Những năm qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt chú trọng và có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Nhờ đó, các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ngày càng sôi nổi, lan tỏa rộng khắp, mang lại những bước chuyển biến rõ rệt từ cơ sở.
5 năm qua, nhờ tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Quảng Ninh đã từng bước đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững.
Đã có những nhóm mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TU được hoàn thành ngay từ những năm đầu triển khai, như: 100% địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% khu dân cư có và thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh...
Việc triển khai cũng đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW (ngày 18/5/2021) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại huyện Đầm Hà, các nội dung của Nghị quyết 11-NQ/TU đã được cụ thể hóa thành Bộ quy tắc ứng xử "Người Đầm Hà đoàn kết - sáng tạo - tự tin - thân thiện", gồm những quy định về chuẩn mực ứng xử của tổ chức, cá nhân, CBCCVC, người lao động, người dân sinh sống, học tập trên địa bàn huyện. Quán triệt 100% chi, đảng bộ trực thuộc, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của huyện rà soát, bổ sung quy định bộ quy tắc này vào nội quy của đơn vị mình, tạo thành nền nếp văn hóa công sở. Các thôn, bản, khu phố vận dụng bộ quy tắc bổ sung vào hương ước, quy ước để cộng đồng cùng thực hiện.
Đặc biệt phải kể đến các phong trào về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thành lập được nhiều mô hình CLB bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc Dao Thanh Phán, Tày, Hoa... tại địa phương của Đầm Hà. Trong đó, luôn có vai trò nòng cốt xây dựng, dẫn dắt phong trào là những cán bộ, đảng viên gương mẫu, hăng hái đi đầu.
Khắc sâu lời dạy của Bác “Văn hóa là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng”, nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bằng những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Từ tỉnh đến cấp cơ sở đều đặc biệt quan tâm và đưa yếu tố “văn hóa” vào nội dung của các nghị quyết, chương trình hành động trong mọi lĩnh vực như phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị... Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung này luôn được chú trọng, cụ thể hóa vào các mô hình, phần việc thiết thực do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đảm nhận. Nhờ đó, phong trào ngày càng tạo được sức lan tỏa sâu rộng, toàn diện, thu hút sự hưởng ứng tích cực của nhiều tầng lớp nhân dân các vùng miền.
Hết năm 2022, 95% gia đình trong toàn tỉnh đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 96% thôn, bản, khu phố trong tỉnh đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 72% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Các điều kiện về xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể, chất lượng môi trường sống... đã góp phần vào kết quả xây dựng NTM ấn tượng của Quảng Ninh. Đến nay, Quảng Ninh đã đạt 7/8 nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia cấp tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Việc chú trọng phát triển đời sống văn hóa đã và đang là động lực góp phần vào mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong thời gian tới.
Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025.
Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số tại 3 địa phương: Bình Liêu, Vân Đồn và Móng Cái. Gồm: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; Làng người Sán Chỉ (Sán Chay) thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. UBND 3 địa phương này sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của kế hoạch và tình hình, điều kiện cụ thể.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của một dân tộc thiểu số (Tày/Dao/Sán Dìu/Sán Chỉ). Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc trân quý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
|