Sign In

Kết quả 5 năm triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

16:17 11/12/2024
(Vinhlong.gov.vn) – Thời gian qua, tỉnh thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức qua đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, việc sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dựng trên điện thoại ngày càng trở nên phổ biến, do đó trong những năm gần đây bên cạnh mô hình kinh tế truyền thống tại địa phương, người dân và doanh nghiệp đang quen dần với mô hình kinh tế chia sẻ và mô hình kinh tế chia sẻ ngày càng trở thành xu hướng phát triển. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, mô hình kinh tế chia sẻ chủ yếu được ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ như chia sẻ phương tiện giao thông (người dân và doanh nghiệp sử dụng app ứng dụng Grab, Xanh SM, WILL,… để đặt xe, giao thức ăn nhanh cho các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ cho thuê xe tự lái); dịch vụ lưu trú khi ứng dụng mạnh các mô hình kinh doanh Airbnb, Tripp.me, Travelmob, homestay đồng thời kết hợp sử dụng hướng dẫn viên du lịch người địa phương khi tham quan du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có các dịch vụ chia sẻ dữ liệu dùng chung, tài liệu giáo dục, liên kết giáo dục, chia sẻ hạ tầng viễn thông dùng chung cho các nhà mạng Viettel, Vina, Mobifone; cho thuê các thiết bị nông nghiệp máy cày, máy gặt đập liên hợp trong sản xuất và thu hoạch lúa; cho thuê cơ sở vật chất, hội trường phục vụ hội nghị, hội thảo.

Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với cơ quan truyền thông phổ biến kịp thời quy định pháp luật về thuế, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm, phí lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế đến người nộp thuế bằng nhiều hình thức nhằm hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; đồng thời ứng dụng triệt để, hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế. Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện khai thuế, nộp thuế, thực hiện hóa đơn điện tử, riêng đối với người nộp thuế là các nhân, hộ gia đình đang triển khai nộp thuế thông qua thiết bị di động eTax Mobile.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức tuyên truyền, quảng bá thương mại điện tử, vận động doanh nghiệp tham gia Sàn, phổ cập kiến thức thương mại điện tử, quảng bá, tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động, các điển hình về ứng dụng thương mại điện tử, thông tin về giá cả hàng hóa, cơ hội giao thương, thông tin, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm doanh nghiệp trên website Sàn Giao dịch thương mại điện tử ngành công thương của tỉnh thông qua phương thức như: đến trực tiếp tại cơ sở, doanh nghiệp để thực hiện, phát hành 12.000 tờ bướm tuyên truyền về thương mại điện tử tuyên truyền về lợi ích khi tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử, tuyên truyền, giới thiệu quảng bá sản phẩm tiêu biểu, thông tin doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành Công Thương; tổ chức 02 cuộc thi tìm hiểu kiến thức liên quan đến thương mại điện tử cho cán bộ công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh với 69 đơn vị tham gia và 1.247 người đăng ký dự thi; quảng bá thương mại điện tử, vận động khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh Vĩnh Long. Thực hiện vận động doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương Vĩnh Long thông qua nhiều hình thức như vận động trực tiếp, thông qua Hội nghị kết nối cung cầu, gửi công văn, thư điện tử,… Đến nay đã có 373 cơ sở, doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh tham gia sàn với 1.316 sản phẩm từ thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may, gia dụng, nông thủy sản, thực phẩm chế biến và đồ uống,… tham gia quảng bá, giới thiệu trên sàn, trong đó tỉ lệ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (NTTB) tham gia Sàn đạt 82,5%.

Các sở ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ kinh tế số, chuyển đổi số. Tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới trong thương mại điện tử. Theo đó đã triển khai “mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”, kết quả có hơn 240 tiểu thương tại chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money) kết nối được 30 ngân hàng và các ví điện tử. Với mô hình Chợ 4.0, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng để việc mua bán thuận tiện hơn. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc một số hàng hóa, thí điểm truy xuất nguồn gốc một số hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm tạo cơ sở dữ liệu giúp truyền tải thông tin về sản phẩm một cách đáng tin cậy, là công cụ quan trọng để tiếp cận thị trường, giúp cho người tiêu dùng đánh giá đúng về sản phẩm. Doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin một cách an toàn, hiệu quả, tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp. Hơn nữa, đó cũng là một công cụ hữu hiệu để nhà sản xuất quản lý tốt sản phẩm của mình ở từ khâu chế biến, tiêu thụ thông qua các thông tin cập nhật trong tem truy xuất nguồn gốc gồm: tên sản phẩm; Mã cá thể; giá sản phẩm; Logo, tên doanh nghiệp chủ sở hữu sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; ngày sản xuất - hạn sử dụng.

Tỉnh đã hỗ trợ kết nối doanh nghiệp có chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP với Giga Mall để giới thiệu các sản phẩm và chào bán trong các chương trình và điểm bán hàng của Giga Mall; phối hợp các đơn vị liên quan nắm tình hình giá cả, khả năng cung ứng một số mặt hàng nông sản của tỉnh để tổng hợp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân cần tiêu thụ nông sản để kịp thời cung cấp thông tin đến Bộ Công Thương (thông qua zalo nhóm) hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản trên website của Bộ Công Thương đồng thời thông tin kết nối nông sản Vĩnh Long với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước; tham gia các hội nghị: kết nối cung - cầu nông thủy sản giữa các tỉnh, thành phía Nam và thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, các hội nghị về xúc tiến thương mại, các hội nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản qua các Sàn thương mại điện tử như lazada, shopee, voso, postmart,… Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp theo các nội dung: hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử cho doanh nghiệp: xây dựng hoặc nâng cấp website của doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng, tăng cơ hội giao thương, phát triển thị trường, ứng dụng những lợi ích của thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ được 10 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng website. Đồng thời, thực hiện Đề án thuộc chương trình thương mại điện tử quốc gia hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng và duy trì website thương mại điện tử cho 06 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh còn thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, tham mưu bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và áp dụng chung cho kinh tế chia sẻ. Trong công tác điều hành quản lý nhà nước, tỉnh đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành, chia sẻ dữ liệu thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị. Tỉnh đã triển khai, nghiệm thu và giao trách nhiệm ứng dụng 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Hỗ trợ các doanh nghiệp Vĩnh Long tham gia thương mại điện tử”. Trên cơ sở kết quả đề tài, hoạt động ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh ngày càng thể hiện hiệu quả và đáp ứng tốt nhu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Lâm Dung – Nguồn Công văn số 7051/UBND-KTNV

 

Tag:

File đính kèm