Sign In

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền

09:18 27/04/2023
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt 24 năm ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là lo làm sao cho xứng đáng “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là một việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc, năm 1951 (Ảnh tư liệu)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền gồm những nội dung cơ bản sau:

Một là, quan niệm của Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền

Phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là tổng thể cách thức, hình thức, phương pháp, quy trình, lề lối làm việc… mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi mục đích, lý tưởng của đảng cầm quyền. Theo Hồ Chí Minh Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo cách mạng trong điều kiện Đảng đã giành được quyền lực Nhà nước và trực tiếp lãnh đạo bộ máy Nhà nước, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền” có nghĩa là Người khẳng định bước ngoặt vĩ đại đánh dấu sự chuyển biến về chất trong vị thế của Đảng từ chưa có chính quyền trở thành có chính quyền. Đồng thời, là bước ngoặt trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và xác định trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”[1]. Mục đích phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Đảng được kết tinh hiện thân ở cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân” [2]và thực tế suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, và trước lúc đi xa, Người vẫn “tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[3]. Phấn đấu, hy sinh vì độc lập thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân là “ham muốn tột bậc” của Người. Khi còn “phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo... bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[4]. Mục đích thiêng liêng, cao cả đầy tính nhân văn ấy của Hồ Chí Minh được thể hiện trong Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng. “Tất cả đường lối, phương chia châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”[5], điều đó còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Mọi hoạt động của Đảng đều hướng vào phục vụ Nhân dân, phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”[6]. Và, “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”[7]. Mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng sản, xét tới cùng, và thực chất không có gì khác hơn là giác ngộ Nhân dân, tổ chức, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn - cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người. Nhằm xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

Hai là, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là quyết định vấn đề cho đúng

Thứ nhất: Đảng cầm quyền phải xây dựng Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn. Đường lối chính trị đúng đắn là một vấn đề cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự tồn tại tồn tại và phát triển của Đảng. Có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn mới làm cho nhân dân giác ngộ về mục tiêu đấu tranh, mới hiểu rõ tình hình cách mạng và mới ý thức rõ được những việc nên làm. Vì thế, việc xây dựng Cương lĩnh, đường lối chính trị trở thành một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng của Đảng ta. Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị của mình chủ yếu bằng việc đề ra Cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng. Nếu Cương lĩnh, đường lối chính trị không đúng đắn sẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất của Đảng đối với toàn xã hội, với vận mệnh của Tổ quốc và sinh mạng chính trị của hàng triệu đảng viên cũng như toàn thể dân tộc. Có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn làm cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trở thành hành động tự giác. Ngược lại, Cương lĩnh, đường lối chính trị không đúng đắn thì phong trào quần chúng không thoát ra khỏi phong trào tự phát. Những cuộc đấu tranh tự phát của quần chúng nhân dân thường không có mục đích rõ ràng, kế hoạch đầy đủ, tổ chức chắc chắn, dẫn đến tập hợp lực lượng rời rạc, địa phương này phong trào lên cao nhưng địa phương khác lại thoái trào và cuối cùng bị thất bại. Thực tiễn kinh nghiệm phong trào cộng sản, công nhân thế giới và trong nước đã minh chứng điều đó. Hồ Chí Minh với nhiều năm trên cương vị vừa là lãnh tụ của Đảng vừa là người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, luôn coi trọng xây dựng Cương lĩnh, đường lối chính trị, Người chỉ rõ: “phải có đường lối cách mạng đúng, có đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đúng. Đường lối ấy chỉ có thể là đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc”[8]. Theo Hồ Chí Minh, Đảng muốn xây dựng đường lối chính trị đúng đắn phải dựa trên lý luận chủ nghĩa Mác Lênin và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ cách mạng. Để sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đó là “gốc”, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Việc vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác Lênin vào xây dựng Cương lĩnh, đường lối chính trị, đồng thời, cần phải kết hợp hài hòa với việc tiếp thu kinh nghiệm của đảng cộng sản anh em trên thế giới. Trong quá trình vận dụng, kế thừa, tiếp thu “kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta”[9]. Chủ nghĩa Mác - Lênin mà Hồ Chí Minh lưu ý trong quá trình lãnh đạo của đảng cầm quyền khi vận dụng phải sáng tạo, không được phép giáo điều, nếu biến chủ nghĩa Mác - Lênin thành công thức cứng nhắc, thì Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng chỉ là sự sao chép, rập khuôn, không chứa đựng khả năng thực thi trong thực tế cuộc sống. Xây dựng Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn theo Hồ Chí Minh còn phải tính đến những điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế phát triển của thời đại trong từng giai đoạn hoặc cả một thời kỳ dài. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”[10], đặc biệt, khi nghiên cứu, học tập lý luận Mác - Lênin phải coi trọng gắn với tình hình thực tiễn của đất nước. Bởi vì, thực tiễn của cách mạng, trong từng thời kỳ trở thành căn cứ cực kỳ quan trọng để Đảng ta hoạch định Cương lĩnh, đường lối, chủ trương. Chính những vấn đề thực tiễn đến lượt nó lại bổ sung cho những vấn đề lý luận Mác - Lênin. “Lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”[11]. Sinh thời, Người luôn chú ý, quan tâm, trong khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin cần chú ý phải bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm lý luận đó bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng nước ta. Hồ Chí Minh cho rằng: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[12].

