Sign In

Tiền Giang: Kết quả 1 năm triển khai thực hiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

00:00 30/05/2024
Ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Xác định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW và đạt một số kết quả quan trọng. Cụ thể:

*Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Các quy định về bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm. Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Phát huy quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân ở cơ sở trong việc bàn bạc, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng.

Tổ chức gặp gỡ Nhân dân để lãnh đạo trực tiếp lắng nghe các ý kiến của Nhân dân tại cơ sở về những vấn đề Nhân dân quan tâm. Từ đó, giải quyết hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh phù hợp với phản ánh, kiến nghị của Nhân dân. Nhất là việc lấy ý kiến góp ý của Nhân dân đối với những vấn đề quan trọng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính, xây dựng chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Việc giám sát của các đơn vị chuyên môn về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại địa phương. Đồng thời, quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong Nhân dân, kịp thời giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống Nhân dân.

*Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật

Để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy phạm pháp luật.

Từ ngày 09/11/2022 đến ngày 09/3/2024, có 30 Nghị quyết quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, 53 Quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Cấp huyện có 38 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành (01 Nghị quyết, 37 Quyết định). Cấp xã có 5 Quyết định quy phạm pháp luật được ban hành.

*Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương. Các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc đại biểu đã nắm được thông tin đã trao đổi, phản hồi trực tiếp đến cử tri tại buổi tiếp xúc. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết, đại biểu đã ghi nhận đảm bảo đầy đủ, chính xác chuyển đến cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết và phản hồi lại cử tri tại lần tiếp xúc sau. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, thẩm tra các ý kiến, kiến nghị của cử tri khi chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng để đề xuất hướng xử lý phù hợp.

*Đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương

Để tổ chức bộ máy chính quyền địa phương được kiện toàn, đảm bảo số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng quy định, tỉnh Tiền Giang thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 21/3/2018 về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến nay, đã hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn. Kết quả cấp tỉnh có 1 cơ quan giúp việc cho Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; 17 cơ quan chuyên môn và 1 tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; 3 Ban Quản lý dự án. Cấp huyện có 11 phòng chuyên môn, sắp xếp 11 Ban Quản lý dự án cấp huyện (hợp nhất với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện). Qua đó, đã giảm 123 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, tỷ lệ 16,67%; giảm 259 biên chế công chức, tỷ lệ 11,4%; giảm 3.164 người làm việc, tỷ lệ 11,6% so với năm 2015.

*Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính

Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp được lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, tuyển chọn, đào tạo, phân công nhiệm vụ, quy hoạch, bổ nhiệm và điều động phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện, tiêu chuẩn và quy định. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật được quan tâm trang bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Hoạt động tư pháp chất lượng được nâng lên. Các vụ án, vụ việc được xử lý kịp thời, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó có các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án được tăng cường thu hồi. Theo tinh thần cải cách tư pháp, nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm được chú trọng tổ chức. Các vụ án, vụ việc trọng điểm được các cơ quan tư pháp xác định và thường xuyên tập trung điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, nhằm phục vụ tốt yêu cầu chính trị của địa phương.

*Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Để thực hiện tốt các quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỉnh Tiền Giang đã cụ thể hóa các quy định này bằng các văn bản. Hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với một số cấp ủy, cơ quan. Kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành để có biện pháp điều chỉnh, khắc phục phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chương trình số 36-CTr/TU ngày 31/3/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", đảm bảo mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì Nhân dân. Phát huy quyền làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của Nhân dân trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại địa phương. Quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, đề cao đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện dân chủ cực đoan, hình thức. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Kim Truyện

Tag:

File đính kèm