu chí, mức điểm rõ ràng, cụ thể. Trong đó, cán bộ giữ chức vụ quản lý chấm điểm theo bộ tiêu chí 150 điểm; công chức không giữ chức vụ quản lý là 100 điểm. Kết quả chấm điểm tương ứng với 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.

Thực hiện quy chế này, 100% CBCC xã xây dựng kế hoạch công tác, lịch tuần, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm cá nhân trong quá trình làm việc tại cơ quan, làm cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đánh giá được tổng hợp và công bố tại phiên họp thường kỳ hằng tháng của xã; đồng thời làm căn cứ để khen thưởng, động viên cán bộ.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Phạm Văn Luyến cho biết, theo quy định của TP Hạ Long, việc đánh giá, xếp loại CBCCVC thực hiện hằng quý; tuy nhiên xã thực hiện hằng tháng. Việc này nhằm khắc phục tình trạng cào bằng trong xếp loại, thi đua khen thưởng, tạo được khí thế thi đua sôi nổi, động lực cho CBCCVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh luôn chủ động có nhiều giải pháp đổi mới, đảm bảo thực chất hơn trong công tác đánh giá cán bộ. Các cấp ủy bám sát vào các chỉ đạo của trung ương để xây dựng quy chế đánh giá cán bộ gắn với tiêu chuẩn, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức ở mỗi chức danh, nhằm đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan; chú trọng vai trò của nhân dân tham gia xây dựng và giám sát, đánh giá cán bộ. BTV ban hành quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện BTV Tỉnh ủy quản lý (năm 2014 ban hành Quy chế số 02-QC/TU, nay được thay thế bằng Quy chế số 13-QC/TW ngày 6/7/2020). Quy chế đánh giá cán bộ đều bảo đảm quy trình dân chủ, chú trọng tính khách quan, công tâm, với những tiêu chí cụ thể, lấy chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, sự đóng góp thực tế đối với địa phương, đơn vị làm thước đo đánh giá, kết hợp phản hồi từ các kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt, đẩy mạnh việc phân cấp thẩm quyền và đối tượng đánh giá, xếp loại theo hướng cấp nào, đơn vị nào quản lý, sử dụng trực tiếp cán bộ thì đánh giá, xếp loại.

Cán bộ, công chức
CBCC xã Thống Nhất (TP Hạ Long) thi đua hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Các cấp ủy đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý. BTV Tỉnh ủy đã xây dựng cơ chế nêu gương thông qua việc ban hành Quy định số 04-QĐ/TU (ngày 7/6/2017) về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với cán bộ, đảng viên gắn với cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm nêu gương; xây dựng, cụ thể hóa; Quy định số 2129-QĐ/TU (ngày 29/4/2020), Quy định số 1096-QĐ/TU (ngày 29/6/2023) về tiêu chuẩn, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức ở mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý, làm cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ. Đồng thời thường xuyên rà soát điều chỉnh tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, về cơ cấu đội ngũ cán bộ, đảm bảo phù hợp với yêu cầu về đội ngũ cán bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Cách thức kiểm điểm cũng được đổi mới, chú trọng vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm tự kiểm điểm của cán bộ, tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân tham gia đánh giá cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc kiểm điểm nhiệm vụ, công tác hằng năm, gắn với kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW (ngày 25/10/2021) của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp, lấy kết quả đánh giá của chi ủy nơi cán bộ cư trú, đánh giá của chi bộ, tập thể lãnh đạo, tập thể cấp ủy, đánh giá của người đứng đầu với cấp dưới và mức độ tín nhiệm (thông qua lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ) làm cơ sở thống nhất đánh giá cán bộ.

Các cấp ủy thực hiện nghiêm túc quy định cấp trên gợi ý kiểm điểm những nội dung trọng tâm, trọng điểm, phân công cán bộ dự, chỉ đạo, hạn chế tình trạng nể nang, né tránh trong đánh giá cán bộ của cấp dưới. Sau kiểm điểm, cán bộ, tổ chức, cơ quan xây dựng chương trình hành động, cam kết trách nhiệm, lộ trình khắc phục, sửa chữa tồn tại, hạn chế, gắn với sự phân công, giám sát, đánh giá của tập thể. Cùng với đó, chú trọng thực hiện cơ chế để phát huy sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên địa bàn.

Đổi mới, thực chất hơn trong công tác đánh giá cán bộ đã góp phần quan trọng giúp cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ; nhất là phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thu Chung

Tag:

File đính kèm