Thứ hai: Quyết định vấn đề cho đúng đắn, đảng cầm quyền phải có phương pháp, cách thức lãnh đạo. Đảng cầm quyền khi đã có Cương lĩnh, đường lối đúng đắn thì Đảng còn phải có kinh nghiệm. Đồng thời, kết hợp với kinh nghiệm của quần chúng Nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo phải biết lắng nghe, biết gom góp, so sánh ý kiến của quần chúng, ý kiến của “những người không quan trọng”, để làm người hướng dẫn, lãnh đạo Nhân dân. Theo Người trước hết phải học hỏi Nhân dân, phải là học trò của Nhân dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của V.I.Lênin cho rằng: Nhân dân có thể giải quyết nhiều vấn đề phức tạp mà một đảng ưu tú cũng chưa giải quyết được, để làm lãnh tụ, làm thầy quần chúng, V.I.Lênin đòi hỏi người cộng sản phải biết khiêm tốn học hỏi quần chúng. Còn Hồ Chí Minh quan niệm: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[13]. Tổ chức đảng, đảng viên không phải là “bách khoa toàn thư” nên khi tìm kiếm Cương lĩnh, đường lối, quyết định vấn đề luôn luôn phải hỏi, xem xét ý kiến của dân. Trong lãnh đạo Hồ Chí Minh đòi hỏi phải thực hiện “liên hiệp người lãnh đạo với quần chúng”, lãnh đạo không phải ngồi trong phòng kín để viết khẩu hiệu, chỉ thị, suy nghĩ từ đầu óc, ý muốn chủ quan của mình rồi buộc vào cổ dân mà phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, so sánh phân tích, sắp đặt thành hệ thống rồi giải thích cho dân chúng, đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt. Ngoài ra, lãnh đạo cần phải “liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng”. Tinh thần cơ bản là người lãnh đạo phải nắm Cương lĩnh, đường lối, phương hướng chung để chỉ đạo cụ thể và cũng thông qua chỉ đạo cụ thể mà kiểm tra Cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng hay sai. Hồ Chí Minh còn nêu ra cách lãnh đạo từ dưới lên mà không phải từ trên dội xuống, không chỉ trên nhìn thấy vấn đề mà ở dưới cũng nhìn rõ vấn đề. Có thể trên nhìn thấy rộng, nhìn thấy dài, nhưng dưới thì nhìn thấy cụ thể, thấy sâu sắc, là nơi trực tiếp, tiếp xúc với mọi hoạt động của thực tiễn cuộc sống. Người nói: “Dân chúng là người chịu sự lãnh đạo của ta”, cho nên, muốn quyết định vấn đề cho đúng không chỉ cần lý luận, kinh nghiệm chung mà phải kết hợp kinh nghiệm của địa phương, đơn vị, phải chịu sự kiểm soát của dân chúng. Để quyết định vấn đề cho đúng, Hồ Chí Minh còn chỉ ra phải “tìm việc chính, việc gấp thì làm trước”. Trong cả nước, một địa phương, một cơ quan, đơn vị lúc này thì vấn đề này nổi lên, lúc khác thì vấn đề khác nổi lên cần phải tìm ra và phải quyết định, khi đã quyết định thì phải thực hành triệt để. Phương pháp ra quyết định lãnh đạo cần phải chống rập khuôn, máy móc, giáo điều. Đây là một trong những nguyên tắc lãnh đạo: Chớ khư khư theo sáo cũ, luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ. Để quyết định vấn đề cho đúng, Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, phải “nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc”, thực hiện một chủ trương gì dù thành công hay thất bại cũng tổ chức rút kinh nghiệm, phải tìm ra nguyên nhân vì sao thắng lợi, vì sao thất bại, rút ra bài học, đó là “chìa khóa” cho việc giải quyết thành công các vấn đề.

