Sign In

Thiêng liêng lá cờ đỏ sao vàng

07:48 01/05/2024
YênBái - Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một tòa nhà chung cư cao tầng treo hàng trăm lá cờ Tổ quốc một cách thẳng đều đã gây ấn tượng mạnh trên cộng đồng mạng. Khi cư dân các tòa nhà cùng treo lá cờ đỏ sao vàng tại vị trí giống nhau, kích cỡ lá cờ bằng nhau, không chỉ tạo ra hiệu ứng mà còn cảnh báo với các thế lực thù địch rằng truyền thống yêu nước đã đi vào máu thịt người dân Việt Nam.

Mỗi dịp lễ, tết, lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại được treo lên khắp các cơ quan, đơn vị, trường học, các cơ sở tôn giáo và trước hiên mỗi nhà dân. Cùng với ca khúc hùng tráng của bài "Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca, lá cờ đỏ sao vàng mang ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Xuất hiện lần đầu vào năm 1940, sau đó chính thức trở thành Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào tháng 9/1945. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và hai miền thống nhất, cờ đỏ sao vàng tiếp tục trở thành Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Việt Nam khóa VI. 

Màu đỏ của lá cờ biểu tượng cho màu cách mạng, nhuộm máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu. Ngôi sao năm cánh, biểu tượng của sự đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đúng như lời thơ cách mạng đã mô tả "Sao vàng năm cánh xòe hoa, dẫn đường, chỉ lối đường xa cho mình”.

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một tòa nhà chung cư cao tầng treo hàng trăm lá cờ Tổ quốc một cách thẳng đều đã gây ấn tượng mạnh trên cộng đồng mạng. Những khu dân cư sang trọng, những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác là minh chứng cho sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao; là lời khẳng định với bạn bè thế giới rằng Việt Nam đã không còn là đất nước đói nghèo, lạc hậu; đất nước hình chữ S đang dần vươn mình trở thành một "Con rồng châu Á” mới.

Ở khía cạnh khác, khi cư dân các tòa nhà cùng treo lá cờ đỏ sao vàng tại vị trí giống nhau, kích cỡ lá cờ bằng nhau, không chỉ tạo ra hiệu ứng mà còn cảnh báo với các thế lực thù địch rằng truyền thống yêu nước đã đi vào máu thịt người dân Việt Nam; toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng và văn minh và mọi lời lẽ xúi giục, kích động đều trở nên lạc lõng và vô nghĩa.

Đại tá Trần Đức Ánh - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái khi còn đương nhiệm đã chia sẻ với chúng tôi rằng: "Từ vùng thấp đến vùng cao, từ cơ quan, đơn vị, trường học đến nhà thờ, nhà chùa đều treo cờ Tổ quốc nhân dịp Ngày Quốc khánh thế này thì bọn phản động lưu vong, các thế lực thù địch chỉ cần nhìn thôi đã hiểu, không dễ gì thâm nhập, lôi kéo, càng không thể phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, không thể chia rẽ được sự gắn bó của dân với Đảng”.

Rất nhiều câu chuyện liên quan đến lá cờ đỏ sao vàng khiến người nghe không khỏi xúc động như lá cờ được các chiến sĩ cách mạng vẽ bằng máu trong nhà tù của thực dân Pháp; lá cờ được các chiến sĩ cách mạng thêu tỷ mỉ và chuyền tay nhau, cất giữ cẩn thận trong nhà giam của Đế quốc Mỹ và tay sai ở Phú Quốc… Lá cờ đỏ sao vàng trở thành kỷ vật thiêng liêng và niềm tin chiến thắng giúp các chiến sĩ giữ vững khí chất trước những màn tra tấn cực kỳ hung bạo của kẻ thù. Có những lá cờ thấm máu chiến sĩ quân giải phóng theo đúng nghĩa đen, những lá cờ bị đạn thù đâm thủng nhưng vẫn tung bay trong ngày chiến thắng.

Ông Nguyễn Điền Hải - một Việt kiều sống tại thành phố Bon của Đức kể lại: "Vợ chồng tôi định cư ở thành phố Bon, Cộng hòa Liên bang Đức cũ; khi nước Đức chưa thống nhất, người gốc Việt ở đó không nhiều và đều xuất thân từ miền Nam, trong những gia đình công chức hoặc binh lính dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Sau ngày 30/4/1975, ngụy quyền sụp đổ, đất nước hòa bình, lá cờ đỏ sao vàng trở thành lá cờ chính thức của đất nước Việt Nam thống nhất, tôi đã mua vải về may một lá cờ đỏ sao vàng để treo trước hiên nhà".

"Với tôi, đó là chuyện rất bình thường của mỗi người dân gốc Việt nhưng nhiều người đồng hương phản đối, họ kéo tới yêu cầu tôi hạ cờ xuống, nhiều người quá khích còn chửi bới, ném đá và định hành hung vợ chồng tôi. Dễ hiểu thôi, như đã nói ở trên, đại đa số bà con đều có liên quan đến chế độ ngụy quyền. Trước tình cảnh đó, vợ tôi, cũng là con một thương nhân nổi tiếng ở Sài Gòn đã khuyên tôi hạ cờ xuống. Áp lực là không nhỏ, trong đó bị cộng đồng tẩy chay là nguy hiểm nhất, nhưng tôi đã suy nghĩ rất kỹ và cương quyết giữ lá cờ Tổ quốc của mình. Tất nhiên, bản thân và gia đình phải chịu đựng rất nhiều phiền toái, làm ăn rất khó khăn… song cũng rất may, tình yêu của tôi với quê hương và lá cờ thiêng liêng đã dần được vợ con và kiều bào thấu hiểu”, ông Hải nói.

Còn rất nhiều câu chuyện xung quanh lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, cùng với đó là bao lời ca, tiếng hát, bao tác phẩm nghệ thuật ca ngợi Quốc kỳ nước Việt Nam yêu dấu. Trong niềm xúc động chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Quốc tế Lao động 1/5 và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi lại mở tủ lấy lá cờ treo lên vị trí trang trọng trước hiên nhà. Ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, dưới nền trời xanh, lòng tôi phơi phới tự hào về Tổ quốc Việt Nam mình.

Lê Phiên

     

Tag:

File đính kèm