Sign In

Thanh niên Thái Bình sáng tạo, khởi nghiệp

14:16 15/10/2024
Phong trào “Thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp” là một trong những điểm nhấn của Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh thời gian qua. Với nhiều nội dung, hoạt động thiết thực, tổ chức hội đã phát huy vai trò “cầu nối”, giúp ý tưởng sáng tạo của thanh niên được hiện thực hóa, khơi dậy trong mỗi thanh niên tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm.

Xưởng may của anh Nguyễn Văn Tứ tại xã Nam Hồng (Tiền Hải) tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên địa phương.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Nguyễn Văn Tứ, xã Nam Trung (Tiền Hải) đã suy nghĩ sau này phải tìm một nghề gì làm ngay tại quê hương, trước hết để giúp mình ổn định cuộc sống, sau đó tạo việc làm cho người dân. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Thái Bình, anh xin vừa làm vừa học nghề, dành dụm vốn. Năm 2017, anh mở một xưởng may đồng phục nhỏ tại thành phố Thái Bình. Sự kiên trì cùng với chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, những đơn hàng của xưởng ngày càng nhiều. Năm 2019, nhận thấy lực lượng lao động tại các xã của huyện Tiền Hải dồi dào, anh quyết định về xã Nam Hồng thuê mặt bằng để mở công ty chuyên thiết kế, may, in, thêu đồng phục, quà tặng cho các doanh nghiệp, trường học, nhà thờ, các đại lý. Mỗi tháng Công ty sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 60 công nhân với thu nhập bình quân 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Hiện anh Tứ là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế giỏi huyện Tiền Hải.

Chị Trần Thị Hường làm việc tại Công ty của anh Tứ cho biết: Tôi làm tại xưởng may, nghề may tuy đòi hỏi tỉ mỉ nhưng công việc nhẹ nhàng, làm việc trong nhà nên không quá vất vả, thu nhập cũng bảo đảm.

Anh Tứ chia sẻ: Khó khăn của thanh niên khởi nghiệp là thiếu vốn, kinh nghiệm, mặt bằng, thiếu nền tảng kiến thức tổng quát, thiếu hiểu biết pháp luật liên quan đến kinh doanh. Tuy vậy, tôi cũng như nhiều thanh niên khác quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Dự định tôi sẽ mở rộng quy mô, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Xưởng may của anh Nguyễn Văn Tứ tại xã Nam Hồng (Tiền Hải) tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên địa phương. 

Trải qua 5 năm đi làm tại các công ty, nhận thấy nhu cầu về nhà ở, vật liệu xây dựng tại Thái Bình ngày càng tăng, anh Phạm Văn Nam, thôn Dũng Thượng, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) nhen nhóm ý tưởng trở về quê thành lập công ty riêng chuyên về lĩnh vực này. Mạnh dạn từ bỏ công việc ổn định với mức thu nhập khá tại thành phố lớn, anh khảo sát thị trường, nắm thị hiếu người tiêu dùng và các yếu tố cạnh tranh. Năm 2015, công ty kinh doanh vật liệu xây dựng và vận tải do anh Nam làm chủ được thành lập. Anh cho biết: Mỗi tháng Công ty bán được 8.000 - 10.000 tấn xi măng, hơn 6 triệu viên gạch và hàng nghìn tấn sắt, thép, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với thu nhập bình quân 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của Công ty khoảng 90 tỷ đồng/năm. Từ thành công bước đầu, tôi xây dựng thêm xưởng để tiếp tục những dự định còn ấp ủ.

Khởi nghiệp đang có sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ đoàn viên, thanh niên tham gia. Những tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm như anh Tứ, anh Nam đang trở thành động lực để ngày càng nhiều bạn trẻ mạnh dạn dấn thân, đương đầu với thử thách, mở ra cơ hội phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương. 

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: Trên quy mô cấp tỉnh, Thái Bình hiện có 1 câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp, 1 câu lạc bộ Lương Định Của. Toàn tỉnh có 8 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 92 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp xã cùng hơn 700 mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu. Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, các cấp bộ đoàn, hội đã tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho cán bộ đoàn, hội và thanh niên; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp; kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư, phát huy vai trò của mô hình phát triển kinh tế tập thể; tổ chức các diễn đàn, chương trình kết nối các doanh nhân thành đạt tham gia trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp thành công, tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Đặc biệt, là tổ chức thành viên của Hội LHTN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ Thái Bình đã tích cực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế bằng các chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tọa đàm về giải pháp khởi nghiệp từ việc phát huy thế mạnh địa phương cho thanh niên, tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo khả thi để tư vấn hỗ trợ, huy động nguồn lực hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, kết nối các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư khởi nghiệp để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên.

Thời gian tới, các cấp bộ đoàn, hội tiếp tục rà soát mô hình phát triển kinh tế, đánh giá đúng thực trạng mô hình để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền để tham mưu, tạo các điều kiện thuận lợi giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng trong thanh niên.


Tác giả: Theo Baothaibinh.com.vn

Tag:

File đính kèm