Ba là, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là phải tổ chức thi hành cho đúng

Hồ Chí Minh cho rằng khi có Cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi, song từ nguồn gốc đến thắng lợi thực sự còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Do đó, lãnh đạo còn phải “tổ chức thi hành cho đúng”. Trong quan niệm của Người, lý luận có “sức mạnh định hướng”. Xuất phát từ thực tiễn, bằng phương pháp luận khoa học với những phương thức lãnh đạo đúng, Đảng ta và Hồ Chí Minh xác định được “đường đi”, “phương hướng” của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1945-1954 là: Kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới, để tiến lên chủ nghĩa xã hội. “Phương hướng đã định, ta nhằm vào phương hướng ấy mà đi, thế nào ta cũng đi tới đích”[14]. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào? Là bằng mọi cách để ai đi nhầm đường thì chúng ta giúp họ đi vào con đường chính... Thấy người khác đi xiên, đi sai, ta ra sức giúp họ đi theo đường thẳng, đường đúng. Đảng cầm quyền theo Hồ Chí Minh trong lãnh đạo phải có kế hoạch. Đối với công việc “phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Yêu cầu kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thể thực hiện được. Có những kế hoạch lớn như sau khi thắng lợi, Đảng phải có kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa, kế hoạch phát triển 5 năm, 3 năm, hàng năm. Trung ương họp bàn thông qua, và có những kế hoạch cụ thể để thực hiện từng việc. Kế hoạch không được nhiều việc quá, chỉ tiêu không cao quá và không sao chép lẫn nhau, có như vậy mới thiết thực, không chủ quan. Có Cương lĩnh, đường lối, có kế hoạch, lãnh đạo cần phải truyền đạt tới mọi đảng viên và biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của quần chúng. Sau khi có nghị quyết, chúng ta cần phải tổ chức việc phổ biến nghị quyết trong Đảng, rồi phổ biến những điểm cần thiết trong Nhân dân “Chúng ta phải kiên quyết thuyết phục để tranh thủ sự đồng tình nhất trí của nhân dân với nghị quyết của Đảng ta”[15]. Theo đó trong Đảng phải phổ biến toàn bộ nghị quyết, còn trong Nhân dân thì chỉ đạo của Người là “phổ biến những điểm cần thiết”. Về hình thức phổ biến thì tùy điều kiện để vận dụng nhưng cũng có thể “khai hội giải thích”, “truyền đơn”, “khẩu hiệu”, “ca kịch”, ... Khi phổ biến nghị quyết của Đảng, phải để đảng viên, quần chúng thảo luận, tranh luận, không để tình trạng chỉ thị của Trung ương, cán bộ chỉ đưa ra giảng như thầy giáo giảng bài, công nhân chỉ ngồi nghe, ít đi sâu thảo luận. Phổ biến nghị quyết của Đảng trong Nhân dân phải nâng cao tính thuyết phục, giải thích, tránh gò ép, mệnh lệnh, cưỡng bức. Thuyết phục quần chúng bằng lý lẽ nhưng quan trọng hơn là nêu gương. Từ đặc điểm nước ta là một nước mà “một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền” cho nên Người yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên phải gương mẫu, đảng viên phải đi trước để “làng nước theo sau”, đảng viên nói thì phải làm. Đề ra chính sách, vạch ra kế hoạch, đảng viên phải thi hành trước, phải thi hành đúng. Việc tuyên truyền giải thích phải làm nhiều lần, đơn giản, thiết thực, nghe rồi làm được. Tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác bắt chước.

Bốn là, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền phải thực hiện tốt mối liên hệ mật thiết với nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân

Nguyên lý này được quy định bởi vai trò và sức mạnh của chính Nhân dân. Trong chiều sâu tư tưởng Hồ Chí Minh, dân là gốc của nước, là nguồn sức mạnh, là lực lượng to lớn của Đảng, của cách mạng. Trí tuệ và năng lực sáng tạo của Đảng đều bắt nguồn từ quần chúng Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”[16]. Những quan niệm đó càng làm sâu sắc tình cảm của Hồ Chí Minh đối với Nhân dân, đối với dân tộc, trở thành tư tưởng nền tảng chỉ đạo mọi hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng. Theo Hồ Chí Minh mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân được thể hiện: Mọi hoạt động của Đảng đều nhằm phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, vì, cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc của Nhân dân. Mối liên hệ mật thiết của Đảng với dân không chỉ thể hiện ở mục đích hoạt động của Đảng. Nó còn được biểu hiện sinh động ở phương pháp, cách thức hoạt động của Đảng trong quan hệ với dân, nhất là hoạt động của các cơ sở đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại cơ sở. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải: luôn luôn gần gũi nhân dân. Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân. Học hỏi nhân dân. Bốn điều ấy phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được kinh nghiệm và sáng kiến của dân”[17]. Người thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên, đối với dân phải tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, “ra lệnh cho oai, phải “khiêm tốn, không được kiêu ngạo”... chỉ có như vậy mới đoàn kết, lãnh đạo được Nhân dân thì Đảng mới được dân tin, dân phục, dân yêu, mới làm tròn nhiệm vụ của người lãnh đạo. Cán bộ và đảng viên phải thật sự trong sạch “cần, kiệm, liêm, chính” để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải hoan nghênh ý kiến phê bình của Nhân dân, chân thành tiếp thu phê bình và quyết tâm sửa chữa. Thực tế cho thấy, nếu không chân thành tiếp thu ý kiến phê bình của dân, không chịu sửa chữa sai lầm, khuyết điểm thì sẽ đánh mất lòng tin của dân, dân sẽ ca thán thậm chí bất bình. Khi ấy, Đảng sẽ trở nên xa lạ với dân và tất nhiên khó lãnh đạo được Nhân dân.

