Sign In

Nâng cao chỉ số hạnh phúc - trách nhiệm của đảng viên

07:45 23/05/2024
YênBái - Bằng cách làm căn cơ, bài bản, dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và của đất nước, Yên Bái đã mạnh dạn đưa chỉ số hạnh phúc (CSHP) là một chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XIX với sự vào cuộc của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên và đang đạt được kết quả quan trọng trong những năm cuối nhiệm kỳ.

Sự gắn kết của lãnh đạo chính quyền tỉnh với đồng bào các dân tộc trong hoạt động “Ngày thứ Bảy cùng dân” chính là chất xúc tác xây chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Trong ảnh: Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia làm đường giao thông nông thôn cùng với người dân huyện Yên Bình.
Sự gắn kết của lãnh đạo chính quyền tỉnh với đồng bào các dân tộc trong hoạt động “Ngày thứ Bảy cùng dân” chính là chất xúc tác xây chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Trong ảnh: Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia làm đường giao thông nông thôn cùng với người dân huyện Yên Bình.

 

Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và các chủ trương, định hướng, nghị quyết của Trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đó là sự sáng tạo, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân được thể hiện qua các phong trào thi đua: xây dựng trường học hạnh phúc; khu dân cư hạnh phúc; thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; xã, phường, thị trấn hạnh phúc... 

Hàng năm, tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao CSHP của người dân, cuối năm tổ chức khảo sát, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong các năm tiếp theo. 

Qua đánh giá, CSHP của người dân Yên Bái năm 2022 đạt 62,57%, tăng 4,46% so với năm 2021, tăng 9,27% so với đầu nhiệm kỳ, đạt mức 2 - khá hạnh phúc; trong đó, chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 55,5%, về môi trường đang sống đạt 69,82%, và về tuổi thọ trung bình đạt 78,72%. 

Kết quả đó đã khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm và cả nhiệm kỳ theo phương châm "Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm" đối với từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, tinh thần "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của cán bộ, đảng viên gắn với công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nếu để xảy ra vi phạm. 

Thực tế phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình "Gia đình hạnh phúc”, "Khu dân cư hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”… trên địa bàn tỉnh những năm qua cho thấy hiệu quả của việc phát huy vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở đã và đang góp phần quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra. Qua đó, đồng bào các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh đã ngày càng cảm nhận rõ hơn giá trị của "hạnh phúc” khi chất lượng cuộc sống dần được nâng lên, kinh tế - xã hội ngày một phát triển, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững.

Đi đầu thực hiện nâng cao CSHP cho nhân dân phải kể đến công tác chỉ đạo điều hành quyết tâm, quyết liệt của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thông qua việc cụ thể hóa Kế hoạch số 123 của Tỉnh ủy về nâng cao CSHP của người dân Yên Bái năm 2023. 

Theo đó, các ban, sở, ngành, đoàn thể, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế đã quán triệt và xác định các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao CSHP cho người dân đảm bảo cụ thể, mang ý nghĩa nền tảng cốt lõi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đăng ký xây dựng các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo mang tính đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao CSHP của người dân. 

Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao CSHP của người dân Yên Bái năm 2023 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân để triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu, chất lượng nên các chỉ tiêu đều đạt và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. 

Cùng với việc tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là việc chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện tốt các chính sách, đề án hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn; Dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân về điều kiện kinh tế - vật chất, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 


Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh ngày một nâng cao. Trong ảnh: Người dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên thi kéo co trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.  

Hết năm 2023 đã có 70,7% số xã toàn tỉnh đạt chuẩn xây dựng NTM; số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 111% kế hoạch. Huyện Yên Bình đã hoàn thành các tiêu chí huyện NTM và được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; xóa thôn trắng sóng di động, khắc phục vùng lõm sóng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ số. Nhờ đó, 100% thôn, bản có điện được phủ sóng thông tin di động 4G; phát wifi công cộng ở khu vực chợ Bến Đò và trung tâm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh, truyền hình đạt 99,4%. 

Người dân đang ngày càng hài lòng hơn về đời sống văn hóa tinh thần nhờ sự lan tỏa của Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, Lễ hội Trà Shan Tuyết huyện Văn Chấn... được tỉnh tổ chức cùng những hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch, duy trì, khôi phục các lễ hội truyền thống phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân do các địa phương tổ chức như: Ngày hội Pay Tái ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên; Giải leo núi "Bước chân trên mây" chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu; Festival Dù lưọn và các hoạt động du lịch "Mùa nước đổ", huyện Mù Cang Chải; Ngày hội văn hóa, thể thao "Âm vang hồ Thác Bà ", "Không gian ẩm thực huyện Văn Yên”; cuộc thi vòng xòe đẹp nhất Tây Bắc  ở thị xã Nghĩa Lộ… Nhờ phát huy cao vai trò trách nhiệm và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong nâng cao CSHP mà chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của cơ quan công quyền của tỉnh cũng ngày càng được nâng lên. 

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ. Kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân phục vụ. 

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 3,76%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,47% so với năm 2022; 358.587 đối tượng được hưởng chính sách về bảo hiểm y tế; 30.952 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện; 108.183 lượt học sinh hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục; 31.711 đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đạt 100% kế hoạch. 

Các cấp chính quyền tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng đối thoại trực tiếp, hướng về cơ sở, gần gũi, thân thiện với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để cùng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc... nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 

Đến nay, trên 160 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 93,6%; 166 xã triển khai xây dựng trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và 173 xã đã áp dụng "Bảng điểm chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã”; Phong trào thi đua "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” được phát động triển khai thực hiện tại 15/15 cơ sở khám, chữa bệnh công lập… Những kết quả đó đã góp phần nâng CSHP năm 2023 của người dân Yên Bái lên 65,62%, tăng 3,05% so với năm 2022 và vượt 0,02% so với mục tiêu phấn đấu theo Kế hoạch số 123 của Tỉnh ủy.

Nâng cao CSHP cho nhân dân đã và đang trở thành động lực, nền tảng tinh thần, giá trị cốt lõi trong mục tiêu phát triển của tỉnh Yên Bái mà đội ngũ cán bộ, đảng viên là nòng cốt. Với quyết tâm chính trị cao, sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đang quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng phát triển mạnh theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", phấn đấu hết năm 2024 này sẽ nâng CSHP của người dân lên 68%. 

Thanh Hương

     

Tag:

File đính kèm