Sign In

Giải pháp thực hiện công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

00:00 07/05/2024
Thời gian qua, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự tập trung thực hiện của ngành chuyên môn, việc triển khai Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả.

Toàn tỉnh hiện có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 trường đại học, 03 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp chuyên nghiệp, 02 trường trung cấp nghề, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 02 trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, 09 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trong đó, có 06 doanh nghiệp).

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong công tác đổi mới giáo dục và đào tạo.

Các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phối hợp với các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Người lao động nhận thức được vai trò của việc học nghề để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, nên tham gia học tập nghề phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển trong khuôn khổ pháp luật, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng cường công tác hậu kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư; cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo từng bước đổi mới, hoàn thiện. Mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng mở rộng, đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo. Chương trình, nội dung đào tạo từng bước đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.

Công tác hợp tác, hội nhập quốc tế trong đào tạo được chủ động, đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển giáo dục và đào tạo.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhà giáo, học sinh, sinh viên và Nhân dân đối với giáo dục nghề nghiệp nói chung, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng.

Hai là, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và đạt chuẩn theo quy định. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng đa dạng, linh hoạt, gắn với quy hoạch của các ngành, khu công nghiệp, tăng cường mời gọi xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần tăng quy mô, số lượng lao động qua đào tạo; đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Ba là, thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tiếp tục đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Bốn là, tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp với nhiều hình thức như: tổ chức các ngày Hội tư vấn tại các khu vực trong tỉnh; phát tờ rơi ở các Hội nghị tuyển sinh lớp 6, lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo; qua các đoàn thể; tuyên truyền về gương vượt khó, học giỏi, mô hình khởi nghiệp,... Thông tin thị trường lao động, đưa thông tin các chính sách về giáo dục nghề nghiệp trên trang thông tin điện tử của các trường, Đài Phát thanh - Truyền hình, các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Viber, Zalo,...).

Năm là, rà soát điều kiện của các trường cao đẳng để đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa vào danh mục trường cao đẳng chất lượng cao nhằm tranh thủ vốn đầu tư của Trung ương và áp dụng các chương trình nước ngoài đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển giao.

Sáu là, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Tăng cường kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các chương trình đào tạo. Đào tạo chất lượng cao theo các chương trình nước ngoài. Đảm bảo hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực của địa phương và xã hội.

Bảy là, đẩy mạnh việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học, đáp ứng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tám là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp vào các hoạt động, thực hiện tự kiểm định và xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chuẩn kiểm định quốc gia.

Chín là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi chương trình đào tạo, phối hợp đánh giá chất lượng đào tạo và phát triển thị trường lao động; triển khai nhân rộng đào tạo nguồn nhân lực theo chương trình chất lượng cao do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cung cấp; phối hợp với doanh nghiệp đưa người học đến thực tập và sử dụng các lao động sau khi tốt nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động học nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cuối cùng, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội đối với công tác đào tạo nghề nghiệp; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá gắn với biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Minh Minh

Tag:

File đính kèm