Sign In

Ba Chẽ: Hiệu quả thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh

00:00 19/06/2023

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, môi trường văn hóa, các giá trị truyền thống của quê hương Ba Chẽ đã được phát huy, các giá trị văn hóa mới được hình thành và phát triển.

Triển khai rộng khắp

Ngay sau khi có Nghị quyết số 11, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Chẽ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 21-Ctr/HU về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm, xác định rõ thời gian hoàn thành Nghị quyết. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương trong huyện đều đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đi đôi với việc phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, xây dựng con người với những đặc trưng riêng có của Ba Chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Đảng bộ huyện đã tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ chủ chốt, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã bằng nhiều hình thức phong phú. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được những nội dung cơ bản của Nghị quyết. Các chi, Đảng bộ và các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện đều xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ-TU, lồng ghép vào triển khai, thực hiện các chỉ tiêu thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, khu phố văn hóa, văn minh...

Huyện Ba Chẽ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để các địa phương, đơn vị thực hiện việc giữ gìn và phát huy bền vững giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, xây dựng con người Ba Chẽ với các đặc trưng “Năng động-Sáng tạo-Chân thành-Hào sảng-Lành mạnh-Văn minh-Thân thiện”

Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3857/QĐ-UBND ngày 13/9/2019 phê duyệt Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao gắn với phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ”, huyện Ba Chẽ đã phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai đầu tư, xây dựng một số hạng mục chính như: Miếu thờ Bàn Vương (Miếu thờ ông tổ của người Dao); Nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao với lối kiến trúc theo mô tuýp nhà kho chứa thóc đặc trưng của người Dao. Huyện cũng tổ chức thành công 2 kỳ Lễ hội Bàn Vương và chương trình giao lưu dân ca, dân vũ của cộng đồng dân tộc Dao đã trở thành sự kiện văn hóa lớn, thu hút được đông đảo sự tham gia của người Dao về tham dự.

Phụ nữ dân tộc Dao ở thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc thêu trang phục truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Dao ở thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc thêu trang phục truyền thống.

Chuyển biến tích cực

Hiện nay, Ba Chẽ có 1 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích đã kiểm kê phân loại chưa được xếp hạng. Huyện đã thực hiện quy hoạch các di tích, danh thắng trên địa bàn, từng bước huy động từ các nguồn lực trùng tu, tôn tạo phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Đồng thời, tổ chức các lễ hội mang bản sắc riêng có trên địa bàn nhằm quảng bá hình ảnh Ba Chẽ gắn với nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của địa phương đến với du khách.

Huyện chú trọng chỉ đạo tổ chức cho học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ hai hàng tuần và các ngày lễ lớn, trình diễn trang phục dân tộc, thi gói bánh coóc mò, bánh gù, thể thao dân tộc; tổ chức phiên chợ vùng cao thu hút giáo viên, học sinh tham gia. Cơ quan chức năng của huyện lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho 4 nghệ nhân, mở được 12 lớp truyền dạy văn hoá phi vật thể, lập được 8 câu lạc bộ văn nghệ dân gian với 230 người tham gia.

Theo báo cáo của Phòng Văn hoá- Thông tin huyện, thời gian qua, nhờ được tuyên truyền, việc cưới, việc tang của các gia đình trên địa bàn huyện được tổ chức tiết kiệm. Các lễ hội đều được tổ chức đổi mới, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng luôn tôn nghiêm, trang trọng, thiết thực, phù hợp với phong tục tập quán. 

Huyện đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng tập sách “Huyện Ba Chẽ 70 năm xây dựng và phát triển”, tổ chức sáng tác về mảnh đất, con người  Ba Chẽ, tổ chức 2 kỳ thi ảnh “Vẻ đẹp mảnh đất, con người huyện Ba Chẽ” năm 2021 và 2022. Cuộc thi đã quảng bá những nét đẹp phong cảnh thiên nhiên, sự phong phú, đa dạng, độc đáo về văn hóa các dân tộc đến du khách.

Nghi lễ dựng cây nêu trong lễ hội đình Làng Dạ.
Nghi lễ dựng cây nêu trong lễ hội đình Làng Dạ.

Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng "làng văn hoá", “gia đình văn hóa” đã đi sâu vào nhận thức của tất cả các cấp, các ngành và nhân dân. Đề án “Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2019 - 2025” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của gia đình; xây dựng các hành vi ứng xử văn hóa, văn minh, tôn trọng quy định, quy ước. 100% các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đều xây dựng quy chế dân chủ. Huyện đã ban hành Quy chế văn hóa công sở, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn chấp hành nghiêm. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi tại nhà văn hóa thôn, khu nhân dịp các ngày lễ lớn, tham gia hội thi, hội diễn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện. 