Năm là, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là phải chọn, sử dụng và thay cán bộ cho đúng

Theo Hồ Chí Minh, mọi việc thành bại của cách mạng đều liên quan đến vấn đề cán bộ. Vấn đề này được Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[18]. Cho nên, lựa chọn, bố trí cán bộ được xem là một khâu quan trọng trong toàn bộ chính sách cán bộ đối với đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người nào có năng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy. Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”[19]. Trong việc sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc cất nhắc, đề bạt cán bộ một cách đúng đắn. Cất nhắc, đề bạt, theo quan điểm của Người, là “vì công tác, vì tài năng” chứ không thể “vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang”. Nếu làm như vậy thì “nhất định không ai phục, mà lại gây nên mối lôi thôi trong Đảng”. Từ đó, Người đã đi đến kết luận: “Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Việc cất nhắc, đề bạt cán bộ ở những cương vị phụ trách, lãnh đạo phải thận trọng chính xác, vì, đối với những người đó, phạm vi phụ trách càng rộng, chức vị càng cao, quyền hạn càng lớn thì tác động ảnh hưởng càng nhiều. Để sử dụng cán bộ được tốt, Đảng phải kiểm tra giúp đỡ cán bộ kịp thời. Làm tốt thì biểu dương khen thưởng, làm dở thì chỉ bảo hướng dẫn, có khuyết điểm thì nhắc nhở phê bình, có sai lầm thì tùy mức độ mà xử phạt thích đáng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại”[20]. Việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ không chỉ trong hệ thống tổ chức của Đảng mà cả trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, chống cho được những thói hư, tật xấu, sự thoái hoá, biến chất trong điều kiện đảng cầm quyền. Người luôn day dứt, trăn trở, thậm chí lo lắng trước các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, nhất là những bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, có nguy cơ đưa Đảng đến nguy cơ thoái hoá, biến chất, căn bệnh này theo Hồ Chí Minh là “giặc nội xâm”, là kẻ thù nguy hiểm. Người đã cảnh báo căn bệnh này ngay từ khi đất nước ta còn rất nghèo, từ khi cán bộ đang còn “ba cùng”, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Với tầm nhìn xa về tương lai, Hồ Chí Minh sớm phát hiện thấy những thói hư, tật xấu đã nảy sinh trong không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, thấy rõ sự cám dỗ của quyền lực có thể làm cho con người hư hỏng, thoái hóa, biến chất rất nhanh chóng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải rèn luyện đạo đức cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính” kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh đã dự báo một nguy cơ đó là chủ nghĩa cá nhân không dừng ở một người, một cá nhân mà có thể lây lan biến chất tới cả một tập thể, một tổ chức. Để khắc phục những căn bệnh ấy, Người chỉ rõ, phải thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình một cách chân thành, thẳng thắn; phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát; phải giữ gìn kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước thật nghiêm minh. Đối với cán bộ, đảng viên, Người đòi hỏi phải ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức để nâng cao trình độ, phẩm chất, làm tròn trách nhiệm là người lãnh đạo, để không biến “đầy tớ của nhân dân” thành “quan nhân dân”. Người chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[21]. Thực tế điều này đã xảy ra và trở thành tai hoạ của nhiều Đảng Cộng sản ở nhiều quốc gia. Ngay ở nước ta cũng đã có không ít trường hợp kể cả cá nhân và tập thể đã rơi vào tình trạng này.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là một việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết, trong thời điểm hiện nay lại càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Để thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền, nhằm xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh./.

Theo Vũ Quang Ánh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền/hochiminh.vn

-------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 49

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr.272

[3] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.623

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr.272

[5] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 13, tr.164

[6] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.334

[7] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 14, tr.467

[8] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 14, tr.608

 [9] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.97

 [10] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.97

[11] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.97

[12] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.95

[13] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.335

[14] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.15

[15] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr.452

[16] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.232

[17] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.432

[18] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.280

[19]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.119

[20] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.324

[21] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 13, tr.90

Tag:

File đính kèm