Sign In

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm

00:00 23/05/2024

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại Tổ số 5 gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Lào Cai và Quảng Nam. Các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng chủ trì phiên thảo luận.
 

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: Thu ngân sách Nhà nước, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu...

Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Những kết quả đã đạt được là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự điều hành của Chính phủ trước những “cơn gió ngược”. Nền kinh tế Việt Nam không chỉ trụ được mà còn là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp tại các nước trong cộng đồng quốc tế tin tưởng vào Việt Nam. Theo đại biểu, công tác đối ngoại cũng đã có nhiều đóng góp đối với các thành tích nước ta đạt được.

Đánh giá cao tăng trưởng kinh tế cả nước đạt được trong quý I/2024. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn và là tín hiệu của sự phục hồi, thậm chí là sự tăng tốc trong các tháng còn lại của năm 2024.

Để kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực: Sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi sát sao, chặt chẽ diễn biến giá cả và lạm phát trên thế giới để chủ động có giải pháp, kịch bản đối phó với tình hình trong nước. Bên cạnh đó, có giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung cấp với giá ổn định, nhất là cái nhóm lương thực, thực phẩm tiêu dùng thiết yếu của Nhân dân. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần tính toán thời gian để điều chỉnh giá các mặt hàng dịch vụ do nhà nước quản lý như là điện, nước, giáo dục, y tế… cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã nhấn mạnh đến những kết quả tích cực của kinh tế - xã hội thời gian qua và cho rằng đây là tín hiệu của sự phục hồi, tăng tốc của kinh tế trong các quý sau của năm 2024. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhắc đến một số tồn tại của nền kinh tế như: Thu ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế, việc phân tích, dự báo thu chưa sát, nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước còn khó khăn, vướng mắc; tổng cầu trong nước dù đã tăng khá hơn nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP...

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp. Ban hành kịp thời các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật khi có hiệu lực, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu thuế và đẩy mạnh việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Quan tâm hơn nữa đối với công tác an sinh xã hội, phúc lợi công cộng, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng thuộc diện chính sách.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
Bích Phượng
 

Tag:

File đính kèm