Cùng với đó, Ba Chẽ đã xây dựng tài liệu giáo dục truyền thống cho học sinh các cấp, tài liệu giảng dạy của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Các trường đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh, của huyện Ba Chẽ trong các trường học; giảng dạy hiệu quả chương trình giáo dục địa phương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu các di tích danh thắng, chăm sóc nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ, thăm hỏi các gia đình có công.

Học sinh dân tộc Dao huyện Ba Chẽ tập võ Vovinam.
Học sinh dân tộc Dao huyện Ba Chẽ tập võ Vovinam trong giờ thể dục.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" huyện, từ các phong trào đã góp phần thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức cũng như hành động trong việc xây dựng con người Ba Chẽ như các cộng đồng dân cư sống có tình, có nghĩa, chung thủy, sắt son, keo sơn, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, không cam chịu đói nghèo, tự lực, tự cường vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.

Truyền thống văn hóa, gia đình, cộng đồng dân cư, tình làng nghĩa xóm được củng cố. Đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi về nếp ăn, nếp ở. Đội ngũ cán bộ, đảng viên năng động, chân thành và thân thiện, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với công việc được giao, thực hiện tốt văn hóa công sở, đạo đức công vụ, nhiệt thành với du khách. Giới tiểu thương giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, xây dựng và phát triển thương hiệu Ba Chẽ.

Ông Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Soóng cọ xã Thanh Sơn: “Vận động nhân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”

Xã Thanh Sơn hiện có 7 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Sán Chay chiếm trên 47%. Trong những năm qua, xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc dân tộc. Đặc biệt từ năm 2022, chúng tôi tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ nhất đưa vào nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Dự kiến vào ngày 23 và 24/6 tới, xã Thanh Sơn sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ hai. Bên cạnh đó, chúng tôi duy trì hoạt động Câu lạc bộ hát Soóng Cọ. Chúng tôi còn phục dựng các nghi lễ cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cấp sắc, một số nghề truyền thống, các trò chơi dân gian, trình diễn trang phục của của đồng bào dân tộc thiểu số vào dịp lễ, tết và các ngày hội của huyện.

Anh Lê Minh Đạt, Bí thư Huyện đoàn Ba Chẽ: “Thanh niên góp sức gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa dân tộc”

Để góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đưa công tác bảo tồn văn hoá huyện trở thành những việc làm thường xuyên trong đời sống, nếp sinh hoạt của mỗi đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt là tích cực tham gia, tái hiện, truyền dạy cho nhau các trò chơi dân gian, nghề thêu thổ cẩm, làm món ăn truyền thống; vận động thanh niên tham gia các lớp học nghề truyền thống như trạm bạc, thêu thổ cẩm của dân tộc Dao. Chúng tôi chỉ đạo các cơ sở Đoàn toàn huyện thường xuyên giới thiệu về phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống, các nét văn hóa đặc sắc thông qua các buổi sinh hoạt đoàn giúp đoàn viên, thanh niên hiểu sâu hơn về nguồn cội cũng như các nét văn hóa của dân tộc mình.

Ông Triệu A Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc: “Từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu”

Xã Đồn Đạc có trên 72,8% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, do đó việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được xã chúng tôi đặc biệt quan tâm, chú trọng. Hàng năm, chúng tôi quan tâm tuyên truyền người dân từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, trong dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân hàng năm, các thôn trên địa bàn xã đều triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, 100% các thôn trên địa bàn xã Đồn Đạc đã xây dựng được hương ước quy ước và đã gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tính tự quản trong cộng đồng và giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Anh Lý Quang Cường, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn: “Tổ chức nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá...”

Từ nhiều năm nay, người dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ nói chung và người Dao chúng tôi nói riêng được các cấp lãnh đạo rất quan tâm đến đời sống và phát huy bản sắc dân tộc. Hàng năm, huyện quan tâm tổ chức lễ hội nhiều lễ lớn như: Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà tại xã Nam Sơn và nhiều lễ hội khác đều mang đậm bản sắc dân tộc. Huyện cũng đã xây dựng Miếu Bàn Vương và Nhà truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải. Từ sự quan tâm của huyện, người dân chúng tôi được tạo điều kiện để phát huy nhiều phong tục một thời tưởng như bị mai một, như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày…Trong các lễ hội, thường có nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc. Thông qua những hoạt động này người dân chúng tôi được hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và tự thấy bản thân mình phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy chúng.

Phạm Học - Thùy Loan (CTV)

Tag:

File đính kèm