Ảnh minh họa: Tất Thắng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra những giá trị tốt đẹp ẩn chứa trong tôn giáo, đặc biệt ca ngợi mặt tích cực của các tôn giáo là “đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”, hướng con người tới điều thiện và tìm đường giải phóng con người khỏi những khổ đau trong cuộc sống. Từ thực tế tôn giáo gắn bó, đồng hành với người dân ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận tôn giáo như một thành tố của văn hóa, các công trình, nghi thức tâm linh lành mạnh của các tôn giáo như những sản phẩm văn hóa nên hết sức trân trọng và chú ý gìn giữ, bảo tồn. Xuất phát từ nhận thức niềm tin tôn giáo là quyền của mỗi con người, quyền ấy cần phải tôn trọng, Người thực sự là một tấm gương về tinh thần khoan dung văn hóa khi nhận ra những giá trị vĩnh hằng của tôn giáo, coi tôn giáo là một thành tố của văn hóa dân tộc và hoàn toàn tôn trọng niềm tin tôn giáo của Nhân dân.
Từ nhận thức về tôn giáo, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương - giáo như sau:
Một là, Hồ Chí Minh tìm ra điểm tương đồng giữa tôn giáo và lý tưởng cách mạng. Mục tiêu của Đức Chúa, Đức Phật cũng như mục tiêu của những người cộng sản là giải phóng con người, làm cho con người được hạnh phúc. Muốn đạt mục đích đó thì phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Người theo tôn giáo cũng là công dân Việt Nam, phải cùng đồng bào, chiến sĩ làm cách mạng và cách mạng thành công thì đồng bào lương - giáo đều được hưởng thành quả của tự do, độc lập. “Dân tộc có giải phóng thì tôn giáo mới giải phóng được. Lúc này chỉ có quốc gia và không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc” (1)
Tôn giáo không chỉ đồng hành trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn đồng hành cùng Nhân dân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc đổi mới đất nước. Bản thân các tôn giáo đều hướng tới một xã hội do Nhân dân lao động làm chủ, một xã hội bình đẳng, không có người bóc lột người, xã hội ấy phù hợp với chốn “Tây phương cực lạc” hay “cõi Niết bàn”, “nước Chúa ngàn năm”. Trả lời câu hỏi mà nhiều người theo các tôn giáo trăn trở: chế độ xã hội chủ nghĩa có chấp nhận sự tồn tại của tôn giáo hay không? Người khẳng định với các cử tri Hà Nội ngày 10/5/1958: “Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy…”(2). Khi tuyên truyền, vận động đồng bào theo các tôn giáo, Người luôn gắn nhiệm vụ của người cách mạng với lý tưởng của những người sáng lập ra các tôn giáo và động viên các chức sắc tôn giáo tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng.
Thứ hai, là nguyên thủ của nhà nước cách mạng mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định quyền tự do tín ngưỡng. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Người đã đề nghị “Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”(3). Tinh thần đó được Hiến pháp 1946 khẳng định: Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Kế thừa tư tưởng đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật sau này đều khẳng định tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Đoàn kết tôn giáo trước hết là đoàn kết giữa các tôn giáo. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, trong đó 02 tôn giáo lớn nhất là Phật giáo và Công giáo. Tín đồ theo các tôn giáo đều là công dân Việt Nam, có lòng yêu nước, đoàn kết để cùng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Không chỉ vậy, đoàn kết tôn giáo còn là đoàn kết những người có tôn giáo và không theo tôn giáo. Trong Thư gửi đồng bào Công giáo toàn quốc nhân dịp Lễ Đức Chúa giáng sinh, ngày 25/12/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong khi bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tìm mọi cách chia rẽ lương - giáo, hòng cướp nước ta, thì việc đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo để cứu nước, cứu dân là vô cùng cần thiết”(4). Theo Người, công dân Việt Nam đồng thời là tín đồ chân chính, yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch. Trước năm 1945, Người đã tố cáo sự cấu kết giữa giai cấp tư sản chính quốc với đội ngũ giáo sĩ khi họ biến tôn giáo thành công cụ xâm lược Việt Nam. Người nghiêm khắc chỉ ra những thế lực lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng. Sau này, trong nhiều bài báo, bài viết, Người luôn khẳng định chủ trương đoàn kết giữa các tôn giáo, tránh việc lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền tà đạo, gây mất đoàn kết dân tộc.
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng bào theo các tôn giáo khác nhau cũng như không theo tôn giáo luôn đoàn kết một lòng, chung sức bảo vệ và xây dựng đất nước như lời Người căn dặn.
Nguyễn Nhung
- Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXBCTQG ST, Hà Nội, 2016, tập 3, tr 10
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 11, tr 405
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 4, tr 8
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 7, tr 522