Theo đó, năm 2024, với sự nỗ lực chung của tỉnh, nhất là của ngành nông nghiệp, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết 119/NQ-HĐND đạt được nhiều kết quả tích cực; qua đó đã hỗ trợ cho công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đã hình thành các vùng trồng đạt tiêu chuẩn về sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (GAPs), hữu cơ…, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu, phát triển về nhãn hiệu, thương hiệu, tăng cường liên kết tiêu thụ, thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn một số khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp như phương thức giao dịch nông sản phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu còn qua nhiều khâu trung gian, chưa tối ưu hóa chuỗi sản xuất, chưa hình thành nhiều hình thức giao dịch qua hợp đồng kinh tế. Sản xuất còn chạy theo phong trào, chưa thật sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, từ đó thiếu chủ động trong liên kết với doanh nghiệp để cung ứng sản phẩm có số lượng lớn và chất lượng sản phẩm đồng đều.
Trong lĩnh vực nông nghiệp cần đầu tư dài hạn, trong khi thị trường biến động liên tục, do đó rất khó khăn trong dự báo và định hướng sản xuất cho người dân. Hoạt động một số Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, thực hiện liên kết chuỗi còn nhiều hạn chế, năng lực quản lý điều hành của Ban giám đốc HTX còn hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa tích cực chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ từ các doanh nghiệp. Liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác, vùng trồng chưa được chặt chẽ và còn thiếu bền vững.
Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Liệt báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 119/NQ-HĐND ngày 15/6/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2024
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Liệt cho biết trong thời gian tới, tỉnh đã đề ra các giải pháp tập trung thực hiện như: Về giải pháp về cơ chế chính sách, tỉnh đã tích cực triển khai các Quyết định, Kế hoạch thực hiện cụ thể hóa các Nghị quyết của HĐND tỉnh trong các lĩnh vực về phát triển về nguồn nhân lực, thủy lợi, kết cấu hạ tầng, chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ nông sản, ưu đãi đầu tư khuyến khích trong sản xuất nông nghiệp.
Song song đó cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế quản lý, giám sát vùng trồng được cấp mã số nhằm duy trì và phát triển các vùng trồng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là thị trường xuất khẩu. Thực hiện nghiêm các quy định về yêu cầu kiểm dịch thực vật trên nông sản của nước nhập khẩu
Đồng thời, tỉnh cũng đề ra giải pháp về hạ tầng nông nghiệp: Công tác thủy lợi khép kín (94%), đảm bảo chủ động tưới tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong công tác xây mới, bảo trì, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, với 515 công trình đưa vào phục vụ sản xuất. Từng bước thúc đẩy sản xuất có tính liên kết tập thể, toàn tỉnh có 107 tổ hợp tác sản xuất, vừa hợp tác sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ, vừa quản lý công trình thủy lợi nhỏ ở địa phương phục vụ cho sản xuất. Từ đó, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, kết hợp kịp thời với tình hình sản xuất địa phương, đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm ảnh hưởng đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, kịp thời đảm bảo phục vụ sản xuất.
Công tác phát triển thông tin thị trường từng bước được bổ sung, cập nhật đầy đủ hơn. Cập nhật, đăng tải thông tin giá cả thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản trên hệ thống khuyến nông thị trường của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đến quảng bá thị trường nông sản, kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất, thời tiết nông vụ, khí tượng thủy văn…, kịp thời đáp ứng thông tin phục vụ sản xuất.
Về giải pháp về nhân lực, tỉnh cũng tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chính sách đưa lao động trẻ về công tác tại tổ chức kinh tế tập thể, xây dựng giải pháp liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất. Kết quả, đã thực hiện 104 lớp đào tạo nghề, 18 cán bộ trẻ, thành lập mới 09 hợp tác xã.
Trong giải pháp về tài chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh cũng tăng cường bố trí nguồn vốn cho công tác phát triển mã số vùng trồng, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp từ nhiều nguồn vốn: Chương trình xây dựng nông thôn mới, khoa học công nghệ, các chính sách từ các Nghị quyết đã giúp triển khai hiệu quả về tài chính cho công tác này. Ước tính có gần 8 tỷ đồng được đầu tư cho phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, huy động các nguồn lực hơn 300 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, góp phần phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp người dân tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống xã hội vùng nông thôn,....
Về giải pháp định hướng, thực hiện vùng trồng, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 23/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 10/7/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Thực hiện hỗ trợ đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu của thị xã Bình Minh, hỗ trợ xây dựng hình ảnh sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng mang tính đặc sản vùng miền và sản phẩm đặc hữu của từng địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Chỉ đạo lập danh sách các tổ chức và cá nhân; đối tượng và quy mô cây trồng có tiềm năng thiết lập mã số vùng trồng theo dõi, hỗ trợ các chủ thể đã được cấp mã số vùng trồng, thống nhất các thỏa thuận, hợp đồng liên kết với công ty, doanh nghiệp tại địa phương.
Về giải pháp về hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, tỉnh cũng đã thông qua các giải pháp về chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính đã góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào phục vụ sản xuất. Xây dựng các mô hình, dự án về canh tác tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, GAPs, hữu cơ…, đáp ứng theo tiêu chuẩn về chất lượng nông sản của các nước nhập khẩu. Dự án, mô hình về canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh.
Đối với giải pháp thiết lập cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chất lượng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Liệt cho biết, tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò chủ thể trong quản lý mã số vùng trồng ở các cấp. Tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn để duy trì các mã số vùng trồng đã được cấp, phòng ngừa gian lận, hạn chế các mã số vùng trồng bị thu hồi, phát triển mã số vùng trồng mới để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước:
Trong năm 2024 đã cấp mới 80 mã số vùng trồng xuất khẩu và nội địa, cấp mới 02 cơ sở đóng gói. Nâng tổng số mã số vùng trồng của tỉnh đến nay là129 vùng trồng xuất khẩu (nhãn, chôm chôm, xoài, bưởi, mít, khoai lang, sầu riêng, dừa) và 89 vùng trồng nội địa (bưởi, mít, khoai lang, sầu riêng, cam Sành, lúa, chanh, rau cải các loại...)
Đến nay, có 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu, tăng 01 cơ sở so với năm 2023. Tỉnh cũng đã triển khai các dự án về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khoai lang tím của huyện Bình Tân, Vĩnh Long; chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sầu riêng Ri 6 của tỉnh Vĩnh Long.
Một giải pháp cũng được tỉnh quan tâm thực hiện đó là liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đóng gói nông sản chủ lực phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, hướng dẫn về xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gắn với nông sản có mã số vùng trồng.
Đến nay tỉnh có 159 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Năm 2024, dự kiến sẽ có 99 sản phẩm được đề xuất đánh giá, dự kiến thực hiện đánh giá trong tháng 12/2024. Toàn tỉnh có 30 HTX Nông nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và dịch vụ tiêu thụ, bảo quản chế biến nông sản cho thành viên hợp tác xã và nông dân địa phương. Tỉnh cũng tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, trưng bày triển lãm…, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường nông sản.
Ngọc Hân