Sign In

Hội nghị triển khai, quán triệt về công tác giảm nghèo bền vững đến Bí thư chi bộ ấp, khóm, khu trên địa bàn tỉnh

10:29 15/04/2024
(Vinhlong.gov.vn) - Ngày 11/4/2024, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai, quán triệt về công tác giảm nghèo bền vững đến Bí thư chi bộ ấp, khóm, khu trên địa bàn tỉnh. Ông Bùi Văn Nghiêm – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 112 điểm cầu với hơn 3.700 đại biểu ở các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và Bí thư Chi bộ các ấp, khóm, khu trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành, triển khai kịp thời đến các cấp, các ngành và địa phương. Ban Chỉ đạo các cấp đã có nhiều giải pháp thích hợp, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện đạt hiệu quả. Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú.

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Vĩnh Long, năm 2023, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2023 trên 60,8 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong năm 2023 giảm 0,49%/năm (vượt kế hoạch đề ra là 0,41%/năm). Cụ thể, đầu năm 2023 toàn tỉnh có 4.247 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,44% đến cuối năm 2023 giảm còn 2.808 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,95%.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.808 hộ nghèo ở 107 xã, phường, thị trấn với 652 ấp, khóm, khu có hộ nghèo (100 ấp, khóm khu không có hộ nghèo). Đa số các hộ nghèo thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản như về việc làm, người phụ thuộc trong gia đình, bảo hiểm y tế, nhà ở, thông tin, nước sinh hoạt và vệ sinh. Có 1.571 hộ nghèo không khả năng thoát nghèo chiếm 0,53% tổng số hộ dân, phần lớn là đối tượng bảo trợ xã hội, đông người phụ thuộc và đối tượng thuộc dạng hộ không có người lao động.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thông tin về tình hình triển khai các hoạt động và mô hình hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo năm 2023, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như đề ra mục tiêu phấn đấu và các giải pháp để triển khai hiệu quả công tác này trong năm 2024.

Ảnh: Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các cấp, bảo đảm đủ mạnh và hoạt động hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, lồng ghép các nguồn lực để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đặc biệt là, hỗ trợ người dân tiếp cận các đề án, hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo; từ đó, chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Tích cực vận động Nhân dân tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lợi thế của từng địa phương để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân.

Các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ theo cụm xã, theo các hợp tác xã, nhằm hỗ trợ các hộ không có tư liệu sản xuất có việc làm và tăng thu nhập. Nghiên cứu thành lập các Tổ dịch vụ lao động để giải quyết việc làm cho số lao động nông nhàn tại địa phương.

Đồng thời cần phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, hình thành vùng nguyên liệu có quy mô lớn, phối hợp với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp họ cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Rà soát chính xác nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh triển khai các mô hình đa dạng hóa sinh kế hỗ trợ nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo. 

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của Bí thư, Trưởng ấp, khóm, khu và là nòng cốt tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó cần phát động phong trào thi đua, khen thưởng để biểu dương những mô hình hay, cách làm hiệu quả, phát huy vai trò của Bí thư, Trưởng ấp, khóm, khu trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững

Các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động triển khai thực hiện một số mô hình giảm nghèo trong hội viên, đoàn viên do mình quản lý; phát động phong trào nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều giải pháp phù hợp. Đối với những hộ nghèo không khả năng thoát nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đông người phụ thuộc và đối tượng hộ không có người lao động… Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị các cấp, các ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động hỗ trợ, giúp đỡ về các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống, phát động các phong trào chăm lo cho hộ nghèo bảo trợ xã hội để họ có cuộc sống tốt hơn…

Ngọc Hân

Tag:

File đính kèm